Tại buổi họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam trong thời điểm hiện nay là hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2023. Đây không chỉ là các chỉ tiêu về độ bao phủ chính sách BHXH, BHYT, mà hơn hết đó là trách nhiệm của chúng ta với người dân, nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo mọi người dân được thụ hưởng các chính sách quan trọng này.
Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, đến ngày 30/11/2023, các chỉ tiêu của Ngành đều tăng so với cùng kỳ, nhiều tỉnh đã tiệm cận số hoàn thành; tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn đòi hỏi toàn Ngành phải tập trung tổng lực triển khai các giải pháp để tháo gỡ.
Trong 11 tháng năm 2023, toàn quốc có khoảng 17,523 triệu người tham gia BHXH, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ 37,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 16,015 triệu người, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2022; số tham gia BHXH tự nguyện là 1,508 triệu người, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, số người tham gia BH thất nghiệp cũng ước đạt 14,307 triệu người, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 30,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tham gia BHYT ước đạt 91,837 triệu người, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt tỷ lệ bao phủ 92,81% dân số. Số tiền thu BHXH, BHYT của toàn Ngành tăng 38.563 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 89,18% kế hoạch được giao.
Nhấn mạnh chỉ tiêu bao phủ BHYT ít nhất phải đạt tỷ lệ 93,35% được Thủ tướng Chính phủ giao, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ cần đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố bám sát các quy trình, kịch bản phát triển người tham gia cũng như kịch bản thu, giảm nợ BHXH đã được xây dựng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trong tháng 12/2023, toàn ngành phải thực hiện đốc thu khoảng 6.000 tỷ đồng mới đạt mục tiêu giảm chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Do đó, đòi hỏi BHXH các địa phương phải rất cố gắng, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
"Vì vậy, yêu cầu BHXH các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này; đồng thời chủ động xây dựng kịch bản phát triển đối tượng 2024, đánh giá lại kế hoạch 2023, đặc biệt tập trung phân tích để tìm ra giải pháp phát triển BHYT, BHXH tự nguyện hiệu quả…" - ông Trần Đình Liệu nói.
Về vấn đề giảm chậm, nợ BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu Vụ Thanh tra - Kiểm tra có văn bản đốc thúc, trong đó yêu cầu BHXH các địa phương kiên quyết thực hiện các giải pháp đã được hướng dẫn, công khai các trường hợp nợ đọng lớn, kéo dài; Kiên quyết xử lý, kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.
Về lĩnh vực BHYT với nhiều điểm mới về thể chế và đang được quan tâm hiện nay, ông Nguyễn Đức Hoà Phó Tổng giám đốc cho biết, trong tháng 12/2023, BHXH Việt Nam sẽ hoàn thiện quy trình lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, đảm bảo đạt được sự đồng thuận với ngành Y tế.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận, ông Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu tất cả các đơn vị phải rà soát lại các công việc, nhiệm vụ được giao từ đầu năm đến nay, đánh giá và giải trình những vấn đề còn tồn đọng cần tập trung giải quyết…
Đặc biệt lưu ý đến Chương trình “Tết ấm cho bệnh nhân BHYT có hoàn cảnh khó khăn” đã được BHXH Việt Nam xây dựng thành hoạt động thường niên, ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị tích cực phối hợp thực hiện, huy động sự tham gia đóng góp của toàn ngành. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, thiết thực dành cho những người kém may mắn.
Chương trình tặng quà Tết sẽ được huy động từ nguồn quỹ phúc lợi, đóng góp của cán bộ nhân viên trong Ngành; cũng như kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm dành sự quan tâm, hỗ trợ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, có chi phí điều trị lớn…qua đó góp phần lan tỏa hoạt động nhân văn này.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban tháng 12/2023, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu một trong các giải pháp giảm nợ đó là: BHXH các địa phương thực hiện ngay việc gửi thông báo đến tất cả các doanh nghiệp chậm, nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên; kết hợp đồng bộ các giải pháp mời làm việc, cam kết, công khai thông tin, kiểm tra, thanh tra, chuyển cơ quan điều tra…