Theo cáo trạng, Đinh Ngọc Hệ nguyên là Chủ tịch HĐQT Cty Thái Sơn Bộ Q.P và là người đại diện phần vốn góp của TCty Thái Sơn Bộ Quốc phòng. Hệ đã nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên trên danh nghĩa là người đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập một số công ty, trong đó có Công ty Đức Bình, Công ty Cái Mép… Các công ty này có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa là độc lập nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ và sự điều hành của Phạm Văn Diệt.
Năm 2008, ông Diệt được tuyển vào làm nhân viên Cty Đức Bình. Hai năm sau đó, ông Diệt được ông Hệ đặt ngồi ghế Tổng Giám đốc điều hành Cty Đức Bình và các công ty của Hệ.
Các công ty của Út “trọc” có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, lấy Cty Đức Bình làm trung tâm, để điều hành các công ty khác.
Cáo trạng xác định, quá trình hoạt động, từ 3/2008 đến 4/2016, Cty Cái Mép đã ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên 8 khu đất quốc phòng (bản chất là thuê đất). Sau đó công ty còn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng (bản chất là cho đối tác khác thuê lại).
Cáo trạng xác định trong giai đoạn 2011 đến 2018, tổng doanh thu Cty Cái Mép phải thu theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác trên 8 khu đất quốc phòng là 133,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Hệ đã trực tiếp chỉ đạo thuộc cấp không kê khai thuế, kê khai không đầy đủ, để ngoài sổ sách, không xuất hóa đơn các khoản thu của Cty Cái Mép cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại các điểm đất quốc phòng. Điều này để Cty Cái Mép trốn đóng thuế nhà nước từ năm 2011 đến 2018 số tiền gần 40 tỉ đồng. Hành vi của Út “trọc” bị xác định đã phạm vào tội “Trốn thuế” với vai trò là người cầm đầu, khởi xướng.
Vụ án này là lần thứ tư Út “trọc” sẽ phải hầu toà và chịu sự phán quyết của Toà án quân sự Quân khu 7.
Đối với Phạm Văn Diệt, cáo trạng xác định ông Diệt đã chấp hành chỉ đạo của ông Hệ điều hành Toản trong việc không thực hiện đóng nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, để Cty Cái Mép trốn thuế từ năm 2011 đến 2018 với số tiền gần 40 tỉ đồng. Bị can Toản dù biết phải kê khai thuế, xuất hóa đơn các khoản thu của Cty Cái Mép cho các doanh nghiệp cá nhân thuê lại các điểm đất quốc phòng, nhưng vì tiếp nhận chỉ đạo của ông Diệt nên đã thực hiện không đúng nghiệp vụ kế toán về thuế, để Cty Cái Mép trốn đóng thuế nhà nước từ năm 2011 đến 2018 số tiền gần 40 tỉ đồng.
Trước khi bị truy tố tội “Trốn thuế” với hành vi nêu trên, tại vụ án đầu tiên, Út “trọc” bị Toà án quân sự Trung ương tuyên phạt 12 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức”. Bởi Út “trọc” có hành vi lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật để đề nghị cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng ôtô quân sự, ôtô biển xanh để được miễn nhiều tỉ đồng thuế đăng ký trước bạ. Bị cáo Hệ còn trực tiếp hoặc chỉ đạo đồng phạm thế chấp các ôtô quân sự, xe biển xanh cho các ngân hàng để vay tiền, gây thất thoát cho nhà nước 1,4 tỉ đồng.
Ở vụ án thứ hai, bị cáo Hệ bị Tòa án Quân sự Trung ương tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì liên quan đến sai phạm tại các khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng, TPHCM.
Trong vụ án thứ ba, Đinh Ngọc Hệ bị cấp phúc thẩm TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên phạt tổng hợp tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” liên quan đến thiệt hại 725 tỉ đồng trong Dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương./.