Khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển tăng gấp 7 lần
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ. Các điểm đến biển đảo hấp dẫn của Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, nhiều bãi tắm, vịnh, đảo được các tạp chí, nền tảng du lịch hàng đầu thế giới vinh danh. Có thể kể đến như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), bãi biển An Bàng (Quảng Nam); biển Nha Trang (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà, Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng)...
Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và các nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Ðây chính là nguồn tài nguyên phong phú để phát triển du lịch biển đảo bền vững. Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, số liệu thống kê cho thấy, trong cấu trúc ngành du lịch Việt Nam, du lịch biển chiếm 60 - 70% hoạt động du lịch cũng như thu nhập du lịch.
Việt Nam có vị trí đắc địa với bờ biển dài, nhiều cảng, thuận lợi để phát triển du lịch đường biển và thu hút tàu quốc tế ghé thăm. Đây là một loại hình du lịch mang lại cho du khách không chỉ là cảm giác hưởng thụ mà còn cả những cảm giác khác biệt khi trên du thuyền. Tại du thuyền 5 sao là không gian yên bình, dịch vụ chuyên nghiệp và những hoạt động giải trí đa dạng, du thuyền sẽ giúp du khách tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Dù là những cung đường mua sắm lộng lẫy, công viên với cây xanh hay hương vị của những món ăn đậm chất văn hóa từng khu vực..., du khách đều có thể thấy trên du thuyền. Ngoài ra, một hải trình còn có thể đưa du khách đến nhiều quốc gia, nhiều vùng đất mới, giúp du khách tiết kiệm được thời gian di chuyển giữa các điểm tham quan và không lo check in/check out quá nhiều lần trong một chuyến đi.
Khách du lịch đi bằng tàu biển, du thuyền tới Việt Nam gần đây tăng mạnh. Báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết trong 2 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã đón 90,7 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với khách tàu biển quốc tế.
Các tỷ phú tới Việt Nam bằng siêu du thuyền
Tại Phú Quốc, tàu du thuyền AIDA Stella (quốc tịch Ý) chở khoảng 2.000 khách du lịch quốc tế (khách thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%, còn lại khách Trung Quốc, Hong Kong) đã cặp cảng Dương Đông (phường Dương Đông) để tham quan hòn đảo xinh đẹp này. Khách quốc tế đến các điểm vui chơi nổi tiếng ở TP Phú Quốc như Safari Phú Quốc, khu Grand World Phú Quốc, cáp treo Hòn Thơm, Cầu Hôn (ở phường An Thới) và ăn uống, mua sắm những món quà đặc sản trên đảo.
Với tiềm năng và lợi thế, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/12/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Đại diện lữ hành Saigontourist năm 2023 - 2024, họ liên tục đón nhiều tàu biển, du thuyền quốc tế đến Việt Nam. Các tàu biển này chở theo hàng nghìn du khách, khám phá nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Ví như, các chuyến tàu biển quốc tế Celebrity Solstice mang theo gần 8.000 hành khách quốc tịch Mỹ, Canada, Anh… theo hành trình xuyên Việt, cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu), Nha Trang, Huế và Hạ Long. “Chúng tôi triển khai đa dạng các hành trình tour hấp dẫn, phong phú tại điểm đến, giúp du khách trải nghiệm lịch sử, văn hoá, con người và ẩm thực đặc sắc tại ba miền đất nước”, đại diện Lữ hành Saigontourist cho hay.
Siêu du thuyền Le Jacques Cartier của hãng tàu Pháp khởi hành từ Sihanoukville (Campuchia), chở 150 du khách hạng siêu sang từ các nước Pháp, Mỹ, Anh… đã cập bến Phú Quốc (Việt Nam). Hành trình 7 ngày 6 đêm khám phá vẻ đẹp Việt Nam của đoàn khách quốc tế này ngoài “đảo ngọc” còn có Côn Đảo và TP HCM. Một tour du lịch trên du thuyền này có thể thay đổi từ 8 ngày đến 12 ngày, với giá dao động từ hơn 5.600 - hơn 24.000 euro (khoảng 152 - 650 triệu đồng) mỗi khách. Phú Quốc cũng đã đón tàu Costa Serena khởi hành từ Thái Lan cập cảng Dương Đông đưa đến khoảng 1.100 du khách Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… Và gần 2.000 khách Đức và Úc cũng tới Phú Quốc trên siêu tàu du lịch AIDA Bella. Cả hai con tàu này đều là tàu 5 sao mang quốc tịch Ý.
Khách quốc tế đi du lịch bằng du thuyền tham quan TP Phú Quốc. (Ảnh: Xuân Mi) |
Ngoài Phú Quốc, Hạ Long cũng là một điểm đến đáng chú ý. Năm 2024, có khoảng 60 siêu du thuyền với 80.000 du khách quốc tế cập cảng Hạ Long. Các địa phương có các đảo, bãi tắm đang đầu tư nhiều tàu du lịch, nhiều tour đặc sắc, nâng cấp cơ sở hạ tầng trên đảo, vệ sinh môi trường sạch đẹp đón khách siêu giàu. Tại Quảng Ninh, hiện có 506 tàu du lịch, trong đó có khoảng 200 tàu lưu trú trên vịnh với khoảng 2.000 phòng. Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đánh giá, việc phát triển các sản phẩm trải nghiệm du thuyền ở Hạ Long là bước ngoặt tạo ra các sản phẩm du lịch chuyên biệt, đẳng cấp tại Quảng Ninh.
Còn tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ngay từ đầu năm đã đón 15 chuyến tàu biển, trong đó có những siêu tàu biển quốc tế với sức chứa lên đến 4.000 khách. Không hề thua kém, các thành phố Đà Nẵng, Huế dự kiến đón 40 - 45 chuyến tàu biển trong năm 2024. Những con số ấy phần nào cho thấy tiềm năng to lớn của loại hình du lịch tàu biển của Việt Nam.
Đặc biệt, từ ngày 2 - 8/6/2025 tới, Lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu - Vịnh Hạ Long 2025”, được đánh giá là sự kiện có tầm cỡ quốc tế tại thành phố Hạ Long. Việc chọn vịnh Hạ Long là vừa nhằm tôn vinh các giá trị của nghệ thuật nhưng đồng thời cũng nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường. Theo Ban Tổ chức, dự kiến có khoảng 80.000 người tham gia sự kiện, gồm các nhà hoạch định chính sách, quản lý địa phương, các nghệ sĩ, nhà hoạt động vì môi trường, nhà đầu tư, sinh viên và rộng rãi thành phần trong cộng đồng. Sẽ có hơn 200 tỷ phú châu Âu - những người từng tham dự các sự kiện nghệ thuật vì khí hậu, các tỷ phú châu Á lần đầu đến Việt Nam. Điều đặc biệt là các tỷ phú dự kiến đến Vịnh Hạ Long bằng siêu du thuyền.
Chủ sở hữu du thuyền thường là những người trung lưu, thượng lưu. Họ muốn cùng du thuyền tận hưởng du ngoạn Việt Nam. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho du lịch. Đây là một cơ hội tốt để ngành du lịch Việt Nam phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước, ngành công nghiệp du thuyền, quảng bá điểm đến lý tưởng trên hành trình quốc tế.
Hiện nay, cùng với sự phát triển du lịch nội địa và quốc tế, ngành du thuyền tại Việt Nam bắt đầu phát triển tích cực, phản ánh sự đa dạng và sự chú ý ngày càng tăng từ phía du khách cũng như doanh nghiệp, đã xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, giải trí trên biển bằng du thuyền.
Khách du lịch tàu biển đến Việt Nam có mức chi tiêu cao, cho nên loại hình du lịch này cần được xác định là một trong những sản phẩm mang tính chiến lược. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, hầu hết các bến du thuyền tại Việt Nam đều có quy mô tự phát, bến thủy nội địa chưa đáp ứng các quy chuẩn quốc tế. Ở một số cảng, du khách phải đi bộ khá xa mới đến được khu vực lên xe đón đi tham quan, ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của khách du lịch. Do vậy, cần phải xây dựng quy chuẩn hạ tầng bến đậu cho du thuyền. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư, cải thiện hạ tầng các cảng du lịch; sửa đổi chính sách visa cởi mở hơn, cải thiện thủ tục xuất, nhập cảnh theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, đồng thời từng bước thiết lập hệ sinh thái du lịch bằng tàu biển với chuỗi sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường khách hạng sang, kéo dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến, tạo hành lang thông thoáng để phát triển loại hình du lịch tàu biển.