Nếu như những ngày đầu hoạt động của Thừa phát lại ở Hà Nội còn nhiều mới mẻ, xa lạ thì cho đến hết năm 2016, với 8 văn phòng thừa phát lại Hà Nội đã lập 2.308 vi bằng, doanh thu trên 7 tỷ đồng. Con số doanh thu nói trên so với năm 2015 tăng gần gấp đôi. Việc lập vi bằng giúp người dân, cơ quan, tổ chức tự bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự và quan hệ pháp lý; là căn cứ để thực hiện các giao dịch khác theo quy định của pháp luật hoặc tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án được khách quan, kịp thời và chính xác. Ngoài ra, việc lập vi bằng cũng hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức để ghi nhận lại những sự kiện một cách công khai, minh bạch đối với những quan hệ giữa cơ quan, chính quyền và người dân.
Cho đến nay, sau thời gian triển khai, mặc dù nhận thức của người dân cũng như cán bộ trong cơ quan nhà nước có liên quan về Thừa phát lại đã được nâng lên, hoạt động lập vi bằng cũng thuận lợi hơn, tuy nhiên, công bằng mà nói, sự hiểu biết của người dân về vi bằng còn hạn chế, chưa có thói quen tạo lập chứng cứ, lưu trữ các văn bản, tài liệu trong các giao dịch của mình, khi xảy ra tranh chấp, thiệt hại thì các bên mới tìm cách để bảo vệ quyền lợi của mình. Mặt khác, quy định của pháp luật cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, tuy nhiên việc quy định không cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng do đó Thừa phát lại gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vi bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng dịch vụ lập vi bằng.
Theo ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình, hoạt động lập vi bằng vẫn còn lúng túng nhất định. Các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn chưa cụ thể về phạm vi, hình thức lập vi bằng nên các Thừa phát lại, các Văn phòng còn chủ yếu làm theo ý hiểu của mình, chưa có sự thống nhất. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể.
Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông Bùi Trọng Hào cho rằng, bên cạnh các cơ quan nhà nước hiểu đúng và đầy đủ về hoạt động của Thừa phát lại thì vẫn còn những cơ quan, Ủy ban nhân dân các cấp chưa thực sự hỗ trợ cho Thừa phát lại lập vi bằng. Bên cạnh đó, còn nhiều hướng dẫn, giải thích cụ thể về phạm vi thẩm quyền lập vi bằng và hướng dẫn cụ thể về các trường hợp từ chối đăng ký vi bằng dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong nhiều trường hợp cụ thể.
Việc hiểu chưa thống nhất về phạm vi thẩm quyền lập vi bằng là khó khăn tiềm ẩn rủi ro cho loại hoạt động đang là nhu cầu lớn của người dân và đem lại nguồn thu chính cho các Văn phòng Thừa phát lại.
Thêm nữa, ngày càng có nhiều yêu cầu lập vi bằng là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định vi bằng phải lập bằng tiếng Việt chưa quy định người phiên dịch được phép hỗ trợ quá trình lập vi bằng sẽ là trở ngại lớn trong hoạt động của Thừa phát lại.
Ông Hào kiến nghị việc lập vi bằng theo hướng chỉ quy định về mặt nguyên tắc lập vi bằng, không giới hạn phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng so với quy định tại Nghị định 61/CP, Nghị định 135/CP, đề cao trách nhiệm cá nhân của Thừa phát lại, là người được Nhà nước trao quyền để lập vi bằng – là văn bản có giá trị chứng cứ.
Hiện nay, việc lập vi bằng chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực, một số việc nhất định, mặt khác số người dân hiểu về giá trị pháp lý của vi bằng chưa nhiều, nên nhu cầu lập vi bằng của người dân chưa cao, do đó nhiều Thừa phát lại đề nghị tiếp tục tăng cường tuyên truyền về hoạt động của Thừa phát lại, trong đó có lập vi bằng để tạo thói quen sử dụng dịch vụ này cho người dân.