Nguồn tài nguyên quý
Việt Nam có lợi thế về chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa. Nước ta có khoảng 200 bảo tàng cả công lập và tư nhân, trong đó còn lưu giữ rất nhiều di sản về tư liệu, hiện vật. Các bảo tàng chính là một nguồn tài nguyên quý báu để khai thác, phát triển du lịch bền vững. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ VH,TT&DL từng nhận định bảo tàng được xem là con đường ngắn nhất để du khách tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc.
Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã khai thác triệt để tiềm năng của du lịch bảo tàng, đưa bảo tàng trở thành “điểm vàng” để du khách đến tham quan. Tại Đông Nam Á, Singapore là một đất nước có điểm yếu về tài nguyên thiên nhiên, bù lại quốc đảo này có những bảo tàng nổi tiếng với khách du lịch nước ngoài, như: Bảo tàng lịch sử tự nhiên Lee Kong Chian, Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Văn minh châu Á,.. Các bảo tàng được đầu tư cả nội dung và hình thức giúp cho Singapore thu về hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Ngoài sức hấp dẫn công chúng đến tham quan, du lịch của các bảo tàng còn đem về nguồn thu rất lớn cho các quốc gia. Như tại Pháp, có hơn 1.000 bảo tàng, chiếm khoảng 17% GDP. Còn ở Mỹ, số liệu năm 2019 cho thấy các bảo tàng tại đây đã thu về khoảng 13 tỷ USD.
Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, bảo tàng đang được đầu tư cả về khoa học, công nghệ, nghệ thuật và có chỗ đứng trong lòng người dân, khách du lịch. Một số bảo tàng được nhiều du khách biết đến, như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Có thể thấy bảo tàng Việt Nam đang trên con đường “đánh thức” tiềm năng của mình.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, bảo tàng Việt Nam đang còn rất nhiều hạn chế về nhân lực, công tác truyền thông, cơ sở hạ tầng, nghèo nàn về ý tưởng để thu hút du khách và trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của từng tỉnh, thành phố.
Tăng cường liên kết để phát triển du lịch bảo tàng
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhận định, hiện nay, mối liên kết giữa du lịch và bảo tàng đang còn tồn tại những “khoảng trống”. Việt Nam có rất nhiều bảo tàng thú vị, độc đáo với các di sản mang tầm vóc quốc tế, đậm đà bản sắc dân tộc, đáng lẽ những bảo tàng này phải được đông đảo du khách biết đến từ lâu.
Bà Thắm cho biết: “Bảo tàng là một trong các tiêu chí mà du lịch cần phải đưa vào. Ở nhiều nước trên thế giới, các tour du lịch đều được Chính phủ yêu cầu đưa du khách đặt chân đến một vài bảo tàng, di tích lịch sử nổi tiếng. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có quy định đó”.
Theo bà Thắm, đây cũng là một trong những lý do bảo tàng Việt Nam chưa được du khách quốc tế biết đến nhiều. Mặc dù các bảo tàng Việt Nam hiện nay đã và đang nỗ lực áp dụng công nghệ hiện đại như 2D, 3D, ảnh 360 độ, thay đổi cách trưng bày, tổ chức nhiều hoạt động, nhưng một mình bảo tàng nỗ lực thì vẫn chưa đủ. Muốn bảo tàng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, cần phải có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, công ty du lịch - lữ hành phối hợp với bảo tàng nhằm thu hút du khách đến tham quan và quay trở lại nhiều lần.
Ngoài việc tạo mối liên kết giữa du lịch và bảo tàng, để “kéo” du khách đến gần với bảo tàng, các hoạt động giáo dục hướng tới đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh cần được tích cực tổ chức. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An - chia sẻ, Cù Lao Chàm hướng đến phát triển du lịch một cách bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nghìn năm tại nơi đây. Đặc biệt, các hoạt động giáo dục là một tiềm năng du lịch đang được Cù Lao Chàm khai thác.
Ông Vũ cho biết: “Sứ mệnh của bảo tàng là thu thập, bảo quản, giải thích và trưng bày các hiện vật có ý nghĩa nghệ thuật, văn hóa, khoa học cho việc nghiên cứu và giáo dục. Các bảo tàng ở Cù Lao Chàm rất chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên ở địa bàn và rộng hơn nữa là các du khách, các đoàn của những trường trung học, đại học tới du lịch, học tập. Những chương trình giáo dục bảo vệ thiên nhiên, di sản sẽ được lồng ghép tinh tế vào trong mỗi chuyến đi”.