Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập năm 1923, là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam. Tọa lạc tại số 3, đường Lê Trực, thành phố Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có khuôn viên rộng 6.330 m2, tòa nhà chính giữa có diện tích 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm các kho tàng trữ cổ vật và sân vườn.
Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ, bảo quản hơn 11.000 hiện vật, phần lớn có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn như: Bộ sưu tập đồ sứ, sưu tập đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Du khách tham quan các hiện vật trình bày ở bảo tàng |
Các sưu tập của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn, thể hiện qua các trang phục cung đình, đồ sứ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ trang trí nội thất, các vật dụng dùng trong sinh hoạt và nghi lễ với nhiều loại chất liệu khác nhau: Vàng, bạc, đồng, xương, ngà, pháp lam, gốm sứ, gỗ, vải, giấy.
Đặc biệt, bảo tàng còn sở hữu Khu cổ vật Champa được thành lập theo Nghị định ngày 26/12/1927 của hoàng đế Khải Định nhằm giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa trong nhiều thế kỷ, thể hiện vị trí đặc biệt của văn hóa Champa trong tiến trình hình thành và phát triển những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế.
Bảo tàng Cổ vật Cung Đình Huế là một công trình quan trọng nằm trong quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Đây xứng đáng là một điểm đến nhất định không thể bỏ qua đối với những bạn yêu thích tìm hiểu về lịch sử, đặc biệt là triều đại nhà Nguyễn.