Nhận định trên được đưa ra trong phiên thảo luận của QH về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020) trong Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra.
Hệ lụy từ chung cư trong nội đô
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật giám sát thi hành luật Thủ đô, về quản lý dân cư trên địa bàn Thủ đô thì quy hoạch xây dựng Thủ đô đặt ra mục tiêu đến năm 2020, dân số đạt khoảng 7,3 - 7,9 triệu người. Nhưng đến năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ thì số dân Thủ đô đã đạt 9,6 triệu người, lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030.
Với tốc độ tăng trung bình 3%/ năm thì đến năm 2020 ước tính là 10 triệu người, gần bằng dân số dự kiến đến năm 2050. Dân số của nội thành Hà Nội tăng nhanh có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là dân cư ở các nhà chung cư cao tầng được xây dựng rất nhanh trong nội đô, mặc dù được xây dựng đúng quy hoạch.
Từ số liệu của báo cáo, ĐB Nguyễn Trường Giang cho rằng việc xây dựng chung cư ở trong Thủ đô với những chung cư hiện đại là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng chung cư cần phải đi đôi với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội đồng bộ với các nhà chung cư, như vậy mới có thể giảm thiểu được các hệ lụy phát sinh từ việc dân số nội thành tăng nhanh trong thời gian vừa qua.
Ở góc độ nhà ở cho người dân, nhất là người có công, người nghèo và nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp và các khu công nghiệp, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhận định: “Vấn đề nhà ở đang là một thách thức đối với người dân”.
Số liệu thống kê được ĐB đưa ra cho thấy: “Chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu cuối năm 2018 hoàn thành nhà ở cho người có công với cách mạng. Chính phủ đã cân đối đủ nguồn lực nhưng các địa phương vì các lý do khác nhau cho nên chưa đảm bảo được nhà ở cho người có công với cách mạng. Chúng tôi xin đề nghị với Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện” - ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị.
Cùng với đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết, khi khảo sát, đồng bào nêu mức hỗ trợ cho vay làm nhà không đủ điều kiện để hộ nghèo làm nhà nên ĐB đề nghị Chính phủ xem xét lại Quyết định 33, bổ sung nguồn vốn trên ngân hàng chính sách. Chúng ta nâng mức vay lên để đảm bảo người nghèo có thể vay làm được nhà để đảm bảo cuộc sống.
Liên quan đến nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, ĐB của tỉnh Thanh Hóa chỉ ra “vướng mắc ở các cơ chế chính sách” và đề nghị Chính phủ “xây dựng đề án báo cáo Quốc hội nên có nguồn phân bổ ngân sách từ TƯ và tương đương như là ngân sách 30.000 tỷ đồng đã sử dụng trước. Các cơ chế điều hành phải thuận lợi cho người dân, các nhà đầu tư có cơ hội vay vốn lãi suất hợp lý để làm nhà cho người có thu nhập thấp. Dân có thu nhập thấp cũng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này với lãi suất thấp”.
Mong hết cảnh “sống treo” trong di tích
Thay mặt cử tri của Thừa Thiên - Huế, ĐB Phạm Ngọc Thọ gửi đến Quốc hội nguyện vọng của cử tri sớm được di dời khỏi khu vực 1, kinh thành Huế, được hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, an cư lạc nghiệp, trả lại đất cho di tích bởi do sống trên di tích nên hầu hết các hộ dân cư này không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp, nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào, vì vậy nhà ở tại khu vực này không được xây dựng, sửa chữa lớn.
Các hộ sống ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhiều thế hệ đã sống chung trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không được đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản thế giới.
“Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của TƯ và kinh phí của địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng cho di tích. Giai đoạn 1996 - 2018 đã di dời được 1.050 hộ dân cư. Hiện nay, tại khu vực 1 các di tích kinh thành Huế còn khoảng 1.200 hộ sinh sống.
Nếu nói cuộc sống của hàng ngàn con người này tạo ra áp lực đến tiến độ bảo tồn, tôn tạo kinh thành Huế thì cũng phải thấy rằng chính những người dân nơi đây đời sống vô cùng chật vật, khó khăn khi gắn đời mình với công trình di tích quan trọng đặc biệt của quốc gia. Mong ước của nhiều thế hệ ở đây là tìm kiếm cơ hội, một cuộc đổi đời trong nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được” – ĐB Phạm Ngọc Thọ phát biểu.
Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng cơ chế đề án trình Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan. Phải di dời dân cư khoảng 4.200 hộ sinh sống trong khu vực này thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023, kinh phí cần TƯ hỗ trợ để bồi thường khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ di dời dự kiến khoảng 2.938 căn hộ, với kinh phí khoảng 1.900 tỷ đồng.
Bình quân từ 600 đến 650 tỷ đồng một năm. Kinh phí di dời này là rất lớn đối với địa phương. Quỹ đất sau khi giải phóng mặt bằng chỉ phục vụ trùng tu di tích, không thể chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Ngoài ra, địa phương phải tự huy động các nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho di dời. Đối với Thừa Thiên - Huế, đây là cuộc di dân có tính lịch sử, chưa bao giờ công tác giải phóng mặt bằng lại có thời điểm thuận lợi như thế này, đó là xuất phát từ nguyện vọng, sự đồng thuận cao của các hộ dân cư thuộc đối tượng di dời. Với sự chỉ đạo quyết tâm của Thủ tướng, các bộ, ngành, sự quan tâm của các cơ quan Quốc hội, sự sẵn sàng với trách nhiệm cao của chính quyền các cấp.
Trên cơ sở đó, ĐB Phạm Ngọc Thọ bày tỏ: “Việc di dân đã chín muồi, cử tri đang mong muốn chính sách của Quốc hội, của Chính phủ, nguồn kinh phí hỗ trợ từ TƯ thực hiện chủ trương mang tính lịch sử này”.
Dân đô thị cũng “vật lộn” với triều cường
Trong khi đó, từ cực Nam của Tổ quốc, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) lại phản ánh những nỗi khổ của người dân đô thị nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nước biển dâng đang diễn ra hết sức nhanh chóng và hiện hữu hàng ngày.
ĐB Nguyễn Quốc Hận cho biết, dù chưa đến thời gian đỉnh điểm của triều cường nhưng nhiều tháng nay trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, thậm chí có cả một số đô thị khá xa biển như TP Long Xuyên (An Giang) cũng bị ngập sâu trong nước theo chế độ thủy triều, khiến cho xe cộ và con người phải lần dò, bì bõm di chuyển trên các con đường tráng nhựa.
“Chưa nói đến thiệt hại về vật chất do ngâm mình lâu trong nước nên các đoạn đường này xuống cấp nhanh chóng, các tác động đến tính mạng và đời sống của nhân dân là hết sức đáng lo ngại, trong đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông,... Như trường hợp do nước ngập và rò rỉ điện làm một cháu bé ở TP Cần Thơ bị điện giật.
Tình hình nước biển dâng làm vỡ đê, vỡ bờ bao các diện tích, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đang diễn ra hàng ngày, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn hộ nông dân. Có những hộ chỉ sau vài giờ từ hộ khá giàu trở thành hộ nghèo chỉ vì mất trắng các loại nông, hải sản do vỡ đê, vỡ bờ bao mà ra. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với đời sống của nhân dân” – ĐB Hận nêu.
Do đó, ĐB khẩn thiết đề nghị Chính phủ, ưu tiên cao nhất trong phân bổ nguồn dự phòng chung, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020, sử dụng 10.000 tỷ đồng không bố trí cho dự án chống ngập cho TP HCM để đầu tư cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý sạt lở bờ sông, suối, bờ biển, phòng tránh khắc phục thiên tai trong phạm vi cả nước.
Dành toàn bộ nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu, sử dụng đúng mục đích, đúng nguồn để qua đó cho phép tỉnh Cà Mau và một số tỉnh có liên quan được áp dụng cơ chế TƯ cấp phát toàn bộ số vốn ODA để đầu tư cho xây dựng đê biển, xây dựng kè, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ, chỗng sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì đây là các dự án dân sinh công cộng không có khả năng sinh lời, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2019.
Đến hết tháng 9/2018 cả nước đã thực hiện hỗ trợ và đang tiến hành xây dựng 244.044 người có công với cách mạng trên tổng số được duyệt theo đề án là 393.707 hộ, đạt 62% theo đề án. Như vậy, còn 38% (tương đương với khoảng 149.000 hộ) chưa được triển khai thực hiện.
Đến hết tháng 6/2018 cả nước đã hỗ trợ cho vay làm nhà cho người nghèo 74.000 hộ, chiếm 28%, với tổng số vốn là 1.872 tỷ đồng. Trong khi chương trình cả giai đoạn 2016 - 2020 chúng ta phấn đấu xây dựng 260.000 hộ với kinh phí 6.700 tỷ đồng. Chủ yếu là cho vay theo Quyết định 33 của Chính phủ và hiện nay mức vay của chúng ta là 25 triệu đồng/hộ.
Đến tháng 7/2018 đã hoàn thành 186 dự án quy mô 75.000 căn nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và mới đạt được 30% so với chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020. Dự kiến đến năm 2020 phải làm 12,5 triệu m2 với khoảng 250.000 căn hộ. Đây là một thách thức rất lớn.
(Trích phát biểu của ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 26/10/2018)