Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGPL) được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần đưa các chính sách, pháp luật sớm đi vào cuộc sống, qua đó giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải luôn có sự đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nội dung phù hợp với mọi vùng miền, nghề nghiệp, yêu cầu tình hình thực tiễn trong bối cảnh mới.
Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác PBGDPL tại Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đối với nhiệm vụ PBGDPL tiếp tục được phát huy có hiệu quả. Nội dung PBGDPL phù hợp, sát thực với từng nhóm đối tượng và nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đa dạng các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL
Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, trong nhiều năm qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với đối tượng, nhu cầu, lứa tuổi, đặc trưng vùng miền, nghề nghiệp và tình hình thực tiễn địa phương.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn có sự đổi mới, đa dạng |
Nội dung pháp luật được tập trung tuyên truyền, phổ biến đã bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, gắn với người dân, doanh nghiệp, đặc thù vùng miền: chủ đề công tác năm; công tác giải phóng mặt bằng, chính sách pháp luật về đất đai; xây dựng nông thôn mới...
Công tác PBGDPL được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn như: Phổ biến pháp luật trực tiếp thông qua các hội nghị, lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, có thảo luận, trao đổi, đối thoại để giải đáp vướng mắc, nhu cầu của người nghe. Đặc biệt, những năm gần đây, tỉnh đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc tổ chức PBGDPL bằng hình thức hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, kinh phí, tính lan tỏa rộng và tạo điều kiện để cán bộ các cấp được tiếp thu kiến thức pháp luật từ các báo cáo viên có chất lượng tại các cơ quan Trung ương.
Hoạt động PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng đã trở thành một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân ở mọi lứa tuổi tham gia, tạo ra phong trào tìm hiểu pháp luật trong nhân dân. Hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Cổng thông tin điện tử; hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn; biên soạn, phát hành tài liệu, ấn phẩm; tuyên truyền trực quan sinh động bằng pa-nô, áp-phích, tranh cổ động, khẩu hiệu, băng rôn, triển lãm ảnh với chủ đề pháp luật được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, đặc biệt vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá lớn...
Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 2.542 cuộc thi với trên 1,6 triệu lượt người tham dự; đã có 70.579 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; 205.236 lần phát sóng trên các đài truyền thanh cấp xã; trên 8,2 triệu bản tài liệu PBGDPL được phát miễn phí.
Công tác PBGDPL còn được thực hiện thông qua hoạt động xét xử lưu động của tòa án. Hàng năm, ngành Tòa án đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức xét xử lưu động các vụ án điển hình tại những địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi người phạm tội cư trú nhằm răn đe đối tượng phạm tội và phòng ngừa chung trong xã hội.
Ngoài ra, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh và mang lại nhiều kết quả. Người dân không chỉ được tiếp cận, tìm hiểu pháp luật mà còn được tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc thực hiện pháp luật. Với số lượng 1.570 tổ hòa giải với 8.945 hòa giải viên và tỷ lệ hòa giải thành từ 75-80%, cùng với việc tổ chức hàng trăm đợt trợ giúp pháp lý lưu động mỗi năm, các công tác này đã và đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong việc chuyển tải pháp luật đến với quần chúng nhân dân.
Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đã chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật, nâng cao hiểu biết, hình thành ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng PBGDPL cho những người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở
Nâng cao chất lượng PBGDPL cho những người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở. Ảnh TL |
Bên cạnh công tác PBGDPL của đội ngũ cán bộ chuyên trách, việc phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trên địa bàn trong chiến lượng xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn.
Thông qua phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở được trang bị những tri thức cơ bản về pháp luật, như: giá trị của pháp luật, vai trò điều chỉnh của pháp luật, các chuẩn mực pháp luật trong từng lĩnh vực đời sống. Đây là tiền đề cơ bản để xây dựng tình cảm, ý thức pháp luật. Tri thức pháp luật góp phần định hướng cho lòng tin đúng đắn vào các giá trị của pháp luật, hình thành hành vi hợp pháp ở mỗi cá nhân. Tri thức pháp luật giúp con người điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở các chuẩn mực pháp lý, tri thức pháp luật đã nhận thức được. Các hành vi phù hợp với pháp luật chỉ được hình thành trên cơ sở nhận thức đúng, có niềm tin và có tình cảm, ý thức đúng đắn đối với pháp luật. Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp, những người có kiến thức pháp luật nhưng không có lòng tin vào pháp luật, sẵn sàng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Có lòng tin vào tính công bằng của pháp luật, con người sẽ có hành vi phù hợp với các đòi hỏi của pháp luật một cách độc lập, tự nguyện.
Lực lượng tuyên truyền, PBGDPL không chuyên trách có vai trò hết sức quan trọng, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cầu nối gắn bó “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Là người trực tiếp, hằng ngày tiếp xúc, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, cùng sinh hoạt với nhân dân, nên những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản luôn nắm bắt kịp thời và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, là người trực tiếp đem chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tuyên truyền, giải thích để đồng bào các dân tộc hiểu, chấp hành, triển khai thực hiện.
Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tổ hòa giải ở cơ sở với 148 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 359 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.140 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đặc biệt là có gần 9.000 hòa giải viên ở cơ sở, mà trong đó 100% đều là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản.
Cấp tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều đề án công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó nổi bật là các đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đến năm 2021"; "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp"; "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật đến năm 2021”; "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đến năm 2021”; “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2016-2020”…
Những kết quả đáng ghi nhận đó đã góp phần tích cực vào việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật; triển khai, thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn miền núi, biên giới hải đảo nói riêng, tạo môi trường ổn định làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh giai đoạn 2005 - 2020 đạt trên 10%, là mức cao so với bình quân chung cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị được giữ vững, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo được tăng cường và đảm bảo góp phận tạo nên một Quảng Ninh an toàn và thân thiện.