Lời ru gửi gắm tình cảm kết nối các thế hệ

Lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn con.
Lời ru của mẹ nuôi dưỡng tâm hồn con.
(PLVN) - Lời hát ru đã trở thành một phần truyền thống văn hóa đẹp đẽ của người Việt, có tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ nhỏ. Những lời hát ru thường chứa đựng ý nghĩa sâu xa, lời răn dạy con trẻ phải nên người.

Lời ru là nền tảng hình thành nhân cách trẻ

Lời hát ru là những gì được chắt lọc, cô đúc từ cái tinh túy, cái thần của nghệ thuật âm nhạc và thi ca. Qua những câu hát ru nhẹ nhàng mà tinh túy, bài học làm người, đạo lý cuộc sống được truyền tải đến đứa trẻ. Hiện lên trong các bài hát ru là một thế giới hồn nhiên và chan chứa tình yêu thương cùng với những hình ảnh bình dị, nhỏ bé và hết sức gần gũi với tuổi thơ. 

Cố giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ, lời ru của mẹ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời răn dạy của lời ru và tất thảy tình thương, trách nhiệm của người lớn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người từ khi cất tiếng chào đời.

Người hát ru (ông bà, cha mẹ, anh chị…) đã gửi tình cảm yêu thương đằm thắm, dung dị vào trong từng câu hát, để hướng về một đối tượng cảm thụ đặc biệt, đó là những bé thơ. Cùng với các động tác vỗ về, âu yếm, vuốt ve đầy trìu mến của người ru, những giai điệu mềm mại, êm ái và tha thiết kết hợp với hệ thống ngôn từ gợi cảm và trong sáng của bài hát ru đã nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ.

Người xưa rất thâm thúy. Mỗi lời ru cất lên lại ẩn chứa một thông điệp về cuộc sống. Đó là bài học về tình yêu đất nước, yêu dân tộc, tình nghĩa đồng bào đùm bọc gắn kết nhau,... Những hình ảnh ẩn dụ gần gũi với dân gian như con cò, con trâu, lũy tre làng,… hiện lên mộc mạc, nhẹ nhàng mà đầy yêu thương.

Những bài hát ru không chỉ gợi về các triều vua, sự tích mà còn dạy cho trẻ biết những bài học căn bản của văn hóa phong tục dân tộc như "hát ru châm ngôn xanh: học ăn, học nói, học gói, học mở" hay "vừa ăn, vừa nói, vừa gói, đem về". 

Qua câu hát ru, những đạo lý đó được người hát ru cảm nhận bằng chính cảm xúc của mình và truyền tải đến trẻ thơ nên câu ca rất hồn nhiên, trong sáng và giàu cảm xúc. Với tình yêu thương của mình, người hát ru đã hóa thân vào từng lời hát, bồi đắp đời sống tâm hồn của trẻ thêm phong phú, trong sáng và hình thành nhân cách đẹp đẽ trong những năm tháng đầu đời…

Bằng những lời ru êm ả, tha thiết, người mẹ đã gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức và hình ảnh tốt lành về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước. Đến khi trưởng thành, lời ru ấy đã trở thành hành trang từ tuổi thơ vào đời với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng mẹ cha. Thời ấy, ai đã có dịp đến với các làng người Tày rất dễ bắt gặp hàng chục tiếng ru cất lên cùng lúc, nghe như bản hòa tấu yên ả thanh bình đậm đà bản sắc quê hương.

NSƯT Hoàng Điệp cũng từng nói về ý nghĩa lời ru với việc hình thành nhân cách trẻ: “Trong mỗi chúng ta, dù ở bất cứ độ tuổi nào, ít nhiều đều có những ký ức về lời ru tiếng hát của mẹ, của bà hay của những người từng trông giữ mình hồi nhỏ. Tiếng “hát ru” như một suối nguồn vô tận trong kho tàng dân ca của các nước, các dân tộc trên thế giới.

Tiếng “hát ru” đối với thơ khác nào mạch nước ngầm chảy trong lòng đất âm thầm nuôi lớn cây. Thấm lời hát ru, đứa bé sẽ lớn lên trong sự hồn nhiên, nhân cách của bé được hình thành một cách tự nhiên với sự gắn bó yêu thương không chỉ của người với người mà còn với thiên nhiên, sông núi ruộng vườn…”.

Hát ru hình thành tính cách con trẻ.
 Hát ru hình thành tính cách con trẻ.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư – tác giả cuốn sách “Hát ru Việt sử thi” chia sẻ, đến bây giờ, khi tóc đã bạc, da đã mồi, ngôn ngữ đứt đoạn vì cơn tai biến năm nào, nói phải có người diễn giải, nhưng ông vẫn không quên giai điệu ngọt ngào của mẹ. Lời ru bên tấm võng kẽo kẹt trưa hè giữa vùng quê Bắc Ninh yên ả, hiền hòa như dòng sữa ngọt lành rót vào tiềm thức, nuôi lớn tâm hồn ông. 

Dù chưa hiểu chuyện thế nhưng mỗi khi nghe lời ru, đứa trẻ luôn cảm thấy dễ chịu và ngủ một cách ngon lành. Hơn thế, lời ru giúp trẻ sớm có cảm xúc hơn với âm nhạc, tăng cường khả năng tư duy và phát triển về tâm hồn trong tương lai. Bằng cách hát ru, người mẹ cũng đồng thời giúp trẻ làm quen với những ngôn từ đầu tiên thông qua những âm điệu lặp đi lặp lại của lời ru. 

Sợi dây kết nối thế hệ

Không phải ngẫu nhiên mà lời hát ru thường gắn với hình ảnh người bà người mẹ. Tiến sĩ Norman Weinberger, giáo sư khoa Sinh học thần kinh và Hành vi của Đại Học California – Irvine (Mỹ) cho rằng: “Ở mọi nền văn minh trên thế giới, các bà mẹ đều hát ru con, vì em bé sơ sinh hoàn toàn có thể cảm thụ được những giai điệu đó, như thể âm nhạc vốn dĩ đã luôn là một phần của chúng ta vậy”.

Những lời ru của người bà, người mẹ, người chị giúp củng cố sợi dây liên kết giữa các thế hệ. Qua lời ru bình dị mà mộc mạc, đứa trẻ cảm nhận được sự quan tâm, bao bọc, chở che của gia đình. Nhờ đó, đứa trẻ mới có thể ra đời và lớn lên với một tâm hồn trọn vẹn và không trở nên xa lạ với mọi người.

Quả thật, lời hát ru chưa bao giờ là một kỹ năng được đào tạo có khoa học trong các gia đình hay nhà trường. Thế nhưng, tự bao giờ, hát ru đã trở thành một phần trong cuộc sống của những người bà, người mẹ khi trong nhà có trẻ sơ sinh.

Lời ru ấy được truyền nối thế hệ này qua thế hệ khác, chỉ đơn giản qua con đường nghe và cảm nhận. Trong hát ru, lời ca thường lấy từ ca dao, đồng dao, hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian được truyền miệng qua các thế hệ. Đây cũng chính là cách mà lời hát ru gắn kết các thế hệ với nhau. 

Lời ru và cách hát ru được tiếp nối một cách tự nhiên, đơn giản mà gần gũi. Người con gái thời xưa biết hát ru từ nhỏ. Lúc bé được nghe mẹ hát, lớn lên nghe mẹ ru em, khi lập gia đình và sinh con sẽ hát ru con. Họ có một niềm hạnh phúc, ấy là khi vắt bầu sữa cho con bú và nhè nhẹ cất tiếng hát ru con ngủ. Dường như trong khoảnh khắc ấy, mọi ưu phiền, toan lo vất vả, mọi sự khốn khó trắc trở đời thường tan biến hết. Khi tiếng hát ru cất lên, lòng mẹ thấy bao dung…  

Ngày xưa hát ru không có nhạc. Tiếng đệm duy nhất là tiếng kẽo kẹt của cánh võng và tình cảm thân thương của người mẹ. Có em bé chỉ ngủ say khi có tiếng hát ru. Người mẹ mệt thiếp đi, hoặc bỏ đi đâu đó, trẻ lại khóc và khi mẹ quay trở lại hát nhè nhẹ thì con lại ngủ yên. Đó là minh chứng cho sự liên kết giữa tâm hồn đứa trẻ với tình mẫu tử thiêng liêng thông qua câu hát ru. 

Sự thiếu vắng lời ru trong các gia đình ngày nay đã khiến mối liên kế thế hệ trong gia đình phần nào nhạt nhòa hơn. Phải chăng vì vắng lời hát ru, thiếu những câu chuyện cổ tích “Vừa nhân nghĩa lại tuyệt vời sâu xa” mà trẻ con ngày nay dường như sống khô khan, thực dụng, tách rời với sự hồn hậu tự nhiên ngàn đời của dân gian?

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có những bài hát ru dành cho trẻ em.“Hát ru” là vốn nghệ thuật độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc được truyền miệng từ đời này sang đời khác, là nét đặc sắc của những gia đình truyền thống Việt Nam. Bởi vậy, trong nếp sinh hoạt gia đình, lời hát ru không chỉ để ru con mà còn là giữ tình cảm gia đình và tình thân giữa các thành viên với nhau.

Chỉ khi cảm nhận được mối liên hệ gần gũi, sự yêu thương từ trong gia đình, đứa trẻ mới trưởng thành một cách hoàn thiện, tự tin để bước ra cuộc sống. Trong nhịp sống hiện đại vẫn cần lắm những lời hát ru “ầu ơ” dịu dàng tha thiết ngân lên trong mỗi mái ấm gia đình nơi làng quê, phố thị yên bình. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.