Thiệu hụt hơi vòi vĩnh “ông chủ” Mỹ
“3h30 sáng ngày 27/4/1975, tôi thức giấc. Không đi ra ngoài được vì có giới nghiêm. Tôi không thể ngủ lại được. Nhân vật Thiệu ám ảnh tôi. Cho đến phút chót, Thiệu vẫn không hiểu rằng người Mỹ không còn muốn nghe nói tới hắn hoặc nói tới Nam Việt Nam nữa. Và Graham Martin, Đại sứ Mỹ đã nuôi Thiệu trong ảo tưởng đó, ta hãy dùng đúng chữ: sự điên rồ.
Thiệu bám lấy các ý tưởng này. Thiệu tuyệt đối muốn rằng Quốc hội Mỹ cho 300 triệu USD viện trợ bổ túc, tuy rằng ngân khoản ấy sẽ chẳng làm được gì, sẽ không kịp dùng số viện trợ ấy để mua vật liệu. Thiệu chỉ muốn được một cử chỉ có nghĩa là người ta không bỏ rơi hắn, rằng người ta lại đưa tay ra vớt hắn ra khỏi vũng lầy hắn đang ngoi ngóp.
Dĩ nhiên là nạn hối lộ và thối nát ngự trị khắp nơi. Quân đội của Thiệu đã quen sống xa hoa, phung phí đạn dược vật liệu và xăng nhớt. Nhưng quân đội ấy cũng là một nạn nhân của người Mỹ vì người Mỹ đã để lại cho họ một hạ tầng rất nặng nề về căn cứ, sân bay, kho chứa hàng và cơ xưởng. Chỉ riêng sự bảo trì các cơ sở ấy đã tốn mất 1,5 tỷ USD một năm rồi. Và viện trợ Mỹ cứ dần dần cạn. Tới lúc ấy, số viện trợ ấy chỉ còn 700 triệu USD.
Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đi thị sát một đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa. Ảnh tư liệu. |
Khi ra lệnh rút lui khỏi Cao Nguyên, Thiệu nhìn về Washington. Đó không phải là một quyết định quân sự mà là một cuộc bắt chẹt chính trị. Khi bỏ một phần lãnh thổ, Thiệu tưởng đã có thể buộc các nước đồng minh cứ phải can thiệp ồ ạt, phải nối tiếp cuộc chiến bên hắn, phải giữ lời hứa. Hắn quên rằng hồi tháng 12/1974, người Mỹ đã cho hắn hiểu rằng nước Mỹ sẽ chẳng làm gì khi Phước Bình thất thủ và rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyến máy bay B52 thả bom xuống Quân Giải phóng nữa.
Đại sứ Graham Martin chủ trương đường lối gì? Phải chăng Graham đã xui Thiệu khi bảo Thiệu ra lệnh rút lui: “Hãy làm cho Quốc hội thấy rằng anh sắp mất tất cả, hãy đánh thức dư luận Mỹ. Hãy buộc nước Mỹ phải giữ những lời mà Tổng thống Mỹ đã hứa?”. Một số người đã nói như vậy.
Thiệu hành động như thể sự thất thủ của các tỉnh không đáng kể nữa. Thiệu ra lệnh rút lui, tuyệt đối tai hại trên phương diện quân sự, chẳng cần chú ý tới những hậu quả trên trận địa. Thiệu chỉ cần chú ý tới những phản ứng của Mỹ. Thiệu không biết rằng người ta không còn muốn nghe nói tới nữa, rằng người ta coi VNCH đã mất rồi, rằng Lầu Năm Góc đã xóa sổ VNCH và rằng người ta coi những tiếng kêu cứu của Thiệu là xấc láo và tại sao ông ấy cứ đòi giúp đỡ. VNCH phải tự lo và đừng nên quấy rầy cái lương tâm của nước Mỹ khi nước Mỹ đang tái sinh trên những đổ nát của vụ Watergate và đang tìm cách tự thanh trừng.
Đó là hình ảnh của nước Mỹ, thứ hình ảnh mà Graham Martin không muốn cho Thiệu thấy cho đến lúc chót, lúc mà Martin nhận được lệnh đẩy Thiệu ra ngoài.
Đại sứ Mỹ “tự đầu độc mình”
Đối với Martin, nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Việt Nam không phải là một nhiệm sở thường. Con trai Martin đã chết ở Việt Nam và Martin coi cuộc chiến tranh này là một chuyện cá nhân của mình. Đó là sự lựa chọn tồi nhất trong hoàn cảnh hiện tại.
Martin thay thế Bunker sau khi ký thỏa hiệp Paris, và giữ vai trò người cha già bên cạnh Thiệu, vai trò mà Tổng thống VNCH không thể không cần. Và Martin thành công. Thành công quá mức vì rằng khi đầu độc người khác thì Martin tự đầu độc mình luôn.
Năm ấy 62 tuổi, Martin có dáng dấp thân hình cao dong dỏng, nét mặt từng trải, một thứ cao giá nhưng lại thất bại trong cái không khí tận thế này.
Ví dụ Martin nhất định giữ một cái cây lớn ở phía sau Sứ quán Mỹ, đó là cái cây cản trở sự đáp xuống của trực thăng. Martin giữ cái cây ấy vì số nhân viên an ninh lợi dụng đêm tối để chặt đi. Có những toán cảm tử sẽ tìm cách lợi dụng ánh trăng để chặt cái cây ấy bằng những cưa nhỏ.
Đã đồng hóa cái cây ấy với VNCH. Và Martin làm như thế trong khi vẫn giữ bề ngoài của một nhà ngoại giao lạnh lùng và khả kính. Cũng như Thiệu làm ra vẻ giữ được sự bình tĩnh để che giấu sự điên rồ lúc Sài Gòn chuẩn bị sụp đổ.
Các nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình đã nhận thấy điều ấy và ngày 5/3/1975, một người trong bọn họ nói với Tổng thống Ford: “Có một điều mà tất cả chúng tôi đều đồng ý: “Đại sứ của chúng ta tại Việt Nam là một tai họa. Ông ta còn cố gắng đứng lại. Về thể chất thì ông ta đang ở tình trạng tồi””.
Graham Martin đang ở đầu giường của con bệnh VNCH, giống như một thầy thuốc biết con bệnh của mình và đã hết thuốc chữa nhưng cứ tiếp tục nói dối để giữ vững tinh thần con bệnh. Thế mà không chỉ cứ lặp lại mãi những lời nói dối ấy, thầy thuốc lại bắt đầu tin ở những lời nói dối của chính mình.
Và khi người ta yêu cầu Martin chuẩn bị cuộc rút những người Mỹ thì Martin lại trì hoãn. Martin không muốn bỏ con bệnh và muốn giữ lại tất cả số nhân viên ở gần.
Một ví dụ khác về bệnh mơ ngủ của Martin: Trong khi sự sụp đổ đã hoàn toàn, thì Martin gửi về Washington nhiều bức điện tín dài yêu cầu khẩn cấp “Thực hiện các chương trình phát triển kinh tế dài hạn cho VNCH”.
Bị thiếu ngủ, thần kinh căng thẳng, uống rất nhiều thuốc, trở nên đa nghi và lầm lì, Martin không muốn gặp những người cộng sự nữa. Martin lên tiếng, hành động nhân danh một thứ nước Mỹ nay không còn nữa, một nước Mỹ cam kết ở VNCH, nước Mỹ của Nixon, nước Mỹ trước khi có trận hồng thủy, trước khi có vụ Watergate. Cũng như trong bài diễn văn chót, tuy Sài Gòn đã bị vây chặt rồi mà Thiệu còn hứa sẽ chiếm lại những tỉnh đã mất.
Cái kết ê chề
Trong lúc quân đội tan rã thì Thiệu biến mất. Thiệu đi trốn và người ta tự hỏi hay Thiệu tự tử. Thế rồi Thiệu tự nhiên tái xuất hiện trên máy truyền hình ngày 4/4, xử sự y hệt một cái xác không hồn. Với giọng nói buồn tẻ, mặt không hề tỏ vẻ tuyệt vọng hoặc bấn loạn, Thiệu tuyên bố quyết định bảo vệ những gì còn lại của lãnh thổ VNCH và hy vọng rằng sẽ lấy lại phần đất đã mất.
Thiệu vẫn ngoan cố trong sự ngủ mơ của hắn. Thiệu lải nhải: “Một ngày nào đó chúng ta sẽ lấy lại lãnh thổ đã mất, dẫu rằng có phải chờ đợi mất nhiều năm”.
Thiệu giải thích sự bại trận. Dĩ nhiên là theo mình, Thiệu chẳng có trách nhiệm gì. Tất cả đều do sự chủ bại, sự thiếu can đảm và thiếu cương quyết của một số cấp chỉ huy đơn vị.
Những sự yếu kém sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và những đơn vị chiến đấu anh dũng sẽ được tưởng thưởng.
Nhà vua lõa thể mà chẳng ai dám nói gì!
Và Thiệu tiếp tục: “Chúng ta có quân số cần thiết để chiến đấu. Chúng ta đang tổ chức lại một số đơn vị. Chúng ta sẽ thành lập nhiều đơn vị khác lớn hơn. Chúng ta sẽ có viện trợ quân sự quan trọng…”.
Thiệu vẫn tin ở sự can thiệp của người Mỹ và tin rằng Ford sẽ thực hiện lời hứa bí mật của Nixon.
Thiệu nói: “Nhân dân Hoa Kỳ và Quốc hội phải ý thức rằng phải làm một cái gì để VNCH khỏi nghĩ rằng các đồng minh đã bỏ rơi họ…”
Rồi bất ngờ, Thiệu tiết lộ ý tưởng thầm kín của mình, sự bí mật về lệnh rút lui. “Với 700 triệu USD chúng ta hiện có, chưa được phân nửa số viện trợ mà nước Mỹ đã hứa giúp, VNCH chỉ có thể giữ được một nửa lãnh thổ. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, người Mỹ sẽ hiểu rõ hơn”.
“Thưa các ngài tại Washington, nếu quý ông cho tôi một tỉ rưỡi USD thì chúng tôi sẽ giữ toàn cõi VNCH. Với 700 triệu USD, tôi có thể giữ được một nửa”.
Đó là lối nói chuyện của kẻ bán ngựa nói với những người không còn là khách hàng nữa”.
Chỉ ít ngày sau đó, Thiệu phải đọc diễn văn từ chức, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. Về phần Graham Martin, ngày 29/4 phải bay trực thăng ra tàu ngoài biển, rời tòa đại sứ vội vàng đến nỗi bỏ quên cả tấm ảnh của Nixon. Bức ảnh có chữ ký và dòng chữ để tặng: “Để ghi nhớ sự nghiệp to lớn của ông ở Đông Dương”. Martin từ chối mọi câu hỏi của các nhà báo vây quanh, lặng lẽ đi về phòng riêng. Và người ta thấy Martin lặng lẽ đứng cạnh một cửa hầm trên boong tàu, vai khoác một cái áo tắm xanh, đôi mắt trũng sâu, lặng lẽ ăn một quả táo.