Du lịch phát triển đã đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mở rộng quan hệ giao lưu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành và góp phần nâng cao mức sống cho người dân địa phương ở những khu, điểm du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.000 di tích lịch sử – văn hoá, trong đó hàng trăm di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống đã và đang dần được khôi phục, phát triển nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch.
Ngoài nguồn tài nguyên quý báu trên, Vĩnh Phúc còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, bao gồm những làn điệu dân ca đặc sắc như hát Xoan; hát Trống Quân, hát Sọong Cô… Đây được xem là lợi thế so sánh để Vĩnh Phúc có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch hội thảo hội nghị (MICE).
Có thể khẳng định, nhờ sự quan tâm, đầu tư đúng đắn, có trọng tâm, trọng điểm, ngành du lịch của Vĩnh Phúc đã có bước tiến đáng kể, với số du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng năm sau cao hơn năm trước. Cách đây 5 năm (2011), số các điểm du lịch trên địa bàn đón gần 1,8 triệu lượt khách, trong đó có 27.100 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 740 tỷ đồng; đến hết năm 2016, dự kiến đón trên 3,8 triệu lượt khách, tăng bình quân hàng năm 15%, trong đó có 37.323 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch ước đạt 1.287 tỷ đồng.
Nếu như năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 128 cơ sở đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú, với 2.346 buồng, đến 2016 trên địa bàn tỉnh đã có 304 cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, với 4.643 buồng, trong đó có 1 khách sạn đạt 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 28 khách sạn 2 sao và 15 khách sạn 1 sao đảm bảo đón trên 3 triệu lượt khách lưu trú trong một năm.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng nhiều khu du lịch như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải ngày càng tốt hơn, hệ thống giao thông đến các điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ, cơ bản hoàn thành và có sự kết nối, tạo ra các tuyến, tour du lịch hấp dẫn.
Không chỉ lượng du khách trong và ngoài nước đến các điểm du lịch ngày càng tăng mà bắt đầu đã có nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đầu tư vào du lịch có hiệu quả, có thể kể đến FLC Vĩnh Thịnh, Flamingo Đại Lải, Sông Hồng Thủ Đô, sắp tới Vingroup…
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển theo 3 hướng chính đó là: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, có cơ sở vật chất kỹ thuật tương xứng với các vùng trọng điểm du lịch của cả nước.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Dương Quang Ứng cho rằng tỉnh cần có sự quan tâm và có những chính sách đặc biệt đối với du lịch, chú trọng phát triển hạ tầng liên quan đến du lịch và phải đầu tư bài bản, bởi bản thân du lịch là ngành kinh tế không có đầu tư thì không thể phát triển được. Bên cạnh có những cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Vĩnh Phúc cần thay đổi sản phẩm du lịch theo hướng chú trọng vào chất lượng hơn số lượng.
Đối với các doanh nghiệp làm du lịch và các địa phương có điểm du lịch cần xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, thích ứng với nhiều đối tượng; triển khai tổ chức kết nối các tour du lịch cộng đồng để khi đặt chân đến mỗi vùng đất, du khách không chỉ được tìm hiểu cách thức sản xuất của người dân mà còn được giao lưu hát Soọng cô, hát Văn, hát Xẩm, được hòa mình vào những trò chơi dân gian với người dân bản địa mà không chỉ đơn thuần là thưởng thức cảnh đẹp của các di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ làm du lịch, nhất là các hướng dẫn viên, người dân sinh sống tại các khu du lịch cộng đồng…
Tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; huy động mọi nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, ưu tiên các nguồn vốn xã hội hóa vào du lịch. Xây dựng các khu du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, để du lịch thực sự là mũi nhọn kinh tế của tỉnh và phấn đấu đưa du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn mang tầm cỡ quốc gia.
Với những giải pháp cụ thể cho từng bước đi mà điểm nhấn là công tác tuyên truyền, quảng bá được duy trì thường xuyên, có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hoạt động đa dạng khác đã góp phần nâng cao được hình ảnh Vĩnh Phúc nói chung và du lịch Vĩnh Phúc nói riêng tới bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, tạo thế và lực cho du lịch tỉnh phát triển vững chắc trong giai đoạn mới, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai không xa du lịch Vĩnh Phúc sẽ phát triển trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn mang tầm cỡ quốc gia.