Những câu chuyện đi vào lòng người
Dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” gồm 3 hợp phần: phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Việt Nam; bồi dưỡng nâng cao năng lực các cán bộ bảo tàng Việt Nam; 3 dự án thí điểm được thực hiện tại 3 địa điểm khác nhau ở Việt Nam thu về nhiều kết quả tích cực. Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet trong buổi tổng kết dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” cho biết, một trong những cách người Pháp đã làm rất thành công với các bảo tàng chính là sử dụng những câu chuyện kể. Như Bảo tàng Confluences (Lyon, Pháp) đã sử dụng hình thức tự sự (kể chuyện) với những hộp kể chuyện được đặt tại nơi công cộng như công viên để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với di sản.
Tại Việt Nam, có rất nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy việc phát triển bảo tàng, đem công chúng đến gần với di sản của đất nước. Nhưng một trong những “điểm yếu” của các bảo tàng là chưa thực sự kể được những câu chuyện đi sâu vào lòng du khách đến tham quan. Ví dụ, những y phục của danh nhân, vua chúa, hay chiếu, biểu cáo,... được khách tham quan nhớ đến bởi vẻ đẹp khu trưng bày, niên đại tồn tại của hiện vật, nhưng chưa có những câu chuyện khắc ghi vào trong lòng người xem.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ cho biết, thực tế, hiện tại, Việt Nam có khoảng 200 bảo tàng với hàng nghìn các hiện vật trưng bày từ thời cổ đại cho đến hiện đại, lưu giữ ký ức không thể phai mờ của dân tộc. Tuy nhiên, dù có bề dày về văn hóa, lịch sử, nhưng các bảo tàng Việt Nam vẫn chưa thật sự thu hút được người dân và trở thành “địa chỉ vàng” của mỗi thành phố, tỉnh, địa phương.
Sau chuyến đi thực tế tại các bảo tàng của Pháp, bà nhận thấy mỗi hiện vật ở các bảo tàng đều có một câu chuyện riêng. Bà chia sẻ: “Các hiện vật đều được kể bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, giàu chất thơ đi vào lòng người. Cũng là câu chuyện về chiến tranh nhưng không mang nặng hình ảnh máu me, giết chóc. Vì vậy, tất cả mọi người, kể cả trẻ em cũng rất thích thú với những câu chuyện chân thực và xúc động tại bảo tàng”.
Thông tin từ dự án cho biết, tại Việt Nam, nhờ sự hỗ trợ của dự án “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam”, đã có hai chiếc hộp kể chuyện đang đặt tại Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ và Bảo tàng TP HCM nhận được nhiều sự quan tâm của du khách.
Tập trung vào 3 trụ cột, đẩy mạnh truyền thông
Để “đánh thức” sức sống của bảo tàng, việc quan trọng, cần chú ý đến ba trụ cột: khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Phần lớn các bảo tàng nghệ thuật của Pháp như Viện bảo tàng Louvre (Paris, Pháp), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Pháp (Paris, Pháp) đều có cách trưng bày rất khoa học, đẹp mắt, liên tục thay đổi chủ đề, ứng dụng công nghệ 2D, 3D..., thu hút người xem.
Tại Việt Nam, việc liên kết ba trụ cột này vẫn còn lỏng lẻo, chưa nối kết với nhau để tạo ra hướng phát triển bền vững, lâu dài, giữ chân khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Thắm cho biết, bên cạnh việc trưng bày hiện vật sao cho đẹp mắt, tinh tế, hài hòa, cần chú ý đến khoa học để bảo vệ, gìn giữ các hiện vật. Các bảo tàng ở Pháp có cách sử dụng, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ..., để bảo quản các hiện vật bằng vải, lụa rất tốt. Đây là một điều mà Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ cần để học hỏi kinh nghiệm. Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ hiện tại lưu giữ rất nhiều mẫu y phục, áo dài có lịch sử tới hàng chục, hàng trăm năm.
Ngoài ra, truyền thông cho các bảo tàng cũng là một vấn đề rất quan trọng. Tại Pháp hay nhiều quốc gia khác trên thế giới có điểm mạnh về di sản, văn hóa, bảo tàng, họ thường truyền thông rất mạnh từ việc sử dụng mạng xã hội mạng cho đến bán vé, giới thiệu, quảng bá triển lãm, hay tổ chức show diễn thời trang, quay phim, truyền thông miệng (qua du khách đến xem)...
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An - cho biết: “Cù Lao Chàm có thiên nhiên phong phú và bề dày lịch sử lên đến hàng nghìn năm. Chúng tôi đang tích cực truyền thông về khu bảo tồn thông qua khóa học trải nghiệm, giáo dục về bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, thông qua việc phát triển du lịch bền vững, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của du khách đến tham quan”.
Hiện tại, Việt Nam có đội ngũ người làm công nghệ, nghệ thuật và khoa học nhiệt huyết với di sản quốc gia. Tuy nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích, giúp đỡ các bảo tàng trong công cuộc phát triển và đem di sản đến gần hơn với công chúng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.