Lời biện hộ này đã bị tòa bác bỏ nghiêm khắc: “Sống ở đời, ai cũng phải lao động. Người khuyết tật còn phải ngồi trên xe lăn đẩy đi bán hàng. Ông già bà lão cũng phải vất vả khắp nẻo phố bán từng tờ vé số mưu sinh. Cớ sao bị cáo đầy đủ chân tay, sức khỏe dồi dào, lại ngồi ở nhà chơi không, đợi ai sơ hở là ăn trộm?”
Phiên xử lưu động vắng người dự khán
Buổi chiều, nắng như hắt lửa xuống mặt đất. Phiên tòa lưu động do TAND TP Huế xét xử lưu động tại Nhà văn hóa phường Vĩ Dạ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chỉ thưa thớt vài người dự khán. Con đường phía trước nhà văn hóa đang thi công, tiếng máy móc ầm ầm ì ì vang vọng đến khán phòng, khiến không khí nơi đây thêm phần ngột ngạt.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Nhật, năm nay mới 21 tuổi (ngụ TP Huế), bị cáo buộc “trộm cắp tài sản”. Khán phòng rộng thênh thang, Nhật ngồi thu lu một góc, chơ vơ. Đôi mắt người thanh niên cứ nhìn ra khung cửa không chớp.
Ngoài kia, chỉ có những vòng bụi đường đỏ ối cuộn lên sau dòng xe cộ, tịnh không có bóng ai bước vào. Bị cáo đã mỏi mắt chờ người thân. Nhưng mãi đến giờ xét xử, vẫn chẳng thấy ai đến.
Bị cáo run run giọng, bảo nhà cách điểm xét xử chỉ hơn cây số. Chẳng biết sao ba mẹ không ghé tới. Ba tháng bị tạm giam, Nhật chỉ nhận được đồ “tiếp tế” từ nhà gửi vào. Những mong đến ngày ra tòa, để được gặp cha mẹ và cả người yêu nữa. Nhưng khán phòng giờ vắng tanh, khiến bị cáo rầu rỉ, đầu cứ thế mà ủ rũ cúi thấp.
Đồ thủ công được kết hình đôi chim bồ câu Nhật làm trong trại giam, nay mân mê trong tay. Chắc là đợi cô bạn đến để tặng, nhưng người chẳng thấy. Có người giúp bị cáo gọi điện về báo cho người nhà. Hai mắt bị cáo sáng rỡ, hy vọng.
Bị cáo sinh ra trong gia đình có 5 anh em, là con út trong nhà, mới học đến lớp 8 thì bỏ học, mặc cha mẹ hết lời khuyên răn. Không nghề ngỗng, nên bị cáo ở nhà, lang thang với đám bạn lêu lỏng, chẳng mấy chốc sinh hư.
Năm 2014, bị cáo Nhật từng bị TAND TP Huế tuyên phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội “trộm cắp tài sản”. Hiện vẫn còn chưa chấp hành xong bản án về phần án phí hình sự sơ thẩm, lại tiếp tục gây án.
Khoảng 9h sáng ngày 6/1/2017, Nhật lang thang đi bộ ngang qua một ngôi nhà trên đường Bùi Thị Xuân. Phát hiện cửa nhà không khóa, bên trong lại không có ai, Nhật nảy sinh ý định vào trộm cắp tài sản, bán lấy tiền tiêu xài. Nhật lén lút vào nhà, phát hiện bên trong phòng khách có một bức tượng Phật Di Lặc vác cành đào bằng gỗ tùng bút nguyên khối, nặng 7kg, có giá trị 9 triệu đồng. Nhật đến ôm bức tượng rồi tẩu thoát ra ngoài.
Sau khi chiếm đoạt được tài sản, bị cáo đem tang vật đến gặp một người tên Rin (26 tuổi). Nhật nói dối tượng Phật là của mình, vì đang cần tiền nên phải nhờ Rin bán giúp. Rin nghe vậy tưởng thật nên đồng ý, gọi điện cho một người tên Đức để bán. Nhật ôm pho tượng đến địa điểm gặp mặt, hai bên thương lượng giá cả, thống nhất 800 nghìn đồng. Số tiền đó Nhật tiêu xài hết.
Về phần bị hại, sau khi phát hiện tượng Phật trong nhà không cánh mà bay, liền hớt hơ hớt hải chạy đến công an trình báo. Vụ việc chỉ trong một thời gian ngắn đã được làm sáng tỏ. Bức tượng được trả về cho khổ chủ.
Anh Rin đã giới thiệu bán giúp tài sản cho bị cáo. Anh Đức là người mua tài sản. Tuy nhiên cơ quan tố tụng cho rằng cả hai không biết bức tượng là Nhật ăn cắp mà có, nên không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính.
Lời biện hộ lấp liếm
Bị cáo khai, sau khi nghỉ học, ở nhà một thời gian, ba mẹ cũng hối thúc đi học nghề, sau này ít ra còn có cái nghề lận lưng kiếm cơm. Nhưng Nhật tính tình lông bông, nên học cắt tóc được một thời gian, còn chưa kịp biết việc đã nghỉ. Sau đó, bị cáo lại ấp ủ giấc mơ học lái xe, làm tài xế vi vu trên những cung đường, nhưng dự định chỉ mới ấp ủ.
Vị hội thẩm hỏi bị cáo: “Lúc bị cáo thực hiện hành vi là vào ban ngày, trên phố vẫn có người qua lại, bị cáo không sợ sao?”. Bị cáo khai, sáng đó đi bộ lên tận Hương Long uống cà phê với bạn, rồi đánh bài. Quán cà phê này, bị cáo đã “ngồi đồng” ở đây hơn ba tháng. Đó cũng là thời gian Nhật lún vào bài bạc. Đánh bài “tiến lên”, mỗi ván chỉ từ 10 -20 nghìn, cũng khiến “cháy túi”.
Sáng đó, bị cáo đánh bài thua hết tiền nên trong lòng không vui. Nghĩ về nhà cũng không xin được tiền bố mẹ, nên trên đường đi đã “tính” cách. “Không ngờ ông trời lại tạo cơ hội cho bị cáo. Ngôi nhà đó nằm ngay mặt tiền đường, nhà không có ai, cửa nẻo lại mở toang hoang như có ý mời chào, nên bị cáo mới “vô tình” phạm tội”.
“Bị cáo đã có 1 hành vi về trộm cắp. Được tòa xử mức án nhẹ nhất. Ở phiên tòa hôm đó, hội đồng xét xử có giáo dục bị cáo không?”. Bị cáo “dạ có” khẽ khàng và “phiên tòa hôm ấy, bị cáo đã hứa sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm này thêm lần nào nữa”, giọng nói tự nhiên nhỏ đi, gương mặt ửng đỏ. “Đã hứa không tái phạm, sao giờ lại ra đứng đây?”. Bị cáo ngắc ngứ, phân trần: “Tại hôm đó không có tiền nên mới làm liều”.
Vị hội thẩm lắc đầu bảo, HĐXX ngày trước cho mức án nhẹ, là để bị cáo có cơ hội rèn luyện, tu sửa bản thân để trở thành người tốt, phấn đấu có công ăn việc làm, nuôi sống bản thân, giúp đỡ cha mẹ. Vậy mà bị cáo vẫn ngựa quen đường cũ, lại đi trộm cắp. “Bị cáo đi ăn trộm, không phải vì mẹ già, con thơ không có cái ăn, mà vì thiếu tiền cờ bạc. Đã đánh bạc, phải có tiền. Bị cáo không có tiền giắt lưng, sao còn mon men đến chiếu bạc. Những người đã sa vào cờ bạc, khó bỏ lắm”. Bị cáo lặng im, không trả lời.
Phiên tòa diễn ra khá lâu mới anh trai bị cáo đến. Bị cáo liếc nhìn, mặt có chút thất vọng. Anh trai bị cáo cho rằng vì không biết bị cáo hôm nay ra tòa, nên ba mẹ vẫn ra chợ bán hàng. Khi nhận được điện thoại, cha mẹ không thể thu xếp công việc đang dang dở để đến.
Tòa nhắc nhở bị cáo: “Tuổi của bị cáo, không có nghề nghiệp thì đi làm thuê làm mướn. Đi phụ thợ hồ, một ngày vẫn kiếm được 200 nghìn đồng. Một tháng làm 20 ngày ít ra cũng kiếm được 4 triệu. Mình có sức lực, sợ gì không kiếm được tiền. Sống ở đời, ai cũng phải lao động. Người khuyết tật còn phải ngồi trên xe lăn đẩy đi bán hàng. Ông già bà lão cũng phải vất vả khắp nẻo phố bán từng tờ vé số. Cớ sao bị cáo đầy đủ chân tay, sức khỏe dồi dào, lại ngồi ở nhà chơi không, đợi ai sơ hở là ăn trộm?”. Đầu bị cáo cúi gằm xuống vành móng ngựa.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án từ 9 đến 12 tháng tù. Tuy nhiên, tòa tuyên phạt Nhật mức án 7 tháng.