Trước hết là giải quyết nạn tắc đường, kẹt xe, chính quyền thành phố kêu gọi người dân cả nước hiến kế. Giải pháp nào đắc dụng, phù hợp với hiện trạng, giải quyết được tình trạng, khả thi và hữu ích sẽ được trao phần thưởng đến trên 6 tỷ đồng. Không ai làm ngơ trước lời kêu gọi này cả, rất nhiều người sôi sục hiến kế ở đủ các góc nhìn và từ những lĩnh vực khác nhau. Hy vọng rằng thành phố sẽ chọn được giải pháp tối ưu.
Một vấn đề khác, tồn tại nhiều năm nay, có nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng có tiếng nói đồng tình, đó là hệ thống loa phường nên để hay bỏ. Từng có những chuyên gia xã hội học đưa ra ý kiến công khai “10 lý do nên bỏ loa phường” và mới đây khi lãnh đạo đặt vấn đề thì có ý kiến phản hồi trên báo chí là nên giữ loa phường, nét đặc trưng thân thương của người Thủ đô, đặc biệt với người già khó tiếp cận những phương tiện truyền thông hiện đại. Tuy nhiên, phần đông cho rằng, loa phường đã hết vai trò lịch sử, phải tìm cái thay thế.
Hà Nội đã đưa vấn đề này ra lấy ý kiến nhân dân, trên cơ sở xem xét toàn diện của ngành Văn hóa, từ việc mua sắm hệ thống thiết bị đến các khoản chi cho hệ thống này hoạt động, từ lợi ích của loa phường đem lại đến tác động không mong muốn của nó đến môi trường, cuộc sống. Hẳn là cuộc “trưng cầu dân ý” Thủ đô sẽ có một kết quả mà phần đông hài lòng.
Tiếp tục, việc trang trí đường phố trong những ngày Tết cũng được mang ra để nhân dân đóng góp. Quá đúng, vì không ai khác, người dân Thủ đô là “đối tượng thụ hưởng” đầu tiên, trực tiếp của việc trang hoàng thành phố. Trước nay, đã không ít ý kiến chê bai việc này, ví dụ như sự lòe loẹt, sặc sỡ, những khẩu hiệu sáo rỗng, những lá cờ phướn rách tả tơi hoặc những băng rôn nhân một sự kiện nào đấy đã bạc màu thời gian mà chưa được gỡ xuống, hoa giả và đèn màu làm rối mắt người tham gia giao thông, thậm chí che khuất tầm nhìn. Đáng tệ hơn, là có sự xâm thực của nền văn hóa lai căng như phố đèn lồng chẳng hạn.
Thủ đô văn minh, lịch sự đã biết lắng nghe ý kiến người dân. Cách đây chưa lâu, có vị cán bộ đã thẳng thừng: “Chặt cây không phải xin ý kiến dân”, hoặc, khi được góp ý thì phản pháo: “Anh chỉ là dân thôi!”, vì thế không cần nghe.
Giờ thì mọi sự đã khác, chính quyền đã lấy ý kiến nhân dân từ việc to đến việc nhỏ nhưng đều thiết thực với người dân. Đó là biểu hiện của chính quyền “do dân, của dân và vì dân”. Tuy mới chỉ là bước đầu và chưa phải những việc quốc gia đại sự nhưng đó là tín hiệu đáng mừng từ nhận thức và hành động của những người lãnh đạo thành phố để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước!