Các tác phẩm được giới yêu tranh đón nhận
13 bức minh họa “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” và 7 bức minh họa đại diện trong “Sách Tết Tân Sửu 2021” đã được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật tại Đông A Gallery. Sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa văn và họa đã đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc, người xem.
Nhiều nhà sưu tầm và bạn yêu tranh khi đến thưởng lãm đã ngỏ ý mong muốn sở hữu những bức minh họa này. Vì thế, Đông A quyết định phối hợp với Nhà đấu giá nghệ thuật Artopia tổ chức đấu giá online toàn bộ 20 bức minh họa này. Tổng giá trị hai phiên đấu giá đạt gần 639 triệu đồng.
Đáng chú ý, bức “Mèo vờn nhau” của danh họa Nguyễn Sáng được mua với giá kỷ lục tại phiên bán đấu giá tại Việt Nam với mức 101.000 USD. Bức tranh có giá khởi điểm 41.000 USD, qua nhiều lượt đấu quyết liệt của các nhà sưu tầm, cuối cùng đã thuộc về một người mua từ xa qua điện thoại với giá 101.000 USD (tương đương 2,243 tỷ đồng). Sau giá gõ búa, người mua phải cộng thêm 10% giá trị, tức phải trả 111.000 USD để được sở hữu tác phẩm.
Trước khi bức “Mèo vờn nhau” tạo kỷ lục, một số tác phẩm giá cao được bán đấu giá tại Việt Nam như: “Tình yêu đầu tiên” (Trần Văn Cẩn) bán tại Nhà đấu giá Chọn có giá 41.000 USD, bức “Mẫu đơn đỏ” (Lê Phổ) bán tại nhà đấu giá Lý Thị giá 40.000 USD, bức “Hạ Long” (M.Thu) bán tại đấu giá Chọn với giá 35.000 USD.
Bức tranh “Người thầy của tôi” vẽ chân dung huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo một lần nữa đã được gõ búa với mức giá 12.000 USD (tương đương 279 triệu đồng. Bức Mẫu đơn đỏ (sơn dầu) của Lê Phổ bán được 40.000 USD (giá khởi điểm 30.000 USD). Bức Chân dung thiếu nữ (chì trên giấy) của Trần Đông Lương được bán 23.000 USD (giá khởi điểm 22.000 USD). Bức Thiếu nữ (lụa) của Lê Văn Xương bán 22.500 USD (giá khởi điểm 22.000 USD)…
Có thể thấy, các tác phẩm tranh trên đều được giới yêu tranh đón nhận và trả được giá so với giá khởi điểm khiến các họa sĩ hân hoan. Hệ thống các nhà đấu giá mỹ thuật là một mắt xích quan trọng trong chuỗi yếu tố làm nên thị trường mỹ thuật.
Đây là nơi trung gian giữa người mua và người bán một tác phẩm mỹ thuật và quan trọng hơn cả là một kênh xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thông qua việc cạnh tranh về giá mua, sức mua, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và thị trường nghệ thuật.
Lo ngại “chạy làng”, “cài cắm” tranh giả
Tuy nhiên, tại một phiên đấu giá, người mua tranh đã “chạy làng” sau khi sử dụng “chùa” 6 tháng. Người thắng cuộc đấu giá bức tranh “Cẩm chướng” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan trong phiên đấu giá của nhà Ly thi vào tháng 12/2016 đã mang tranh về nhà treo, nhưng 5 tháng sau không trả tiền. Cuối cùng, tác giả phải nhận lại tranh về mà không được một lời xin lỗi từ nhà đấu giá lẫn người đấu giá thành công.
Bức “Mèo vờn nhau” của danh họa Nguyễn Sáng được mua với giá kỷ lục. |
Ngoài “chạy làng”, giới yêu tranh còn nghi ngại việc tranh giả có thể bị “tuồn” vào đấu giá. Dư luận từng xôn xao bởi một bức tranh của Bùi Xuân Phái trong phiên đấu giá bị nghi vấn “tranh giả”. Giới chuyên môn chỉ ra rằng đã có tới 5 lần đấu giá quốc tế liên quan đến bức tranh này và tồn tại ít nhất hai phiên bản tranh giống hệt, chỉ khác nhau về vị trí chữ ký trên tranh.
Lạ lùng là bức tranh lại được đấu giá thành công với mức giá khá cao: 12.500 USD. Sau ồn ào trên, ở các phiên đấu giá sau này của nhà đấu giá tranh này liên tục vắng khách. Tranh của các danh họa thời mỹ thuật Đông Dương trong nhóm tứ trụ cũng gặp cảnh đìu hiu khi hầu hết đều không có người trả giá.
Hay như sự việc tranh chấp bản quyền bức tranh lụa “Con gái nhà văn Dương Thu Hương” không phải là tác phẩm của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương tại một phiên đấu giá cho thấy ngành mỹ thuật đang thiếu những phương tiện cơ bản nhất để thẩm định khoa học cho mọi tác phẩm.
Việc nghi ngại tranh giả trà trộn đã làm một số nhà đấu giá mất uy tín khiến việc đấu giá có phần trầm lắng hơn. Tình trạng thật giả lẫn lộn, không chuyên nghiệp ngang nhiên tồn tại không theo một hệ giá trị nào của các nhà đấu giá hiện nay làm công chúng nghi ngại. Chưa kể ở phiên đấu giá, tác phẩm của một vài họa sĩ không tên tuổi với tác phẩm hạng xoàng lại được “thổi” giá hàng vài tỉ đồng, hàng chục ngàn USD.
Họa sĩ Đào Anh Khánh cho rằng hiện trạng tranh giả ở Việt Nam là một bức tranh đen tối. “Nó là nguyên nhân khiến giá trị mỹ thuật đương đại Việt Nam trở nên tồi tệ, khiến cho giới mỹ thuật quốc tế lo ngại cho thị trường mỹ thuật chúng ta. Bức tranh đen tối này tồn tại quá lâu nhưng chưa bao giờ có ai lên tiếng mạnh mẽ về việc này” - họa sĩ Đào Anh Khánh nhấn mạnh.