Tại Diễn đàn Thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay, 25/11, ở Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo về ảnh hưởng của rác thải nhựa từ bao bì thực phẩm và đồ uống đối với môi trường khi dân số Việt Nam sắp đạt đến 100 triệu dân.
Các chuyên gia đã cảnh báo về ảnh hưởng của chất thải nhựa từ bao bì thực phẩm và đồ uống đối với môi trường |
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn, ước tính Việt Nam tạo ra 6% lượng nhựa trên đại dương và bị xếp hạng 4 trên toàn cầu về lượng mảnh vỡ nhựa trên biển. Việt Nam đã tạo ra 2,25 triệu tấn chất thải nhựa trong năm 2017.
Dự báo sau năm 2020, dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu dân. Dựa trên các yếu tố về phát triển xã hội hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.
Cùng với một thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống rộng lớn là những thách thức về việc xử lý rác thải từ bao bì thực phẩm và đồ uống, chủ yếu là rác thải nhựa.
Hiện mỗi năm mới thu hồi được ½ trong tổng số hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Chất thải rắn, bao gồm cả các bao bì từ nhựa, mới được xử lý bằng hình thức chôn lấp, vẫn rò rỉ các chất gây ô nhiễm ra môi trường.
Xử lý chất thải nhựa, trong đó có bao bì thực phẩm và đồ uống, với hình thức tái chế, là bài toán làm “đau đầu” các nhà quản lý. Như thông tin do ông Phạm Hoàng Hải, Chuyên gia độc lập cung cấp, mới có 7-9% chất thải nhựa được đưa vào tái chế vì qui trình rất phức tạp.
Bao bì thực phẩm và đồ uống được sản xuất từ nhựa ((Ảnh: sản phẩm phục vụ tại Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019) |
Ông Hải cũng đánh giá, chôn lấp rác thải nhựa hiện là biện pháp hiệu quả hơn hơn đốt vì giảm lượng lớn khí CO ra môi trường. Nếu biến rác thải thành năng lượng cần nhiệt lượng từ 400-700 độ C. Với nhiệt lượng đó sẽ thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường.
Vì thế, “muốn tái chế rác thải nhựa cần xây dựng được thị trường sử dụng rác thải nhựa tái chế, sản xuất được vật liệu có thể tái chế và tổ chức thu gom rác thải nhựa có thể tái chế” – ông Hải nhấn mạnh.
Sử dụng nguyên liệu tái chế từ bao bì và giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa là giải pháp để sản xuất và phát triển bền vững. Do vậy, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh lưu ý, “đã đến lúc DN không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần, mà cần tập trung để tham gia nên kinh tế tuần hoàn với hoạt động tái chế rác thải từ bao bì”.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Singapore, ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO VN) cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để hạn chế rác thải nhựa sau tiêu dùng.
Từ năm 2007, Chính phủ Singapore và các ngành sản xuất đã thỏa thuận về hoạt động đóng gói (bao bì) nhằm tăng cường giảm thiểu rác từ bao bì, sản xuất bền vững bằng các chính sách, tiêu chuẩn về bao bì, tổ chức các giải thưởng trao cho các DN, tạo logo dán vào sản phẩm,…
Với mục tiêu giảm 10.000 tấn rác thải nhựa từ bao bì/năm, thu hút nhiều DN tham gia chiến dịch, đến nay, sau 12 năm thực hiện đã đạt được 50% mục tiêu với việc giảm thiểu được 40.000 tấn rác thải nhựa từ bao bì, hơn 230 DN tham gia và góp phần tiết kiệm được 130 triệu USD.