Ông Nguyễn Hòa Hiệp (ngụ tại số 57, đường 3/2 phường 1, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) liên tục khiếu nại việc UBND TP Đà Lạt chỉ đạo UBND phường cưỡng chế không cho gia đình ông sử dụng lối đi chung mà ông sử dụng suốt 45 năm qua.
Nguồn gốc căn nhà 57 nói trên do ông Nguyễn Quang Trạch (cha ông Hiệp) sử dụng hợp pháp từ năm 1965, lúc đó bên hông có lối đi chung rộng 1,4m, dài 11m, giáp nhà ông Nguyễn Tâm Giám (số 55), phía sau là nhà ông Phan Văn Mịch (số 55/1), các hộ dân vẫn sử dụng con hẻm chung để đi.
Ông Hiệp trước căn hẻm chung sắp bị xây bít
Năm 1995, ông Mịch bán nhà cho ông Giám để ghép lại với phía trước nhà ông Giám cho rộng hơn . Còn nhà ông Hiệp, do khó khăn nên bà Tâm (vợ ông Hiệp) nhượng một phần căn nhà phía sau cho ông Nguyễn Hoài Đức. Tranh chấp xảy ra khi ông Giám không cho hộ ông Đức và ông Hiệp sử dụng lối đi chung này vì lý do gia đình ông đã được nhà nước bán lối đi chung này từ năm 2004 (?). Ông Hiệp và ông Đức kịch liệt phản đối, vì hẻm chung này đã có từ rất lâu, được bà con sống tại đây xác nhận.
Gia đình ông Hiệp khiếu nại, ngày 21/9/2007 UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản số 2351: không thừa nhận có con hẻm đi chung từ trước năm 1965, khiến không chỉ người trong cuộc mà bà con xung quanh cũng bát bình. Chưa hết, UBND tỉnh đã bỏ qua bản đồ năm 1961 thể hiện rõ con hẻm chung này và cho rằng ông Hiệp được quyền khởi kiện quyết định này ra tòa án.
Thế nhưng, khi ông Hiệp khởi kiện ra tòa án tỉnh, thì tòa lại từ chối thụ lý vụ án với lý do không thuộc quyền giải quyết của tòa (?), đề nghị ông gửi đơn đến UBND TP Đà Lạt để được xem xét giải quyết. Ông Hiệp gửi đơn đến UBDN TP nhưng không được xem xét.
Ông Phan Văn Mịch – người bán nhà trong hẻm cho ông Giám: Tôi chỉ bán nhà, không hề bán lối đi chung này…
Mãi đến ngày 16/4/2010, UBND TP Đà Lạt ra văn bản số 1200 giao UBND phường 1 và các cơ quan liên quan ban hành quyết định cưỡng chế, không cho gia đình ông Hiệp đi con hẻm này, để giao cho riêng gia đình ông Giám (?) trong khi ông Giám không đưa ra được chứng cứ thuyết phục rằng con hẻm chung này là của riêng gia đình ông.
Mặt khác, khi ông Giám hợp thức hóa nhà đất thì phía ông Hiệp không hề biết, hay ký bất kỳ thỏa thuận về ranh đất giữa hai nhà, vậy mà ông Giám vẫn được cấp giấy tờ nhà một cách suôn sẻ.
Một người dân địa phương bức xúc: Con hẻm chúng này có từ những năm 1960, người dân khu phố đều biết, chỉ có chính quyền là …không biết? Sao nỡ ép một người tàn tật mất đến 70% sức lao động đến vậy, phải chăng vợ ông Giám từng là Chủ tịch UBND phường 1?
Hồng Cơ