Đa số đại biểu (ĐB) cho rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TN,TG) ra đời là cần thiết vì Pháp lệnh về TN,TG hiện hành còn nhiều bất cập; hoạt động TN,TG cần có cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để điều chỉnh cho phù hợp với Hiến pháp 2013, tương thích với các điều ước quốc tế, đồng thời để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để quyền tự do TN,TG với các giá trị dân chủ văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy.
Cho rằng Dự thảo Luật TN,TG trình Quốc hội lần này chưa đạt yêu cầu, ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) nhận xét phần tín ngưỡng được đề cập còn quá mờ nhạt; quy định không xứng với vai trò của nó.
Đồng quan điểm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cũng chỉ ra thực tế, khái niệm TN,TG được sử dụng nhiều lần, xuyên suốt trong Dự thảo Luật nhưng lại chưa có giải thích rõ ràng, do vậy các quy định về TN,TG còn thiếu cơ sở.
“Chưa có cách giải thích tín ngưỡng là gì, tôn giáo là gì, như vậy không xác định được hoạt động tín ngưỡng là gì, hoạt động tôn giáo là gì… Ban soạn thảo cần nghiên cứu lấy ý kiến của các cấp, các ngành có liên quan, các chuyên gia các tổ chức tôn giáo để bổ sung giải thích vào các từ TN,TG là gì để làm cơ sở chặt chẽ, mấu chốt cho việc xây dựng luật này.”- Hòa thượng Thích Thanh Quyết đề nghị.
Tại buổi thảo luận, đa số ý kiến của các ĐB đều chung nhận định tín ngưỡng đã đi vào lòng dân tộc, có tác dụng rất lớn trong đời sống xã hội, đó là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Do vậy, hiện nay nhiều học giả có uy tín đang muốn nâng thờ cúng tổ tiên lên thành tôn giáo và rất nhiều người đánh giá thờ cúng tổ tiên là yếu tố đẩy lùi xâm lăng của tôn giáo, văn hóa ngoại lai.
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề xuất Dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể hơn vấn đề tín ngưỡng nhằm bảo đảm nhu cầu tâm linh của người dân, bảo đảm thuần phong mỹ tục của dân tộc và bài trừ được vấn nạn mê tín dị đoan.
Còn một số đại biểu cho rằng, do thiếu sự nghiên cứu, chuẩn bị về tín ngưỡng nên Dự án Luật lần này chỉ nên để phạm vi điều chỉnh tôn giáo, còn về tín ngưỡng, cần có nghiên cứu cụ thể để ban hành một luật riêng. “Tôi rất mong muốn có Luật Tín ngưỡng riêng một cách đầy đủ, trong đó chú trọng đặc biệt cho tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên.”- ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) nói.