“Thành phố lặng im” là vở diễn mới nhất của Đoàn kịch 1 (Nhà hát Tuổi trẻ) dự kiến công diễn ra mắt phục vụ khán giả yêu sân khấu Thủ đô từ tháng 6/2017. Vở diễn một lần nữa đánh dấu sự hợp tác ăn ý giữa cặp đôi: tác giả, Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn và đạo diễn, NSƯT Chí Trung từng khuấy đảo sân khấu hài Thủ đô nhiều năm qua với chùm hài kịch “Internet về làng”.
Ẩn sâu trong tiếng cười là nỗi buồn của nhiều thế hệ đã và đang sống trên thành phố thân yêu của họ. |
Câu chuyện của “Thành phố lặng im” được tác giả Đỗ Minh Tuấn ghi lại sau nhiều năm trải nghiệm những hỉ nộ ái ố, những hình ảnh đẹp đẽ và cả những điều xấu xí của con người nói chung, của Hà Nội nói riêng, với ba tiểu phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại.
Câu chuyện được đồng cảm, lắng đọng, và sân khấu hóa qua lăng kính hóm hỉnh, sâu sắc của đạo diễn - NSƯT Chí Trung, đó là những tình huống ta có thể dễ dàng bắt gặp hằng ngày: từ đời sống mưu sinh của đa tầng dân chúng đến những bon chen thường nhật, vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại giống nòi và môi trường sống. Ẩn sâu trong tiếng cười là nỗi buồn của nhiều thế hệ đã và đang sống trên thành phố thân yêu của họ.
“Thành phố Lặng im” cũng là câu chuyện bi hài về những khát vọng, mơ ước bị bóp nghẹt bởi cơm áo, gạo tiền, về những điều tưởng như tầm thường bỗng phút chốc trở thành quan trọng, điều trớ trêu ấy lại xảy ra trong gia đình của một ông tiến sĩ, để lại nhiều suy ngẫm về những giá trị đang dần mai một trong xã hội đương thời. (Tiểu phẩm “Tiến sĩ”)
Vở diễn cuốn hút người xem bằng những tình huống dí dỏm, bất ngờ |
Đi sâu vào khai thác những nghịch cảnh tương phản của đời sống, tiểu phẩm “Ra mắt bố vợ” là câu chuyện hài hước về màn ra mắt bố vợ tương lai đầy bất ngờ, éo le của một nhà thơ cá tính, lãng mạn, đam mê cái đẹp. Tình yêu của anh chàng nhà thơ (do NSƯT Chí Trung thủ vai) phản ánh khát vọng yêu thương chính đáng của đôi lứa, nhưng đôi lúc đã vượt qua những quan niệm, chuẩn mực thông thường, khiến câu chuyện kịch trở nên hài hước, đầy ắp tiếng cười trào phúng.
Bằng thủ pháp dàn dựng nhẹ nhàng, ngôn ngữ đối thoại giản dị, gần gũi, vở diễn cuốn hút người xem bằng những tình huống dí dỏm, bất ngờ, âm nhạc kết hợp với hình ảnh tái hiện không gian Hà Nội xưa, mang đến những hồi ức chân thực về một thời nhọc nhằn còn in sâu trong kí ức xa xăm của nhiều thế hệ khán giả, "Thành phố lặng im" không chỉ là những câu chuyện xoay quanh đời sống của một thành phố mà ở đó, người dân luôn im lặng, vô cảm trước những vấn nạn của đời sống, ekip dàn dựng chương trình còn muốn kể câu chuyện về sự hỗn mang của thời kỳ hội nhập thông qua sự cát cứ, tư duy cục bộ, lạm dụng quyền lực của một vài phường - xã…
Toàn bộ sự "hội nhập hổ lốn" này được cắt nghĩa qua những ca khúc được nhạc sỹ Tuấn Nghĩa sáng tác riêng cho vở diễn, nói về những giá trị xưa, đau đáu về những điều tốt đẹp của một thời chúng ta từng có…