Công trình thủy điện An Khê- Ka Nak bắt đầu thu hồi đất của dân và tiến hành xây dựng từ năm 2005. Đến thời điểm này thủy điện đã hòa lưới điện quốc gia hơn một năm, nhưng đời sống, sản xuất của hơn 50 hộ dân, với gần 600 nhân khẩu, toàn bộ là người dân tộc Bana ở làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang ngày một khó khăn vì việc đền bù, bố trí lại đất sản xuất, chưa được giải quyết rốt ráo…
Trẻ em bỏ học thường tụ tập đi bắt cua, bắt cá. |
Làng tái định cư Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cách làng cũ chưa đầy 3 km. Thế nhưng đã 7 năm qua, kể từ khi chuyển đến định cư ở làng mới, người dân vẫn thiếu đủ thứ, từ đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt đến gạo ăn hàng ngày.
Trước đây, khi chưa bị thu hồi đất để xây dựng thủy điện An Khê- Ka Nak, làng Groi có nhiều đất sản xuất, người dân cũng chăm chỉ làm lụng, nên nhiều gia đình có của ăn của để, mua sắm được máy cày phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ti vi, xe máy phục vụ cho cuộc sống.
Thế nhưng kể từ năm 2005, Ban quản lý thủy điện 7 thu hồi hầu hết diện tích đất ở và đất sản xuât, khiến cuộc sống thường nhật của các hộ gia đình nơi đây hết sức khó khăn. Ông Đinh Văn Kép, ở làng Groi, thị trấn Kbang, cho biết: “Làng Groi đây trước là cũng có đất làm. Mà bây giờ khó khăn về đường đi, vì thủy điện gây ra khó khăn, bây giờ là đất làm không có. Mình biết làm chỗ nào?. Giờ cũng nhờ cấp chức năng cấp đất cho mình chỗ nào phải gọn gọn chút. Bây giờ mình già rồi, mình cũng không đi nổi. Đi xa mệt lắm”
Đất sản xuất không có, nhiều trẻ em phải nghỉ học để cùng cha mẹ ra sông Ba mò cua, bắt ốc bán lấy tiền đong gạo, mua muối. Thế nhưng sông Ba cũng bị chặn dòng phục vụ thủy điện, giờ cũng cạn kiệt. Những khi có nước thì bị ô nhiễm bởi dầu máy và dòng nước đục ngàu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, đến con cá, con tôm cũng không thể sống nổi.
Ông Đinh Vích, ở làng Groi, thị trấn Kbang, bức xúc: “Ở đây trước là cá lớn có, cá nhỏ có, tôm có hết hết. Nước ở đây là nó sạch, ở sông Ba đây này. Bây giờ là làm thủy điện nước đây là nó hôi. Ở đây cá tôm, cái này kia là không có, cả ốc cũng không có. Tắm giặt giờ cũng hôi hết cả áo cá quần. Hai nữa là Ban quản lý thủy điện nói với làng Groi là hỗ trợ gạo ăn 5 năm. Cuối cùng đâu có nuôi đâu. Tới bây giờ cũng không có, làng mình là tự nợ, tự mua bán”.
Để tìm hiểu thêm thực tế cuộc sống của người dân ở làng Groi, thị trấn Kbang, huyện Kbang, chúng tôi đã cùng ở với người dân trong làng hai ngày đêm. Theo quan sát của phóng viên thì trên mâm cơm của các hộ gia đình chỉ có nồi cơm, đĩa rau xào từ ngọn và lá sắn non, bát nước mắm và vài miếng măng rừng luộc chấm với muối.
Người dân cũng cho biết, để có cơm ăn như thế này đã là may mắn lắm rồi, vì phải đi vay lãi mới có tiền đong gạo. Buồn hơn là trên mâm cơm của các hộ gia đình ở đây chỉ có phụ nữ, người già và trẻ em. Còn đàn ông trong làng đã đi nơi khác làm thuê, hoặc thuê đất rẫy tại xã Đăc Sơ Ma, huyện Kbang, cách hơn 40km đường rừng so với làng để làm.
Chị Đinh Pel, làng Groi, thị trấn Kbang, ngậm ngùi cho biết: “Đất làm không có. Bây giờ thì khổ, đường đi cũng khó đi, mà đất thì đất đá không, làm không đủ ăn. Đất bằng nước lụt hết, bây giờ Nhà nước chưa cho, bây giờ không biết làm đâu. Nếu mà nó cấp đất, mình có đất thì mình mừng. Không có thì sau này không biết làm ăn ở đâu”
Chúng tôi cần phải nói rõ rằng, khi tổ chức thu hồi đất của dân, Ban quản lý thủy điện 7 thuộc Tập Đoàn điện lực Việt Nam có thông báo đến từng hộ dân là sẽ cấp bù đất chỗ khác để bà con sản xuất, ổn định đời sống. Thế nhưng đến nay lời hứa đất đổi đất vẫn chưa được thực hiện. Rõ ràng là người dân vẫn ngày ngày ngày chịu khổ vì đất cha ông để lại, nay bị thu hồi cho việc xây dựng thủy điện.
Mặc dù UBND huyên Kbang đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với ban quản lý thủy điện 7 nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để bồi thường đất sản xuất cho nhân dân, nhưng đến nay Ban Ban quản lý thủy điện 7 vẫn chậm trễ và thiếu tinh thần trách nhiệm.
Ông Võ Văn Phán, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết: “Nói chung là trách nhiệm của địa phương phải giải quyết đất sản xuất, nhưng mà vấn đề phức tạp là phải giải quyết có thời gian. Mà cố gắng tích cực chúng tôi sẽ giải quyết đất sản xuất của dân. Còn thực ra nói thờ ơ thì người ta cũng chưa đến mức gọi là thờ ơ. Nhưng mà giải quyết chậm, trách nhiệm của người ta chưa cao trong vấn đề giải quyết đất sản xuất cho dân”.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phán cho biết thêm: Số tiền hỗ trợ 15 triệu đào tạo nghề và hỗ trợ lương thực đến thời điểm này chưa có một người dân nào được nhận, và số tiền bồi thường đất thu hồi vì xây dựng lòng hồ thủy điện, đất ngập và bán ngập trong khu vực lòng hồ người dân cũng chưa nhận được bất kỳ một đồng nào.
Với cách làm như vậy, Ban quản lý thủy điện 7 thuộc Tập Đoàn điện lực Việt Nam đã đẩy người dân địa phương vào cảnh khó khăn.
Để làm rõ về vấn đề này, chúng tôi đã liên tục liên lạc với Ban quản lý dự án Thủy điện 7, nhưng đơn vị này luôn thoái thác với lý do bận việc. Còn việc đền bù cho người dân thì vẫn để đó, chờ xem xét. Và khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Ban quản lý thủy điện 7, Tập Đoàn Điện lực Việt Nam bao biện rằng: “Về thời gian tôi nói với anh là cái này nó cũng lệ thuộc vào 2 bên, chứ cũng không phải là một bên. Về mặt chủ quan mà nói thì bên tôi là người thực thực hiện. Nhưng mà về mặt chế độ, chính sách, về mặt liên quan đến quản lý đất đai, liên quan đến người dân thì một phần cũng phụ thuộc vào bên huyện”
Sự thờ ơ và đùn đẩy trách nhiệm của Ban quản lý thủy điện 7 đang ngày một đẩy người dân vào hoàn cảnh bức bách. Và với cách trả lời "nước đôi" như thế này, chắc chắn người dân làng Groi, thị trấn Kbang phải "dài cổ" chờ sự đền bù của Ban 7, Tập đoàn điện lực Việt Nam. Và chính Ban quản lý thủy điện 7 đã đánh tráo lời hứa của mình trước khi đến đây lấy đất của người dân.
Hàng trăm ý kiến người dân phản ánh lên chính quyền các cấp, quá bức xúc vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của Ban quản lý thủy điện 7; UBND huyện Kbang đã nhiều lần tổ chức cuộc họp giữa chính quyền, Ban quản lý thủy điện 7 và người dân địa phương. Nhưng đã 7 năm qua, Ban quản lý thủy điện 7 không mảy may quan tâm đến cuộc sống của gần 600 nhân khẩu. |
Ngọc Anh