Lỗi của xã, người dân phải chịu?
Năm 2002, bà Thúy và một người bạn chung tiền mua gần 4.672m2 đất (thửa số 27 và 38 tại đội 2, thôn Thắng Đầu, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai). Hai năm sau, họ bán đi 3.960m2, còn lại 712m2, thống nhất là của bà Thúy. Năm 2007 bà Thúy bán tiếp 598m2.
Bà Thúy cho biết quên bẵng đi sự việc, chỉ còn nhớ mang máng mình còn một phần diện tích trong khu đất này, chứ không nhớ chính xác là bao nhiêu. Năm 2017, nghĩa là 15 năm sau khi mua khu đất, biết bà còn đất tại khu này nên một “cò” đất đưa vợ chồng bà Nguyễn Thị Toan (ngụ thôn Long Phú, xã Hòa Thạch) đến hỏi và báo giá 300 triệu; “cò” nhận làm toàn bộ hồ sơ thủ tục chuyển nhượng, bà Thúy không tham gia khâu nào.
Cán bộ địa chính xã là Phùng Khắc Bảo sau đó bị cáo buộc không làm hết trách nhiệm được giao, không kiểm tra sổ sách đất đai do xã quản lý, xác nhận và thực hiện lời chứng để trình chủ tịch UBND xã ký xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất 598m2 bà Thúy bán cho bà Toan.
Sau khi hoàn thành hồ sơ, ngày 6/12/2017, “cò” đến gặp bên mua, đưa toàn bộ hồ sơ chuyển nhượng và nhận 300 triệu đồng, chuyển cho bên bán là bà Thúy 130 triệu đồng.
Sau đó bà Toan đến dọn vườn thì xảy ra tranh chấp với hàng xóm. Ngày 8/4/2019 bà Toan có đơn. Tháng 9/2019, Công an huyện Quốc Oai ra Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó, bà Thúy bị khởi tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Bảo bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên sơ thẩm ngày 7/7/2020, TAND huyện Quốc Oai tuyên phạt bà Thúy 3 năm tù; cán bộ địa chính xã Phùng Khắc Bảo 1 năm tù cho hưởng án treo. Từ khi bị khởi tố, bà Thúy đã một mực kêu oan, rồi kháng cáo.
Sau hai lần hoãn, ngày 6/4/2021, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Nhiều người liên quan được tòa triệu tập đều vắng mặt. Tại tòa, bà Thúy tiếp tục kêu oan, khẳng định không tham gia mua bán trực tiếp, không trực tiếp làm thủ tục chuyển nhượng. Thực tế ở thời điểm bán đất cho bà Toan, bà Thúy vẫn còn đất, chỉ có điều không nhớ rõ chính xác diện tích bao nhiêu; bà không nhận tiền cọc, đề nghị bên mua ra xã xác minh diện tích. Bà chỉ nhận tiền sau khi thủ tục mua bán hoàn thành, không hề gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản như tòa sơ thẩm đã tuyên. Bà Thúy khẳng định chỉ ký tên vào giấy tờ mua bán sau khi thấy chính quyền địa phương, cán bộ địa chính xã xác nhận diện tích đất của bà còn lại là 598m2.
LS bào chữa cho bà Thúy cung cấp cho HĐXX một số chứng cứ mới như kết quả đo vẽ độc lập chứng minh bà Thúy còn đất; có sự “vênh” diện tích khá lớn trong hợp đồng chuyển nhượng và trên hai sổ đỏ đã được cấp cho hai người đã mua khu đất trước đó… Theo LS, điều này cho thấy quá trình thẩm định hồ sơ, đo vẽ đất và cấp sổ đỏ ở địa phương “có vấn đề”.
Sau khi tiếp nhận các chứng cứ từ luật sư, bị cáo và qua thẩm vấn, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa do có chứng cứ mới, cần thêm thời gian để triệu tập những người liên quan.
Đơn kháng cáo của bà Thúy. |
Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Từ lúc bị khởi tố, bà Thúy không ngừng kêu oan, khẳng định hoàn toàn không dùng thủ đoạn gian dối như đưa ra thông tin sai về đất đai nhằm trục lợi.
Theo bà Thúy, diện tích thực tế toàn bộ khu đất khoảng gần 4.900m2 chứ không phải 4.672m2 như bản án sơ thẩm nêu. Khi mua đất, bà được chủ cũ đo thủ công và đồng ý cho bà phần đất thừa ra ở các góc cạnh, rộng hàng trăm m2.
Giả thiết lấy con số thấp nhất thì chỉ cần làm phép trừ đơn giản: 4.672 - 3.960 - 598 = 114m2, là phần đất bà Thúy còn lại sau khi trừ đi các diện tích đã bán, chưa kể phần đất dư ra được chủ cũ cho. “Tôi không rao bán mà “cò” tự đến hỏi và tôi đã nói rõ là thời gian lâu, đất lại không cắm mốc giới nên không biết cụ thể diện tích còn lại bao nhiêu, bảo “cò” ra UBND xã kiểm tra cho chính xác”, bà Thúy kể.
Theo lời bà Thúy, thời điểm “cò” dẫn khách tới gặp, bà cũng nhắc lại việc cần ra xã để xác định chính xác diện tích còn lại, hai bên chưa bàn về vấn đề giá cả. “Sau đó “cò” nói với tôi khách không mua nữa. Khoảng hơn tháng sau “cò” lại nói có khách mua nhưng không cần gặp chủ đất. Tôi lúc đó vừa mổ ruột thừa, bận trông cháu nhỏ nên không thể đi lại nhiều. Toàn bộ thủ tục mua bán đều do “cò” thực hiện, nói là bán được 130 triệu. Đến khi “cò” đưa hồ sơ chuyển nhượng để tôi ký thì mới biết người mua tên Toan, chứ hai bên chưa từng gặp nhau. Tôi cũng không yêu cầu đặt cọc mà để hoàn thành thủ tục mới lấy tiền”.
Đến khi nhận được thông báo của xã thông báo có tranh chấp đất, bà Thúy mới biết tin “cò” bán lô đất giá 300 triệu, người mua chính là vợ của vị khách tới gặp bà lúc đầu. Linh tính có gì đó mờ ám, bà Thúy yêu cầu gặp mặt “cò”, vợ chồng bà Toan đối chất làm rõ. Lúc này mới lộ ra câu chuyện “cò” nhận của chồng bà Toan 300 triệu sau đó cho lại người này và một số người khác…
Khi xã mời các bên lên hòa giải, bà Thúy cũng sẵn sàng trả lại 130 triệu là số tiền mình nhận. “Tôi nhận thấy mình chỉ có lỗi không trực tiếp sâu sát việc mua bán không lừa ai; nhưng bà Toan thì đòi tôi phải trả 300 triệu; trong khi đó “cò” không hợp tác, thậm chí trốn tránh…”, bà Thúy nói.
Nêu quan điểm về vụ án, một LS thuộc Đoàn LS Hà Nội nhận định đây hoàn toàn là một giao dịch dân sự do nhầm lẫn dẫn đến sai diện tích: “Việc cơ quan tố tụng khởi tố vụ án với giao dịch dân sự đang giải quyết này có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ dân sự, làm sai lệch bản chất sự việc”.
Tại thời điểm bị khởi tố, bà Thúy là Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Phổ thông Phú Bình (Quốc Oai). Tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1983, bà Thúy nhiều năm công tác tại Trường THPT Minh Khai (Quốc Oai). Đến năm 2006 bà đứng ra sáng lập Trường tư thục THPT Minh Khai Quốc Oai đặt tại xã Hòa Thạch. Đến 2008 đổi tên thành Trường Phổ thông Phú Bình, là nơi dạy trẻ em không đủ điểm vào các trường công lập, miễn giảm học phí với học sinh mồ côi, học sinh nghèo. Đến năm 2020 trường xin tạm dừng hoạt động và giao cho người khác quản lý, vì bà Thúy vướng lao lý.