Hủ tục tảo hôn, đẻ tại nhà: Bao giờ chấm dứt???

Nhiều thiếu nữ vùng cao đã trở thành người mẹ của một vài đứa con. Ảnh minh họa.
Nhiều thiếu nữ vùng cao đã trở thành người mẹ của một vài đứa con. Ảnh minh họa.
(PLVN) - Tảo hôn, đẻ tại nhà - những hủ tục ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn đang diễn ra trong thời đại @. Tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã tác động tiêu cực đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tâm, sinh lý, giống nòi, gây hậu quả rất xấu: tai biến, tử vong cho bà mẹ và trẻ em.

Những ông bố, bà mẹ “miệng còn hơi sữa”

Lấy chồng từ khi chưa đến 16 tuổi, ít lâu sau Hầu Thị Pa Na, dân tộc Mông, thôn Kim Sáng Hồ, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã là mẹ của hai con nhỏ, nhưng do hoàn cảnh nghèo khó và chưa có kinh nghiệm chăm sóc con, nên cả hai cháu nhỏ đều gầy gò, nhìn rất đáng thương. Những tiếng nói cười hồn nhiên ở lứa tuổi học sinh dần tắt trên môi người mẹ trẻ, chỉ còn ánh mắt lo âu, buồn bã.

Đối với phụ nữ đang ở tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển toàn diện, việc sinh con đầy bất trắc. Đó là chưa nói đến trẻ vị thành niên chưa có kiến thức về chăm sóc con, nên con sinh ra thường bị còi cọc, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi.

Những đôi vợ chồng trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” này phần lớn rơi vào tình cảnh túng quẫn, thiếu trước, hụt sau và thường thuộc diện xóa đói giảm nghèo vì đây là những cặp vợ chồng “3 không” (không nghề nghiệp, không đất đai và không vốn liếng).

Có những đứa trẻ 2 - 3 tuổi vẫn không làm giấy khai sinh được vì cha mẹ chưa đăng ký kết hôn. Đẻ nhiều con quá sớm, không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ có rất nhiều bà mẹ “miệng còn hơi sữa” đã bị suy kiệt sức khỏe trầm trọng, thậm chí tử vong. 

Vấn nạn tảo hôn đã cướp đi quyền được học, vui chơi, cướp đi sự trong trắng, vô tư của các em, nhất là các em gái, buộc họ phải sống trong sự chiếm đoạt cả về thể xác, tâm hồn, rơi vào vòng luẩn quẩn giữa đói nghèo và thất học.

Tại huyện miền núi A Lưới là địa phương có tỷ lệ tảo hôn nhiều nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo thống kê, giai đoạn 2008 - 2013, huyện có 221 cặp vợ chồng tảo hôn, giai đoạn 2013 - 2018 có 180 cặp vợ chồng tảo hôn.

Mặc dù cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có rất nhiều nỗ lực trong quá trình thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, nạn  tảo hôn đã giảm song tình trạng này ở địa bàn 2 huyện Nam Đông và A Lưới vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, đã làm ảnh hưởng đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, gây nhiều hệ lụy. 

Từ năm 2015 - 2019, Hà Giang có 19 dân tộc ghi nhận 2.348 cặp tảo hôn. Qua kết quả điều tra, khảo sát trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Lâm Đồng có hơn 1.000 trường hợp tảo hôn. Từ năm 2016 - 2019, Bắc Kạn có 594 cặp kết hôn sớm (tỷ lệ tảo hôn khoảng 6% so với kết hôn đúng độ tuổi). Hầu hết các trường hợp tảo hôn thường xảy ra ở các thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người như: Mông, Sán Chay… 

Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, năm 2017 toàn tỉnh có 1.712 cặp tảo hôn, năm 2018 là 1.176 cặp. Nhưng đây chỉ là bề nổi bởi ở nhiều địa bàn vùng sâu, đi lại khó khăn rất khó để cập nhật số liệu. Hơn nữa, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều hộ vì sợ bị xử lý khi có con em tảo hôn nên không khai báo.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, cốt lõi ở đây do trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên; vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán, quan niệm lạc hậu, ảnh hưởng sâu trong nhận thức của người dân.

Thứ nữa, do công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương còn hạn chế và hiệu quả chưa cao. Sự can thiệp của chính quyền về vấn nạn tảo hôn chưa quyết liệt, chưa đủ mạnh. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm tảo hôn phải huy động nhiều cá nhân, tổ chức để can thiệp; có trường hợp thành công, hoặc bất thành.

Thậm chí, cặp đôi còn đe dọa nếu không được kết hôn sẽ tự tử gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Hơn nữa, việc dựng vợ, gả chồng trong khi các bên nam, nữ chưa đủ tuổi nhưng chính quyền sở tại hoặc một số địa phương chưa có giải pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả. Nhiều trường hợp cán bộ xã gián tiếp ủng hộ bằng hình thức đi dự đám cưới…

Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống còn thấp, nhiều gia đình không đủ chi phí cho việc học hành của con cái nên dẫn đến kết hôn sớm; các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm đối với con cái của mình.

Theo ông Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu xảy ra ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, nơi có đông đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu... sinh sống.

Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn với nhiều hoạt động phong phú như: Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tổ chức 80 buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ cho đoàn viên, hội viên tại cơ sở, để cung cấp thông tin, kiến thức về việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn. Ngành tập trung tuyên truyền về kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản những người vị thành niên, thanh niên; trong đó, chú trọng vào các địa bàn có tình trạng tảo hôn cao...

Tử vong thai sản - tại số trời!!?

Ngoài hủ tục tảo hôn, ở nhiều dân tộc hay các vùng nông thôn trong nước còn có tục khác cũng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe phụ nữ và trẻ em đó là đẻ tại nhà. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến thai sản và tử vong ở sản phụ. 

Theo số liệu của Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, trong 9 tháng năm 2019, huyện Bắc Hà có 258 ca đẻ tại nhà chiếm 30,1%. Tại các huyện vùng cao khác, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Trong đó, huyện Sa Pa có số trẻ đẻ tại nhà cao nhất, trong tổng số 883 ca đẻ có 482 ca đẻ tại nhà, chiếm 54,6%; huyện Bát Xát có 393 ca đẻ tại nhà, chiếm 36,1%.

Tính cả 5 huyện vùng cao Mường Khương, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát có 1.503 ca đẻ tại nhà. Các chuyên gia y tế đều khẳng định rằng, tình trạng phụ nữ vùng cao sinh đẻ tại nhà không chỉ nguy hiểm cho người mẹ, mà có thể dẫn đến trẻ em bị uốn ván sơ sinh, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Năm 2017, tại xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai) có một sản phụ bị tử vong do sinh con tại nhà, một sản phụ khác phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng đối mặt với  “tử thần”. Cuối tháng 8/2019, lại thêm một câu chuyện đau lòng. Chị Giàng Thị C, thôn Sín Chải - Lùng Chín không nghe theo lời khuyên của mọi người, nhất quyết sinh con tại nhà đã bị tử vong.

Y sĩ Giàng Seo Nhà, Trưởng Trạm Y tế xã Lùng Cải chia sẻ, khoảng cách từ nhà tới trạm xá khá xa không phải là lý do duy nhất người dân không đến mà tập tục là yếu tố tác động lớn nhất: Vì khi vào sinh tại trạm thì không được mang nhau thai về nhà mà theo phong tục của bà con, phải lấy nhau về chôn dưới gầm giường hay chỗ nào đó mới được.

Khi phụ nữ đẻ con thường do người đỡ là mụ vườn, thường là mẹ chồng hay một phụ nữ trong bản. Ở những bản người dân tộc, năm nào cũng có chuyện đau lòng vì tử vong khi sinh nở. Trẻ con nhiều đứa lớn lên ốm đau, quặn quẹo, bởi được đỡ đẻ quá sơ sài và không hợp vệ sinh. Chuyện đau lòng ấy được dân làng đổ tại... số Trời??!

Cần loại bỏ hủ tục lạc hậu

Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi ngày có 5-7 phụ nữ bị tử vong do thai sản và sinh nở. Nguy hiểm là vậy nhưng rất nhiều phụ nữ vùng cao chưa một lần đi khám thai hoặc đến đẻ tại trạm y tế. Có những người vì quá nghèo, nhưng cũng có những người bị ảnh hưởng bởi những quan niệm, tập tục truyền thống lạc hậu... Thậm chí vẫn còn những phụ nữ ủng hộ và tin rằng những hủ tục này bảo vệ bản thân họ và con cái họ.

Trình độ học vấn, mức độ chăm sóc y tế của họ thường thấp hơn và tuổi thọ thì ngắn hơn so với những người khá giả. Đặc biệt là những phụ nữ nghèo đã trở thành nạn nhân của những tập tục lạc hậu, dẫn đến nguy cơ tử vong, bệnh tật và chấn thương các trong quá trình sinh nở, suy giảm chất lượng dân số. 

Theo các chuyên gia y tế, chìa khóa của việc làm mẹ an toàn là nâng cao khả năng tiếp cận kế hoạch hóa gia đình để giảm mang thai ngoài ý muốn và giãn khoảng cách giữa các lần có thai, nâng cao khả năng chăm sóc y tế cho các ca sinh nở, chăm sóc sản khoa kịp thời cho những trường hợp tai biến trong khi sinh và nâng cao chăm sóc y tế cho bà mẹ và trẻ em sau sinh. 

Muốn chấm dứt những tập tục này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải am hiểu được nguồn gốc nếp nghĩ, cách tư duy của một bộ phận dân cư và tìm được những giải pháp thay thế có ý nghĩa, phù hợp phong tục tập quán của từng địa phương.

Các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần triển khai nhân rộng các mô hình thí điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, giáo dục chuyển đổi hành vi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đến từng người dân để họ nhận biết được tác hại của việc tảo hôn từng bước giảm thiểu tình trạng này. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.