UBND huyện Yên Định từng nói "không" với dự án Nhà máy gạch T5. Nhưng sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn cấp phép đầu tư?. Hiện chủ đầu tư và Trại giam số 5 (Bộ Công an) đang “dính” nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án.
Sau khi Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII) có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin đầu tư Dự án Nhà máy gạch T5 tại Trại giam số 5 (Tổng cục VIII) tại Thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 5294 giao Sở KH&ĐT Thanh Hóa chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND huyện Yên Định xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết đề nghị của Tổng cục VIII.
Xung quanh vấn đề này, trong một văn bản trả lời Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa, Sở Xây dựng tỉnh này từng lưu ý: “Khu vực dự kiến đầu tư dự án là đất của an ninh - quốc phòng, không thuộc đối tượng nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng của tỉnh Thanh Hóa đến 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt…”.
Sau khi xem xét kỹ nội dung của dự án, Sở Xây dựng quan ngại: “Công suất dự kiến của nhà máy là 42.000.000 triệu viên/năm, trong khi nguồn nguyên liệu chưa được thăm dò đánh giá trữ lượng và chất lượng…”. Tóm lại, dưới góc độ chuyên môn, văn bản của Sở này cho rằng, dự án trên có những điểm chưa thực sự thuyết phục, cần phải làm rõ vấn đề nguồn nguyên liệu.
Chúng tôi đã hỏi Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định - ông Nguyễn Văn Xô về quan điểm của địa phương - nơi dự án đặt nhà máy, ông Xô nói: “Huyện không nhất trí chủ trương triển khai dự án tại địa phương”. Trả lời câu hỏi vì sao UBND huyện lại nói không với dự án trong khi địa phương rất cần các doanh nghiệp đến đầu tư để phát triên kinh tế, Phó Chủ tịch Xô ấp úng: “Cái đó… chúng tôi đã có văn bản cụ thể gửi về tỉnh rồi… Đồng ý hay không là quyền của tỉnh, chúng tôi chỉ là cấp dưới nên không thể quyết”.
Trao đổi với PLVN về chi tiết này, bà Ngô Thị Hoa - Chủ tịch UBND huyện Yên Định - cũng cho biết, trả lời Sở KH&ĐT trước khi dự án này được tỉnh cấp phép đầu tư, huyện đã thể hiện rõ quan điểm là không nhất trí với dự án, vì trên địa bàn huyện đã có nhà máy gạch, về mặt quy hoạch như vậy là không ổn.
Vì sao vẫn cấp phép?
Sau khi Tổng cục VIII có Công văn 386 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy gạch T5, ngày 18/8/2011, Bộ Công an đã có Văn bản số 2471 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trại giam thuộc bộ được liên kết với các đơn vị kinh tế đầu tư cơ sở sản xuất cho phạm nhân lao động, cải tạo… Chưa đầy tháng sau (16/9/2011), ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - đã ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án.
Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Dân - đại diện chủ đầu tư Cty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Xây dựng A-D (đối tác của Trại giam số 5) - tự tin nói: “Triển khai Nhà máy gạch T5, chúng tôi sẽ giải quyết cho địa phương khá nhiều lời ích về kinh tế, xã hội - như dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho phạm nhân sau khi mãn hạn tù, tăng thu ngân sách địa phương…”.
Phải chăng vì những lý do này mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã hết mình ủng hộ dự án? Cụ thể, Giấy phép đầu tư Nhà máy gạch T5 ngày 21/12/2011 mới chính thức có, nhưng trước đó 5 tháng (tháng 8/2011), Cty A-D đã khởi công dự án trên đất Trại giam số 5. Đáng nói, đây là khu đất an ninh - quốc phòng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. Nhưng Trại giam số 5, Tổng cục VIII và cả UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn “lặng thinh” để chủ đầu tư động thổ?. Kết quả, quá trình thi công nhà máy đã về đích trước cả thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa ký, cấp phép đầu tư.
Lý giải nguyên nhân của việc “đốt cháy” giai đoạn đầu tư trong quá trình thực hiện dự án này, ông Phạm Ngọc Dân nói với PLVN: “Cái đấy là chủ trương của Bộ Công an”(?). Vì sao Bộ này có chủ trương như chủ đầu tư từng khẳng định, và vì sao UBND tỉnh này lại dễ dàng chấp nhận một quy trình ngược trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy gạch T5? - là vấn đề cần được làm sáng tỏ để trả lời công luận.
PLVN sẽ theo dõi và thông tin tiếp diễn biến của vụ này.
Sau khi Dự án Nhà máy gạch T5 triển khai, nhiều đơn thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an và Báo PLVN. Đơn cho rằng, Trại giam số 5 đã vi phạm Luật Đất đai, để một doanh nghiệp tư nhân vào kinh doanh thu lợi trước mắt làm phát sinh những hậu quả khó lường, như: mất nguồn đất dự trữ, tiềm ẩn nguy cơ phạm nhân trốn trại… |
Tuấn Anh