[links()]Theo quy định hiện hành, rác thải tại cơ sở y tế, bệnh viện phải được thu gom, phân loại, xử lý theo đúng quy trình để chống phát tán nguồn bệnh. Thế nhưng, việc quản lý các loại rác thải y tế trên địa bàn TP. Hải Phòng đang lộ rõ nhiều bất cập, một lượng không ít rác thải y tế vẫn đến thẳng các cơ sở tái chế, gây tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Công nhân thu gom rác thải y tế bằng tay trần. |
Vô tư thu mua chất thải y tế
Theo phản ánh của người dân phường Tràng Minh, quận Kiến An, một số hộ thu mua phế liệu trên địa bàn vẫn tổ chức thu mua các vỏ xi lanh, dây truyền dịch, vỏ lọ thuốc… để tái chế, trong khi, đây là những chất thải theo quy định của ngành y tế phải được tiêu hủy tại các cơ sở xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Văn Thương, một chủ cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn cho biết, “không phân biệt nhựa có dính phế phẩm hay dính máu, cứ là nhựa là chúng tôi mua hết”. Ông Thương “phán”, số lượng ít thì 8 – 9 nghìn đồng/1kg. Nếu có nhiều với số lượng vài tấn thì giá được hơn 10.000 đồng/kg. Ông Thương căn dặn, cẩn thận khi vận chuyển, nếu công an phát hiện thì “rách việc”, chứ đã về đến nơi thì không lo nữa".
Ông Hoàng Long, chủ cơ sở thu mua phế liệu C- H (xin được không nêu tên), một trong số những cơ sở thu mua phế thải y tế lớn trên địa bàn hào hứng, rác thải nhựa trong y tế thường là các loại nhựa có chất lượng cao, ít bị hao tốn khi xay thành hạt nhựa nên không phải ai cũng mua được loại nhựa này.
Ông Hoàng Long “bật mí”, phải có mối quan hệ “ruột” với các bệnh viện thì mới có nguồn hàng ổn định. Ông Long tỏ ra cay cú, nhà bà H. S., khu Kiến Thiết có hẳn hợp đồng thu mua phế thải định kỳ với các bệnh viện nên không bao giờ bị lực lượng chức năng “hỏi thăm” khi tái chế các chai, lọ nhựa từ bệnh viện.
Cơ sở y tế lách luật
Theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Việt Nam, một số lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn TP đã ký hợp đồng thu mua rác thải tái chế với các chủ cơ sở tái chế phế thải. Theo đó, cơ sở thu mua phế liệu sẽ có trách nhiệm phân loại, xử lý rác thải y tế đối với chất thải nguy hại như vỏ bơm kim tiêm, dây dịch chuyền… với các cơ sở “đốt rác” để xử lý dứt điểm nguồn phát thải nguy hại.
Tuy nhiên, thực tế, các cơ sở này đã không thực hiện các quy định này mà tận dụng luôn nguồn phế thải nhựa y tế để bán vào các cơ sở tái chế.
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng phân trần, một số rác thải y tế như chai nhựa đựng dung dịch không có chất hóa học nguy hại, dung dịch cao phân tử, các vật liệu nhựa không dính các thành phần nguy hại… thì vẫn được phép tái chế. Một số bệnh viện, cơ sở y tế đã vận dụng quy định này để ký hợp đồng bán phế liệu chưa được phân loại cho các cơ sở tái chế trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng phân vân, thời gian vừa qua, trên địa bàn chưa phát hiện các ổ dịch lớn, nhưng hiện tượng người dân khu vực phường Tràng Minh bị mắc nhiều loại bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da cũng có thể xuất phát từ nguồn phế thải chưa được xử lý triệt để.
Lãnh đạo Sở y tế Hải Phòng tỏ thái độ cương quyết, mầm bệnh nguy hại có khả năng sống sót, tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, việc khử khuẩn thông thường không đảm bảo rác thải đã tuyệt khuẩn. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở Y tế Hải Phòng sẽ yêu cầu các bệnh viện phải chấn chính hoạt động thu gom phế thải. Phế thải từ các cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên địa bàn chỉ được giao cho một đợn vị duy nhất là Cty Môi trường Đô thị Hải Phòng thu gom, phân loại, xử lý.
Hồng Nguyên