“Dì Mười” là cái tên thân thương mà người ta hay gọi cụ Lê Thị Tâm (SN 1931, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM). Ở tuổi 89, dù sức khoẻ yếu, cụ vẫn nhiệt huyết tham gia những công tác địa phương và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
“Còn sống thì phải chia sẻ, giúp đỡ mọi người”
Dì Mười quê Phú Yên. Năm 14 tuổi, cụ hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng năm 1949. Sau năm 1954, cụ được cử về hoạt động ở Sài Gòn. Tháng 8/1966, cụ bị bắt. Dù bị giặc tra tấn dã man, cụ một mực khai mình là Trần Thị Đào (vì thế mới có bí danh Mười Đào). Dì Mười bị đày ra Côn Đảo, ở chuồng cọp cho đến ngày 30/4/1975. Sau đó, dì Mười được phân công về quận Phú Nhuận công tác và đến năm 1990 thì nghỉ hưu.
Hỏi dì Mười bắt đầu làm từ thiện từ khi nào? Dì Mười vội đính chính: “Ấy chết. Tui không thích từ “từ thiện”. Tui làm vì trách nhiệm, nghĩa vụ của lớp người đi trước chứ không phải từ thiện. Tại sao tui nói vậy, bởi lớp người của chúng tui được Đảng dạy, dân nuôi. Đồng đội hi sinh xương máu, tui còn sống thì phải chia sẻ, giúp đỡ mọi người”.
Nghe có ai khó khăn, dì Mười tìm đến giúp đỡ, của ít lòng nhiều. Dù ở xa, dì Mười không quản ngại. Năm 1999, trận lũ lụt lịch sử khiến các tỉnh miền Trung chìm trong biển nước. Người chết, người đói, người xin ăn khắp nơi, xót xa.
Trăn trở, dì Mười quyết định bán căn nhà trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) lấy 120 cây vàng cứu trợ đồng bào miền Trung. Nhiều người góp ý: “Có bao nhiêu quyên góp bấy nhiêu. Ai lại bán nhà?”. Dì Mười phản bác: “Ngày xưa tui sống nhờ dân. Biệt thự Nhà nước cấp thì cũng là của dân. Giờ dân bị nạn lũ lụt, tui nỡ lòng nào ở nơi to lớn mà để đồng bào đói khát, rét lạnh”.
Số tiền bán nhà, dì Mười mua gạo cho các tỉnh miền Trung, và một số đối tượng chính sách, còn lại cụ mua căn nhà nhỏ số 7/11 đường Lê Phú Tài (Phú Nhuận) ở cho đến nay. Đến bây giờ dì Mười vẫn không hối tiếc với quyết định bán nhà. Căn nhà mới nhỏ hơn, chật hẹp nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc của vợ chồng đứa con gái và hai cháu ngoại. Còn trái tim dì Mười vẫn bừng sáng, ấm ấp vì việc nghĩa, vì được cống hiến cho đời.
Người Đảng viên 70 năm tuổi Đảng coi việc giúp đỡ người khác là trách nhiệm của bản thân. |
Từ ngày nghỉ hưu, dì Mười chú trọng hơn đến việc nghĩa. Nghe ở đâu có khó khăn, hoàn cảnh cần giúp đỡ, dì Mười đều tìm đến. Năm 2015, dì Mười đọc báo, thấy ở Trường Tiểu học Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) các cháu học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Dì Mười gom góp sách vở, quần áo và tiền rồi liên hệ với tác giả bài báo gửi lên cho các cháu.
“Năm đó tui bệnh không lên được. Năm 2016 - 2017, tui có lên thăm các cháu. Thấy các cháu vui vì có cuốn tập mới, quần áo mới, tui vui lắm. Trường nằm trong rừng Cát Tiên, thiếu thốn đủ thứ, khổ trăm bề. Tui ước mình có sức khoẻ nhiều để thăm các cháu thường xuyên”.
“Sài Gòn hàng ngàn người tốt, việc tốt”
“Có lần, vào năm 2016, tui đọc bài báo viết về các chiến sĩ hi sinh ở nhà giàn DK1 trong khi làm nhiệm vụ. Tui nhờ tác giả kết nối gửi tặng bà Phan Thị Cháu, là mẹ của liệt sĩ Lê Đức Hồng và hai vợ liệt sĩ khác hy sinh khu vực nhà giàn DK1, Trường Sa, mỗi người 3 triệu đồng nhân dịp Tết Nguyên đán. Số tiền nhỏ nhưng tôi thấy rất vui”, dì Mười chia sẻ.
Dì Mười kể: “Từ năm 2008, tháng nào tui lĩnh lương hưu cũng bỏ vào phong bì một ít. Đủ 2 triệu, tôi lại kiếm phong bì khác bỏ vào. Cứ thế, đủ 64 cái phong bì. Mấy đứa cháu thấy lạ hỏi “ngoại làm gì”, tui chỉ cười. Tui có bí mật của tui”.
Bí mật ấy là gì? Nhẩm tính tháng, tính năm, những cái phong bì đã đủ đầy. Dì Mười lôi trong tủ ra một tập nhựa đóng kín. Đó là những bài báo về Trường Sa, về những người lính hy sinh trên biển. Dì Mười cẩn thận lồng nhựa, đóng thành tập.
64 phong bì ấy, từng đồng tiền được vuốt thẳng, phẳng phiu, đủ các mệnh giá từ 20.000, 50.000, 100.000 đồng… Dì Mười bảo: “Lĩnh lương, người ta đưa sao thì tui bỏ vô vậy”.
64 phong bì ấy, dì Mười dành tặng cho người thân của 64 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988. Dì Mười không thể liên lạc được với 64 gia đình trên nên nhờ một tờ báo tặng giúp.
“Tiền không có nhiều, nhưng đây là tấm lòng của tui. Tui chuyển đến gia đình các liệt sỹ như một lời tri ân với những chiến sĩ đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc”, dì Mười chia sẻ.
Dì Mười trong một chuyến đi thiện nguyện. |
Lương hưu chỉ hơn 5 triệu nhưng dì Mười rạch ròi, phần mua thuốc, phần dành cho những việc làm mà dì Mười cho đó là trách nhiệm của lớp người đi trước. Dì Mười chăm đọc báo. Mỗi lần thấy hoàn cảnh thương tâm, dì Mười thường tự thân đến tận nơi giúp đỡ hoặc lúc sức yếu thì gửi gắm cho người mình tin tưởng mang đến.
Nhiều hàng xóm nhận xét, những việc dì Mười làm như một minh chứng cho tấm lòng trung kiên, nghĩa dũng của người Đảng viên 70 năm tuổi Đảng. Dù ở tuổi 89, dì Mười vẫn tự nguyện nhận lấy trách nhiệm vì người khó khăn, nghèo khổ, vì những người ngã xuống cho đất nước, cho dân tộc.
Chia tay người viết, dì Mười nói: “Sài Gòn hàng ngàn người tốt, việc tốt, như tui có sá chi đâu”.