Mới đây, nữ doanh nhân Th.L.N.D. đã làm các thủ tục pháp lý tố cáo chủ facebook Th.Gi (nick name là Cà) chuyên kinh doanh thực phẩm sạch liên tục đăng các bài viết trên trang cá nhân với lời lẽ xúc phạm bôi nhọ danh dự nhân phẩm doanh nhân Th.L.N.D.
Trên thực tế, câu chuyện xúc phạm danh dự, chửi bới, bôi nhọ nhau trên mạng xã hội không còn hy hữu mà khá phổ biến. Tuy nhiên, các thủ phạm của hành vi này hầu như rất ít khi bị xử lý. Có trường hợp nạn nhân quá bức xúc, đã quyết định nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, nhưng đi nửa đường lại từ bỏ.
Theo một chuyên gia pháp lý, có nhiều lý do của tình trạng này. Thứ nhất, hầu như những kẻ có hành vi vu khống, xúc phạm, gièm pha hầu hết đều là “kẻ trọc đầu” so với những nạn nhân “có tóc”, là các doanh nghiệp, người nổi tiếng… Nhiều nạn nhân lo lắng việc đeo đuổi tố cáo, kiện tụng sẽ gây ra phiền hà, tốn thời gian, công sức, ảnh hưởng thêm danh tiếng mà có khi kết quả chẳng được như ý.
Thứ nữa, nhiều người thường quan niệm, thế giới mạng là thế giới ảo, lời đã buông ra, chỉ vài cái nhấp chuột là xóa sạch cả bài viết, thậm chí bỏ tài khoản, không lưu lại gì, nên cũng khó để làm tới cùng. Điểm mặt những vụ vu khống, xúc phạm đình đám trên mạng xã hội, có lẽ chỉ vài ba vụ được xử lý đến cùng, một con số rất nhỏ nhoi. Vụ việc đình đám nhất trên mạng xã hội liên quan đến hành vi xúc phạm, vu khống có lẽ là sự việc “thánh cô” với hàng trăm bài viết bôi nhọ một loạt doanh nhân, ngôi sao trong làng giải trí. Có lẽ, vì hậu quả quá nặng nề và liên quan đến quá nhiều người, nên vụ việc mới được đưa ra ánh sáng, và thủ phạm bị xử lý đích đáng.
Càng ngày, mạng xã hội càng lộ rõ tính hai mặt của nó, khi mà điều tốt đẹp nhanh chóng lan tỏa, còn cái xấu tung ra thì tác hại cũng khủng khiếp. Trên thực tế, có rất nhiều vụ tung tin, xuyên tạc, vu khống gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, đời sống gia đình, nhân phẩm, thu nhập… của nạn nhân, nhưng thủ phạm vẫn nhởn nhơ.
Trường hợp của doanh nhân Th.L.N.D. nói trên là một câu chuyện rất đáng mừng về thái độ đối với những sai trái, phạm pháp của người tham gia mạng xã hội. Giờ đây, có những cơ quan tư vấn pháp luật hoạt động hiệu quả, có tổ chức thừa phát lại để lập vi bằng cho các hành vi sai trái, khiến lời nói xúc phạm không còn là “gió bay” trên mạng xã hội nữa, và cũng có đủ chế tài, quy định nhằm xử lý người phạm pháp. Cư dân mạng nên trang bị cho mình các công cụ ấy, để không phải trở thành những nạn nhân đầy thụ động của mạng xã hội và người dùng mạng “xấu xí”.