Tá hỏa thấy bò nằm... ngổn ngang
Theo lời kể của bà H’Túc Niê (SN 1976, ngụ buôn Ea Nhái, xã Ea K’Nuêch, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk): Khoảng 6h sáng ngày 3/8, bà thức dậy đi ra chuồng bò để kiểm tra và cho bò ăn như mọi ngày. Khi ra tới nơi, bà tá hỏa nhìn thấy cảnh tượng toàn bộ số bò trong chuồng nhà mình đã chết hết, nằm ngổn ngang.
Hốt hoảng bà H’Túc Niê kêu hô mọi người trong nhà chạy đến. Thấy bò chết bất thường sau một đêm, gia đình đã nhanh chóng báo lên chính quyền địa phương và ban ngành các cấp. Nhận được tin báo cán bộ, công an và cán bộ thú y đã đến kiểm tra hiện trường, lập biên bản, mổ lấy mẫu để kiểm tra.
Sau sự việc, bà H’Túc Niê đang phải gồng mình để chống chọi trước sự mất mát quá lớn này. Được biết, do nghèo khổ nên bà chưa một lần được đi học biết cái chữ, từ nhỏ đến lớn quanh năm trên nương rẫy. Lớn lên lấy chồng sống cùng với cha mẹ. Sau 12 năm lấy nhau, hai vợ chồng bà sinh được 2 người con, 1 trai 1 gái.
Cuộc sống khó khăn lại càng khốn khó hơn bởi, từ lúc có con nhỏ bà H’Túc Niê thường xuyên đau ốm, bệnh tật triền miên nên không làm được việc nặng. Cả gia đình chỉ chông chờ vào mấy sào cà phê, may mắn được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn nên họ quyết định mua bò về chăn nuôi.
Cuộc sống của ba mẹ con họ hiện tại chỉ trông chờ vào 4 con bò này. Thế nên việc bò bỗng nhiên lăn ra chết làm cho gia đình bà trở nên điêu đứng. Bà H’Túc Niê gần như suy sụp tinh thần khi tài sản lớn nhất của gia đình qua một đêm bỗng chốc đã không còn.
Quá xót xa, bà nói: “4 con bò trên, gia đình đành bán rẻ lại cho thương lái với số tiền được tổng cộng khoảng 16 triệu đồng. Bình thường nếu bán trung bình một con giá cũng trên 18 triệu đồng. Như vậy ước tính thiệt hại đối với gia đình tôi cũng gần 80 triệu đồng”.
Đàn bò được bà H’Túc Niê nuôi từ khi mới được mấy tháng tuổi, bò mẹ đẻ ra bò con, chăm nuôi phải mất vài năm bán mới có giá. Với gia đình bà, 4 con bò cũng là nguồn thu nhập chính. Dựa vào số tiền bán bò, bà nuôi con nhỏ ăn học, rồi tiền thuốc men chạy chữa bệnh tật của mình.
Ốm đau bệnh tật triền miên, công việc nặng nhọc không làm được nên mọi việc nương rẫy bà đều phải nhờ người thân họ hàng làm hộ hoặc thuê nhân công bên ngoài. Người chồng của bà mất cách đây chưa được lâu vì tai nạn giao thông. Đáng buồn chỉ trong vòng một năm mà trong gia đình bà mất đi đến 3 người thân. Bà H’Túc Niê mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc để trả lại sự công bằng cho gia đình.
Em H’ZiNa cháu bà H’Túc Niê cũng cho biết: “Kỳ lạ là chỉ có số bò trong chuồng mới lăn ra chết, còn lại 1 con bò mẹ và 2 con bê con mới sinh cột riêng ở góc vườn vẫn khỏe mạnh bình thường. Nếu nói chết do thức ăn thì không đúng vì số bò còn lại cũng ăn cỏ như những con bò khác. Bởi thế trước sự việc như vậy chúng tôi nghi ngờ rằng có thể do ai đó ghen ăn tức ở với nhà tôi nên đã cố tình đầu độc hãm hại”.
“Mới sáng sớm, khi đi ngang qua chuồng bò nhà H’Túc Niê thì thấy 4 con bò trong chuồng nằm chết la liệt nên tôi chạy lại xem. Nhìn thấy cảnh tượng ấy tôi không thể kìm nổi nước mắt. Với người dân nơi đây bò là tài sản quý giá nhất mà nhà nhà đều có, nay bỗng nhiên chết như vậy mấy ai mà cam tâm được”. một người hàng xóm chia sẻ.
Hiện trường nơi bò chết nhà bà H’Túc Niê |
Nguyên nhân do đâu ?
Cùng ngày, sau khi vừa tiếp nhận vụ việc nhà bà H’Túc Niê thì đến 4 giờ chiều tại nhà thôn trưởng Y’Wí Niê (SN 1960, ngụ cùng buôn) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Người nhà ông Y’Wí Niê đang cho bò ăn, bỗng thấy bò có biểu hiện co giật, giống lên một tiếng rồi lăn đùng ra chết. Được biết, trước khi chết bò vẫn ăn cỏ bình thường không có dấu hiệu bỏ ăn hay bất kỳ điều gì lạ.
Ông Y’Wí Niê cho biết: “Buổi sáng tôi cùng cán bộ xã xuống nhà bà H’Túc làm việc về vấn đề bò chết. Chiều đến đang đi họp trên xã thì người nhà gọi điện báo. Nghe thấy vậy tôi liền lập tức chạy về thì thấy 2 con bò mẹ đã chết rồi, một lúc sau thì chết thêm 2 con nữa”.
Cũng theo lời vị trưởng thôn, mấy năm trở lại đây gia đình ông nuôi được 7 con, giờ đã chết mất 4 con. “Số còn lại chưa biết liệu có bị gì không nữa. Giờ mà mấy con còn lại chết nữa thì gia đình tôi sẽ trắng tay. Tôi chỉ mong sao chính quyền địa phương sớm tìm ra nguyên nhân để người dân chúng tôi bớt hoang mang, lo lắng”, ông Y’Wí Niê nói.
Cũng theo ông Y’Wí, từ trước đến nay ở địa phương chưa hề có vụ việc nào tương tự như trên xảy ra. Mấy năm trước cũng có dịch bệnh nhưng đã khắc phục kịp thời nên không có hộ dân nào bị thiệt hại.
Trên địa bàn xã Ea K’Nuêch thì buôn Ea Nhái là nơi có nhiều hộ dân chăn nuôi bò nhất. Công tác phòng dịch bệnh tại địa bàn được tổ chức định kì, hộ dân nào nuôi bò đều được chích ngừa một năm hai lần. Những gia đình nào có bò mà không tiêm thuốc sẽ ghi tên lại danh sách báo lên trạm thú y, nếu như có xảy ra dịch bệnh chết thì sẽ mang đi tiêu hủy, không được tiêu thụ.
Trao đổi với PV về vụ việc trên, Thượng úy Y Chuyên Ayũn, Trưởng Công an xã Ea K’Nuêch cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin có bò của người dân chết, công an xã đã cùng các phòng ban phối hợp với ngành thú y huyện đã đến hiện trường mổ khám kiểm tra, đồng thời lập biên bản.
“Cơ quan đang phối hợp với các ban ngành điều tra tìm nguyên nhân cái chết bất thường của hai hộ gia đình có bò chết. Nếu như đây là vụ hãm hại thì sẽ truy ra thủ phạm và đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện tại nguyên nhân bò chết vẫn đang chờ các ngành chức năng kết luận” ông Y Chuyên Ayũn cho hay.
Buôn trưởng Y’Wí Niê |
Qua sự việc trên, UBND xã cũng hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại theo đúng quy cách. Trong những ngày tới, nếu người dân trong buôn tiếp tục phát hiện xảy ra hiện tượng bò chết bất thường thì phải báo cáo ngay cho UBND xã để kiểm tra, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Trong năm 2015, tại tỉnh Đắk Lắk có 17 con bò bị chết đột ngột. Tuy vậy, ngành thú y tỉnh kết luận, bò chết không phải do bệnh, mà có dấu hiệu cho thấy đây là thủ đoạn nhằm tạo tâm lý hoang mang đến người chăn nuôi, để trục lợi từ việc ép giá mua bò.
Bò là tài sản lớn nhất đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Ea Nhái, xã Ea K’Nuêch, huyện Krông Pắk. Trước tình trạng bò chết bất thường khiến người dân buôn Ea Nhái hết sức hoang mang và lo lắng. Người dân mong muốn các ngành chức năng của huyện Krông Pắc và tỉnh Đăk Lắk sớm vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân để người dân an tâm, phát triển chăn nuôi.