Đám cháy tại một xưởng may giữa làng Tân Dân (huyện An Lão, thành phố Hải Phòng) đã cướp đi tính mạng của 13 công nhân và khiến 21 người khác tàn phế. Mộ những người chết đã xanh cỏ thế nhưng xóm làng vẫn chưa bình yên. Hiện trường vụ án ngày nào ai đi ngang qua cũng phải chạy thật nhanh như tránh xa tà ma. Hỏi ra mới biết hàng trăm ngày qua, người dân miền quê nghèo này đã sợ hãi sống cùng những tin đồn “ma báo oán” trong vụ cháy thảm khốc...
Gần nửa năm kể từ ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng, không ai còn hồ nghi về nguyên nhân xảy ra đám cháy chính từ sự bất cẩn, thiếu tính toán của chủ xây dựng cũng như chủ xưởng may. Nhưng chỉ ít ngày sau xảy ra vụ cháy kinh hoàng đó, có một làn sóng ngầm dư luận địa phương, rồi lan tới cả những vùng giáp biên như Yên Bái, Lào Cai... ngầm hiểu, đồn thổi nhau nghe bí mật động trời rằng “13 nhân mạng trong vụ cháy là do một tay ma nước ngoài bắt để báo oán”.
Người mẹ bấn loạn
Chuyện khởi nguồn từ việc anh Bùi Văn Luyện (46 tuổi, cha của cháu Bùi Thị Huyền, một nạn nhân trong vụ cháy) vốn ít học nhưng bỗng dưng nổi cơn bấn loạn, rồi nói tiếng nước ngoài thông vanh vách. Hàng trăm người chứng kiến những cơn điên “múa may quay cuồng” của anh Luyện thì “mắt tròn mắt dẹt” nhất quyết cho rằng “ma nước ngoài” sau khi “nổi lửa” nhưng vẫn không bắt được “hồn” con gái anh nên đã quay sang hành xác người cha.
Theo chân một người địa phương dẫn tới nhà chị Phạm Thị Anh (43 tuổi, vợ anh Luyện), chúng tôi muốn tìm hiểu rõ hơn sự tình qua lời của người trong cuộc. Trên con đường làng, thấy khách lạ lỉnh kỉnh máy ảnh, máy ghi âm, một vài người dân đã níu chúng tôi lại thì thào: "Con bé nhà ấy thiêng lắm, nó mất đi rồi nhưng vẫn hiện vong về báo mộng đấy, rồi bố nó tự dưng nói và viết tiếng nước ngoài cứ thông vanh vách làm cả làng chúng tôi được phen hú hồn, nếu không có thầy cao tay chắc khó sống rồi".
Tiếp chúng tôi, chị Anh gạt vội nước mắt chưa nguôi ngoai nỗi đau mất đi cô con gái có tiếng là chăm ngoan, học giỏi. Trong hồi ức, chị Anh nhớ lại: "Không hiểu “trời đất đun đẩy” thế nào, vừa đi thi đại học về nhà có mấy hôm thì con bé cứ đùng đùng đòi đi làm. Cả nhà ai cũng can ngăn nhưng con bé tính ương ngạnh không mảy may nghe ai. Tôi xót xa lắm, giờ nghĩ lại chuyện mỗi ngày con gái chỉ được trả công 40 ngàn đồng mà phải mất mạng".
Hiện trường vụ cháy. |
Kể đến đây, khuôn mặt chị Anh đang trầm buồn bỗng biến sắc, sởn da gà đầy vẻ kinh hãi, hai tay níu chặt vào nhau run lẩy bẩy bẩy. Chị Anh hồi tưởng: " Hôm đó đến ngày cúng tuần của con gái, tôi đang định sắm lễ xin cho cháu vào “ở chùa”. Mới định là vậy còn chưa nói với ai, thế mà ở đâu chị hàng xóm hớt hải đánh tiếng từ ngõ bước vào, mặt cắt không còn giọt máu, lắp bắp nói không ra hơi: "Con bé ốp vong về ở đền mẫu dưới chân chùa Nứa (hay còn gọi là chùa Linh Sơn, ngôi chùa tại địa phương - PV) kia kìa, nó khóc lóc ghê lắm, nhắn bảo bố mẹ xuống đón nó về. Tôi như rụng rời chân tay, miệng cứ cứng lại lắp bắp nói không lên hơi, còn nước mắt cứ giàn giụa chảy. Nhớ lại lúc đó, đầu tôi trống rỗng, chỉ nghe tin vậy là cứ thế lao đi luôn chẳng biết thực hư thế nào".
"Hớt hải đến đến mẫu, sau khi thắp nén nhang cầu khẩn thì cô trông đền ngồi đối diện bỗng dưng cứ run bắn người rồi ngồi khóc thút thít. Tôi cũng ngờ ngợ hỏi “Có phải Huyền không con” thì cô ấy khóc càng lớn hơn. Rồi bỗng nhiên trong tiếng nấc, “con gái tôi” than rằng: "Con chết oan bố mẹ ơi, ai bảo người ta làm nhà vệ sinh ngay trên mộ ông ấy làm gì", rồi lại cứ thế khóc. Con bé kể cho tôi là nó bị người bắt nên trốn vào đấy. Giờ thì bố mẹ lên đón nó về nhà, bằng không ở đây sớm muộn cũng bị bắt lại. Hai mẹ con tôi nói chuyện được một lúc thì bỗng dưng người cô trông đền ấy giật đùng đùng rồi lịm đi. Sau đó, tôi sắm lễ xin cho con vào ở chùa”, chị Anh thuật lại.
Anh chồng nổi cơn điên
Câu chuyện “hồn con gái” chị Anh về ốp vong thì chẳng mấy người tin, vì chuyện “gọi vong” thì người ta đã gặp nhiều và đa phần đều bị đánh giá là nhảm nhí. Chị Anh cũng bán tín bán nghi, cũng tận tụy lễ lạt xong xuôi để an ủi phần tín ngưỡng tâm linh, cũng là mong cho mình sẽ thanh thản hơn. Vậy nhưng một lần nữa, tai họa ở đâu lại đùng đùng kéo đến nhà chị khi anh chồng bỗng dưng phát điên.
Anh chồng chị vốn chẳng biết nhiều chữ nghĩa, từ nhỏ chỉ biết làm ruộng, lớn lên thì có người nhà xin đi cho làm một chân trên tàu hỏa, vì bằng cấp không cao nên cũng chỉ được làm ở đội phục vụ khách và tuyệt nhiên chẳng biết ngoại ngữ gì. Sau khi con gái mất, anh xin nghỉ phép về nhà một tháng.
“Thế nhưng từ lúc làm lễ cho con bé vào chùa ở thì ông chồng tôi cứ thế mắt mũi trợn ngược, chân tay múa may quay cuồng bấn loạn không thể kiểm soát, miệng thì lảm nhảm như lên đồng. Suốt mấy ngày liền ông ấy cứ như vậy, miệng lảm nhảm nói, còn tay thì viết vô số văn tự chữ nho cổ hay chữ loằng nhoằng gì đó mà đến các cụ cao niên trong làng cũng chịu chết", chị Anh kể tiếp.
Việc kỳ thực này đã làm xôn xao cả miền quê vốn yên bình, vì anh Luyện vốn ít học, nay lại đột nhiên “thông minh đột xuất” biết nói và viết chữ nước ngoài, ai cũng thấy làm lạ nên hàng xóm kéo nhau đến xem kín như bưng. Trong mỗi lần bấn loạn như thế, anh Luyện đều tự xưng là "cụ tổ" của dòng họ “nhập vong để cứu con cháu” nên anh cứ hô hoán gì, chị vợ và mọi người trong họ đều phải răm rắp cung phụng.
"Cụ" cứ ngồi chễm chệ giữa nhà bắt con cháu đi mua hình nhân, vàng mã đầy ắp cả một xe ô tô, cái nào cái nấy là đều đỏ lòe đỏ loẹt, rồi đốt cùng cả chồng văn tự bằng chữ nho đem rắc quanh nhà... Đã vậy, "cụ" còn chanh chua mắng mỏ con cháu đủ điều, lúc thì tiếng ta, lúc tiếng nước ngoài nên tất cả đều sợ hết vía, “mặt xanh nhanh vàng” không ai dám hé nửa lời “bật” lại mà chỉ biết khúm núm dạ vâng. Đặc biệt, “cụ” luôn mồm mắng: “Chúng mày ngu dốt, sao lại dám tiểu tiện trên đầu người ta”.
Liên tiếp những tai ương xảy ra đến nhà chị Anh khiến người ta thất kinh, dù anh chị chỉ vì thương nhớ con gái quá nên phát rồ phát dại như thế nhưng người mê tín thì lại đoán mò rằng đã có chuyện “ma nhập”. Lần giở sử làng, các cụ cao niên mới giật mình nhớ ra chuyện đúng vị trí xưởng may bị cháy có lịch sử thăng trầm. Từ thời cách đây cả gần thế kỷ, khu vực đó là nơi dân cư sầm uất, trong đó có cả người nước ngoài, chuyên làm các mặt hàng liên quan đến dệt may nên còn được gọi là khu “Thảm Len”.
Một đợt dịch bệnh hiểm nghèo đã khiến hàng loạt người chết ở đó. Khu dân cư này bị xóa sổ và những người chết được tập trung an táng ngay trên nền khu đất họ vốn ở. Hơn nửa thế kỷ sau, xưởng may này là một trong những ngôi nhà đầu tiên được dựng lên tại đây. Những nhân chứng trong làng khẳng định khi đào móng xây nhà, chủ nhà đã đào trúng hàng chục bộ hài cốt và đã mang lên bờ nhưng không hương khói “tạ tội” mà dấm dúi mang đi chỗ khác vùi tạm. Các nhân chứng cũng cho biết dưới khu đất này còn rất nhiều tiểu quách khác. “Vậy thì đúng là “phạm tội” với người chết nên bị “báo oán” rồi”, người độc miệng khẳng định như vậy và tin đồn này lan nhanh như vết dầu loang.
Theo Pháp luật & Thời đại