Đăng ảnh lên mạng xã hội có cần giấy phép?

Việc đăng ảnh trên những diễn đàn nhiếp ảnh như thế này liệu có phải xin giấy phép?
Việc đăng ảnh trên những diễn đàn nhiếp ảnh như thế này liệu có phải xin giấy phép?
(PLO) -Nghị định 72/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/07/2016 của Chính Phủ quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước về hoạt động nhiếp ảnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2016. Tuy nhiên, các quy định về việc tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh của Nghị định này đã khiến dư luận “dậy sóng”, gây tâm lý hoang mang cho các tổ chức, cá nhân tham gia triển lãm ảnh tại Việt Nam bởi chúng chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt, tính khả thi và phù hợp của luật một lần nữa lại được mang ra bàn luận.

Luật hóa việc “tổ chức triển lãm ảnh trên mạng internet”

Trước khi Nghị định 72 có hiệu lực, việc tổ chức triển lãm ảnh được thực hiện theo quy định tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính Phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (gọi tắt là Nghị định 103).

Theo Điều 12 của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 103 thì, “triển lãm văn hóa, nghệ thuật quy định tại Quy chế này bao gồm: triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh và các triển lãm văn hóa, nghệ thuật khác”. 

Khi muốn tổ chức triển lãm ảnh, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép triển lãm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp phép, trong Đơn đề nghị tổ chức, cá nhân phải ghi rõ “thời gian, địa điểm dự định triển lãm”. Như vậy, phạm vi điều chỉnh việc tổ chức triển lãm ảnh của Nghị định 103 gắn liền với một thời gian, địa điểm xác định.

So với nghị định 103, Nghị định 72 đã đưa ra khái niệm thế nào là “triển lãm ảnh”, theo đó: "Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet” (Điều 3, Khoản 9).

Theo quy định trên, ngoài việc đưa ra khái niệm về “triển lãm ảnh”, Nghị định 72 cũng đã chính thức điều chỉnh hoạt động triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet mà trước đó Nghị định 103 không quy định.

Theo Điều 11 Nghị định 72 thì: “tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp… Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh”.

Bất cập bởi quy định mới

Từ quy định tại Điều 3, Khoản 9 và Điều 11 Nghị định 72, chúng ta có thể khẳng định rằng: Tổ chức, cá nhân muốn tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet phải tiến hành thủ tục xin phép để được cơ quan quản lý nhà nước xem xét và cấp phép. 

Tuy nhiên, cũng chính vì quy định này mà dư luận và cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam đang được phen “dậy sóng” bởi hiện nay đông đảo các nhiếp ảnh gia từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp thường chọn website cá nhân, các website cho phép upload, chia sẻ ảnh (như flickr.com, vnphoto.net... ) để đăng tải hình ảnh vì những tiện ích mà internet mang lại, đặc biệt các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, zalo được dùng để chia sẻ ảnh nhiều nhất bởi tính phổ biến, thuận tiện và hiệu quả.

Quy định trên đã khiến những ai có hoạt động chụp và đăng ảnh của mình hay của người khác lên mạng internet phải đặt ra câu hỏi: Việc đăng, giới thiệu, phổ biến ảnh trên website, Facebook có phải xin giấy phép từ cơ quan quản lý nhà nước?

Nhìn lại quy định của pháp luật, Khoản 9, Điều 3, Nghị định 72 định nghĩa:"Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh…” mà không đưa những định nghĩa tiếp theo để hiểu thế nào là “phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh…”.

Theo từ điển Tiếng Việt: “Phổ biến là làm cho đông đảo người biết bằng cách truyền đạt trực tiếp hay thông qua hình thức nào đó”; “giới thiệu là cho biết những đặc điểm cơ bản của một tác phẩm, một sản phẩm hay một sự vật, sự việc”; “trưng bày là bày cho công chúng xem để tuyên truyền, giới thiệu” và “trình chiếu là đưa ra chiếu trước công chúng”. 

Dựa vào các khái niệm trên thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đăng ảnh lên mạng xã hội (facebook, Instagram…) dưới chế độ công khai, đăng ảnh lên website (hay một hình thức nào khác qua mạng internet) đều thỏa mãn dấu hiệu của hành vi “triển lãm ảnh trên mạng internet” mà Nghị định 72 đã quy định, khi đó phải thực hiện thủ tục xin giấy phép cho dù có đăng một ảnh hay nhiều ảnh (album) lên mạng.

Cá nhân người viết cho rằng: Quy định về triển lãm ảnh trên mạng internet của Nghị định 72 thật sự gây khó hiểu, thậm chí nhiều người còn có thể suy diễn để hiểu điều luật theo cách mà mỗi người cho là hợp lý.

Tuy nhiên cho dù có hiểu thế nào đi nữa thì không thể có chuyện tổ chức, cá nhân đăng ảnh trên các trang mạng xã hội là hoạt động triển lãm ảnh và từ đó phải xin phép bởi vì nó hoàn toàn không khả thi (tính khả thi là 1 trong những nguyên tắc cơ bản khi soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật). 

Mặt khác, với quy định chung chung như hiện nay thì Nghị định này chưa vạch ra được ranh giới của việc đâu là “tổ chức triển lãm ảnh” và đâu là quyền tự do công bố tác phẩm tác phẩm nhiếp ảnh (thông qua phương tiện internet) của tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. 

Hồ sơ xin cấp phép triển lãm ảnh quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 72 cũng chỉ phù hợp với mô hình tổ chức triển lãm ảnh truyền thống (tức gắn liền với thời gian, không gian địa lý xác định) mà chưa cụ thể hóa hay có những quy định dành riêng cho hình thức triển lãm ảnh trên mạng internet...

Tất cả những điều đó cho thấy Nghị định 72 chưa giải quyết tới cùng của vấn đề. Do đó, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thiết phải có quy định cụ thể về việc “triển lãm ảnh trên mạng Internet” là thế nào, phạm vi điều chỉnh, thủ tục cấp phép dành riêng cho hoạt động triển lãm ảnh qua mạng internet để đảm bảo tính phù hợp... Giờ đây, có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục chờ.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VH-TT&DL cho rằng: “Triển lãm ảnh trên internet là khi người ta lập ra một website để đăng ảnh của mình, hoặc mời gọi mọi người gửi ảnh về và ai cũng có thể truy cập để xem ảnh. Nếu hình thức tổ chức ở quy mô cấp tỉnh thì sẽ phải xin phép Sở VH-TT&DL các tỉnh.

Còn website được thành lập, vận động tổ chức ở quy mô cấp Bộ thì phải xin phép Bộ VH-TT&DL. Lâu nay, hoạt động triển lãm ảnh diễn ra tại các địa điểm đều phải được phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, hoạt động triển lãm ảnh trên internet cũng phải đặt trong sự kiểm soát của cơ quan quản lý, thông qua việc cấp phép”.

“Nếu chỉ đăng một vài ảnh chơi thì đó là việc cá nhân, còn nếu đăng ảnh trên mạng internet mà hình thức như một triển lãm thì phải xin phép. Nghị định không can thiệp đến những hoạt động mang tính cá nhân. Hoạt động đăng tải,?tổ chức thi? ảnh trên các diễn đàn cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này”, ông Thành nói.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.