Út “trọc” và ông Đinh La Thăng có quan hệ thế nào trong vụ thu phí cao tốc Trung Lương?

Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ trong một phiên tòa.
Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ trong một phiên tòa.
(PLVN) - Phiên đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương chỉ có 1 đơn vị tham gia với mức giá trúng chính là giá khởi điểm. Dù có hơn 100 cuộc liên lạc với nhau, nhưng ông Thăng phủ nhận tạo điều kiện cho Út "trọc” Đinh Ngọc Hệ.

Tại Kết luận điều tra mới được công bố số 49/KLĐT-CSKT-P9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 20 bị can. Trong đó có ông Đinh La Thăng - về dấu hiệu sai phạm trong vụ cao tốc TP HCM – Trung Lương thời ông Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”).

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2004, chủ đầu tư là Bộ GTVT với số vốn gần 10.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT, do Dương Tuấn Minh là Tổng giám đốc) được giao đại diện trực tiếp quản lý. Năm 2010, tuyến cao tốc hoạt động nhưng hai năm sau mới chính thức thu phí.

Lúc đầu, Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV – BEDC (Ngân hàng BIBV và các nhà đầu tư thành lập) được Thủ tướng chỉ đạo mua quyền thu phí và tiếp tục đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã rút lui do khó huy động vốn.

Tháng 11/2011, sau ba tháng nhận chức Bộ trưởng GTVT, ông Đinh La Thăng gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng cho tiếp nhận lại quyền thu phí từ BIDV – BEDC. Tổng Công ty Cửu Long sau đó được giao xây dựng đề án bán quyền thu phí. Sau nhiều lần điều chỉnh, đầu tháng 10/2013, phương án được chốt là đấu giá công khai quyền thu phí trong thời hạn 5 năm, giá khởi điểm hơn 2.004 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng thành lập Hội đồng bán đấu giá do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là chủ tịch và 6 ủy viên. Điều kiện trúng thầu là thanh toán số tiền hơn 2.004 tỷ đồng thành 3 đợt, trong 10 tháng; nếu chậm trả bất cứ đợt nào sẽ bị phạt 150% giá trị chậm nộp theo ngày; nếu thanh toán không đúng hạn quá 30 ngày sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Hồng Trường.
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Hồng Trường. 
Dữ liệu thu thập được từ mạng viễn thông, xác định có sự liên lạc giữa Đinh La Thăng và Út "trọc" có liên lạc trao đổi với nhau 22 cuộc gọi trong tháng 10, 11 năm 2013, 50 cuộc gọi, 35 tin nhắn trong năm 2016. Mặc dù nhiều lần trao đổi, điện thoại với Đinh Ngọc Hệ nhưng tại cơ quan điều tra, ông Thăng phủ nhận việc chỉ đạo tạo điều kiện cho Út “trọc” được mua quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương.

Lúc đầu có 6 đơn vị quan tâm đến hồ sơ bán đấu giá, song cuối cùng chỉ còn Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) tham gia.

Kết quả điều tra xác định, Út "Trọc" đã nhiều lần nhờ ông Đinh La Thăng tác động Dương Tuấn Minh tạo điều kiện cho mình làm việc. Do các công ty không có khả năng tài chính, kinh doanh thua lỗ, nên Út chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo tài chính khống thành có lãi để làm hồ sơ đấu giá.

Đầu tháng 11/2013, hai Công ty Yên Khánh và Khánh An dù chưa nộp đủ tiền đặt trước để tổ chức bán đấu giá nhưng 7 cán bộ thường trực của Bộ GTVT vẫn lập biên bản thống nhất để hai công ty này tham gia. Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá Nguyễn Hồng Trường ký ủy quyền cho Dương Tuấn Minh (ủy viên) thay mặt tổ chức bán đấu giá.

Ngày 15/11/2013, Dương Tuấn Minh dùng con dấu của Tổng Công ty Cửu Long (theo quy định phải dùng con dấu của Bộ GTVT) đóng giấy mời Công ty Yên Khánh tham gia đấu giá, không mời Công ty Khánh An. Chiều cùng ngày, buổi bán đấu giá được tổ chức với duy nhất Phạm Văn Diệt (đại diện Công ty Yên Khánh) tham gia. Chủ tịch Hội đồng và một số ủy viên vắng mặt.

Đại diện Công ty Yên Khánh xuất trình chứng thư bảo lãnh 21 tỷ đồng (theo quy định là không đủ điều kiện tổ chức buổi đấu giá tài sản nhà nước) nhưng Dương Tuấn Minh vẫn yêu cầu tổ thường trực phát phiếu trả giá có đóng dấu treo của Tổng Công ty Cửu Long. Đại diện Công ty Yên Khánh trả giá hơn 2.004 tỷ đồng - bằng mức khởi điểm của Bộ GTVT.

Hội đồng bán đấu giá do Dương Tuấn Minh chủ trì lập biên bản đấu giá chấp thuận cho Công ty Yên Khánh trúng đấu giá và báo cáo Bộ GTVT ký quyết định phê duyệt kết quả khi chỉ có một người tham gia đấu giá.

Ngày 20/11/2013, căn cứ tờ trình của Hội đồng bán đấu giá do Minh trình, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường "biết rõ toàn bộ diễn biến phiên đấu giá và việc bán chỉ định cho Công ty Yên Khánh là trái quy định về đấu giá tài sản nhà nước nhưng vẫn ký quyết định phê duyệt".

Từ ngày 13 đến 26/12/2013, Dương Thị Trâm Anh đại diện Tổng Công ty Cửu Long cùng tổ thường trực giúp việc, đại diện Công ty Yên Khánh, đã thương thảo hợp đồng và thay đổi, bổ sung một số nội dung của hợp đồng mẫu. Cụ thể, điều chỉnh về điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi bên B thanh toán chậm quá thời hạn của bất kỳ một lần thanh toán nào cho bên A chậm quá 30 ngày được thêm vào "mà không có lý do chính đáng" thì bên A thông báo chấm dứt hợp đồng. Điều kiện chịu phạt khi chậm thanh toán được điều chỉnh từ "150% giá trị tính theo ngày" thành "150% lãi suất cơ bản theo năm". Hợp đồng này sau đó được ông Trường phê duyệt.

Về sau, khi Công ty Yên Khánh không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng hợp đồng, Tổng Công ty Cửu Long gửi văn bản báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng bút phê chỉ đạo "giải quyết theo đúng hợp đồng hai bên đã ký và đúng quy định của pháp luật". 

Để có "lý do chính đáng" kéo dài việc chậm trả tiền, ngày 22/7/2014, Công ty Yên Khánh tiếp tục kiến nghị được chỉ định làm nhà thầu xây dựng bổ sung cho 2 nút giao thông trên tuyến Tân Tạo – Chợ Đệm thuộc cao tốc Trung Lương và dùng tiền đầu tư để cấn trừ tiền trúng đấu giá phải thanh toán. Tổng đầu tư dự án là 1.300 tỷ đồng, phương án hoàn vốn là kiến nghị tăng giá vé qua trạm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đến ngày 30/3/2017, công ty này mới nộp hết hơn 2.004 tỷ đồng mua quyền thu phí cao tốc bằng nguồn tiền vay ngân hàng và tiền thu phí.

Quá trình thu phí, dù theo quy định "khi chưa được phép của Bộ Giao thông Vận tải thì bên B không được tự ý cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trạm thu phí, thay đổi thiết bị, công nghệ thu phí", nhưng Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Công ty Yên Khánh mua phần mềm khác thay thế phần mềm thu phí của Bộ GTVT trước đó để che giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng tiền thu phí của nhà nước.

Với những sai phạm trên, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố Đinh Ngọc Hệ về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cựu thượng tá quân đội bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu 12 người khác thực hiện nhiều sai phạm trong quá trình mua quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương.

Ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ GTVT) và 4 người khác bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự 2015. Đây là vụ án thứ tư ông Thăng bị điều tra.

Ngoài vụ án này, Út "trọc" bị Tòa án quân sự Trung ương tuyên phạt 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Hồi tháng 5, Út bị Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng tuyên phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khu đất "vàng" của Bộ Quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng. Tổng hợp hình phạt, ông này phải chấp hành 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh: Hầu hết các vụ cướp giật tài sản được khám phá chỉ sau vài giờ gây án

Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP HCM. (Ảnh: Huỳnh Phúc)
(PLVN) - Hôm qua (18/12), tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2024, do Thành ủy TP HCM tổ chức, báo cáo của Công an TP cho thấy nhiều loại tội phạm được giải quyết hiệu quả, như tội phạm cướp giật tài sản kéo giảm 24,35%, hầu hết được khám phá nhanh chỉ sau vài giờ gây án.

Phải chặt đứt nguồn cầu ma túy

Lực lượng chức năng kiểm đếm lô hàng chứa chất ma túy được giấu trong những tuýp kem đánh răng bị thu giữ từ hành lý của 4 tiếp viên hàng không. Ảnh: TTXVN
(PLVN) - Phiên sơ thẩm một vụ án “giết người” TAND TP HCM vừa mở ngày 17/12 là một phiên xử đặc biệt, vì khiến dư luận càng thấu hiểu hơn về mức độ tàn phá kinh hoàng của ma túy.

Vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam: Sẽ khởi tố đến 1.200 người, hé lộ 500 đường dây tội phạm

Trong năm 2024, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn TP HCM giảm 17,34% nhưng án về ma túy tăng đến 49% (Ảnh: https://www.hcmcpv.org.vn/)
(PLVN) -  Trong năm 2024, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn TP HCM giảm 17,34% nhưng án về ma túy tăng đến 49%. Nhiều vụ án ma túy lớn về cả khối lượng và số lượng bị can bị triệt phá, như chuyên án liên quan đến 4 nữ tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam sẽ khởi tố đến 1.200 người.

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Khởi tố 10 đối tượng liên quan đến tội rửa tiền

Các đối tượng trong chuyên án bị triệu tập.

(PLVN) - Ngày 17/12, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa triệt xóa thành công ổ nhóm đối tượng phạm tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền” xảy ra tại tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố trên cả nước.