Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 7, cư dân thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng lại tiếp tục tụ tập trước cổng Nhà máy Hóa chất và Đất đèn Tràng Kênh (thuộc Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ que hàn - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) treo băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu DN dừng hoạt động lò sản xuất đất đèn, thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường đã ký…
Người dân tiếp tục căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối DN. |
“Thoi thóp” trong ô nhiễm
Như PLVN đã phản ánh, hơn 40 năm qua, dân cư thị trấn Minh Đức đã phải “hứng chịu” khói bụi phát ra trong quá trình sản xuất đất đèn của DN này. Tuy nhiên, qua nhiều lần gửi đơn phản ánh và cầu cứu các cơ quan chức năng, đến thời điểm này, cuộc đấu tranh của người dân tại vùng đất được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” với DN vẫn chưa có hồi kết...
Tại cổng nhà máy, rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc về tình hình ô nhiễm môi trường trong khu vực. Phản ánh với PLVN, ông Vũ Văn Hiếu (68 tuổi) cho biết: “Khoảng 3 tháng nay, DN lại “lén lút” hoạt động và “nhả độc” vào ban đêm. Chúng tôi chỉ được sống trong “yên lành” vài tháng vừa qua khi nhà máy ngừng sản xuất. Từ ngày lò đất đèn hoạt động trở lại, cả gia đình tôi lại tiếp tục “hứng chịu” chứng bệnh khó thở, tức ngực, ngay cả khi đi ngủ, tôi còn đeo khẩu trang…”.
Bà Dương Thị Tự (SN 1935) đau đớn kể về 3 đứa con trai ruột là Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Ngọc Cường và Nguyễn Ngọc Lân lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư tai ác. “Chúng tôi ngày ngày ăn với bụi, ngủ với bụi. Đã bao lần lãnh đạo nhà máy hứa hẹn cải tiến chất lượng dây chuyền sản xuất nhưng rồi lại đâu vào đấy, bụi khói vẫn cứ xả. Người chết đi là hết, người sống vật vã đến bao giờ đây?!” - bà Tự bức xúc. Ông Nguyễn Văn Lại (SN 1957), công nhân thợ hàn từng làm việc trong nhà máy 22 năm cho biết, vì sức khỏe sa sút, không chịu được mùi và không khí trong nhà máy nên ông xin nghỉ hưu non.
Nỗi khổ trên không chỉ của riêng của gia đình bà Tự hay ông Lại mà còn là nỗi khổ của 12.000 hộ dân sống trong 11 khu dân cư tại thị trấn Minh Đức. Theo phản ánh của người dân nơi đây, khi lò sản xuất đất đèn hoạt động, hàm lượng khí SO2, phấn chì, nhựa bị đốt cháy sẽ cuốn theo chiều gió, gây độc hại cho đường hô hấp. Trong quá trình đó, hồ điện cực cháy phát hồ quang đẩy bụi và các thành phần hóa học bay lên ông khói, độc tố khí Acetylen cũng phát tán ra ngoài, tỏa vào khu dân cư đang sinh sống...
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Theo nội dung biên bản làm việc giữa đại diện chính quyền Thủy Nguyên, đại diện lãnh đạo nhà máy và đại diện khu dân cư, từ ngày 17/10/2011, nhà máy phải tạm dừng toàn bộ hoạt động 3 dây chuyền sản xuất đất đèn đến 31/12/2011. Trong quá trình dừng hoạt động 3 dây chuyền và muội Acetylen, nhà máy phải khẩn trương lắp đặt hệ thống lọc, xử lý khói bụi; khi hoàn thành việc lắp đặt, cho phép chạy thử phải đảm bảo các thông số kỹ thuật được phép của cơ quan chức năng thì mới được hoạt động bình thường. Đối với bãi thải chất rắn của quá trình sản xuất, sau khi có kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng thì phải tiến hành xử lý theo kết luận.
Mới đây, tại buổi làm việc ở trụ sở nhà máy có đại diện của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Sở TN&MT Hải Phòng), đại diện UBND huyện Thủy Nguyên và UBND thị trấn Minh Đức, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc DN - cho biết, đơn vị này đã lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi của các lò sản xuất đất đèn tương đối hoàn chỉnh. Từ 31/12/2011 đến nay nhà máy đã 2 lần tiến hành vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý khói bụi tại lò số 3 (có xin ý kiến của UBND huyện Thủy Nguyên), mỗi lần chạy thử từ 10 đến 12 ngày. Tuy nhiên, lần chạy thử nghiệm thứ 2 bị gián đoạn do “vấp” phải sự phản đối từ người dân.
Nhằm giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc của hàng trăm hộ dân nơi đây, DN đã đưa ra sáng kiến: mời Trung tâm quan trắc môi trường tới quan trắc công khai, trực tiếp trước sự chứng kiến của đại diện dân cư để đánh giá tình hình. “Đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã “tốn” gần 6 tỷ đồng cho việc lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi. Nếu hệ thống xử lý khói bụi của lò sản xuất số 3 đạt chuẩn thì nhà máy sẽ tiến hành chạy chính thức và sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ xử lý khói bụi cho 2 lò tiếp theo. Nếu không, DN sẽ chính thức dừng sản xuất đất đèn” - ông Nguyễn Văn Lập khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Len - Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường - cho biết, theo đúng yêu cầu từ phía DN và người dân, đơn vị tiến hành quan trắc toàn bộ nhà máy. Ít nhất sau 5 ngày, đơn vị sẽ đưa ra kết luận chính thức. Chưa biết máy móc rồi sẽ “phán quyết” ra sao, tận mắt “mục sở thị” đống bãi thải đất đèn với khối lượng 40.000m3 của nhà máy chất cao như núi ngay giữa khu dân cư, đến khi viết xong bài PV vẫn chưa hết bàng hoàng…
Phương Thanh