Đại gia Mỹ gặp khó vì... không được lòng phụ nữ

Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu vào hồi quyết liệt.
Cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu vào hồi quyết liệt.
(PLO) - Các cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ sẽ bắt đầu “nóng” lại kể từ hôm nay - 5/4 sau 10 ngày tạm nghỉ, với thực tế là hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ là Donald Trump và Hillary Clinton đang đối mặt với nguy cơ để thua tại bang Wisconsin.

Mặc dù thất bại tại bang trung tâm phía Bắc này khó có thể làm thay đổi cục diện cuộc cạnh tranh để giành tấm vé đại diện Đảng, song kết quả tại Wisconsin có thể là tín hiệu cho thấy xu hướng thái độ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ tại New York ngày 19/4 sắp tới, nơi các cuộc thăm dò ý kiến đều đánh giá đây là hai ứng cử viên dẫn đầu.

Tỷ phú “gặp khó”

Có thể nói, tỷ phú Donald Trump đang ở trong một giai đoạn không mấy thuận lợi. Mặc dù chiến dịch tranh cử của ông tính tới giờ phút này vẫn được nhiều người ủng hộ và đứng vững trước không ít chỉ trích, song thực tế là những phát biểu gây tranh cãi gần đây của ông đã khiến các cử tri nữ tẩy chay mạnh mẽ hơn.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến về cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang Wisconsin, ứng cử viên bảo thủ cực đoan Ted Cruz hiện dẫn đầu và hơn Donald Trump 10 điểm, mặc dù nhà tỷ phú 70 tuổi này đã tổ chức hàng loạt chiến dịch vận động tranh cử trong khu vực. Ứng cử viên ôn hòa John Kasich, Thống đốc bang Ohio, hiện đứng thứ 3 và cũng là vị trí chót bảng.

Trong chiến dịch tranh cử tiến hành ngày 2/3 tại Wisconsin, với sự hỗ trợ của Sarah Palin, ông Trump đã chỉ trích ông Cruz vì không báo cáo đầy đủ về khoản vay từ Goldman Sachs, nơi vợ ông Cruz làm việc. Tới ngày 3/4, ông Trump lại tiếp tục nhắc lại những tuyên bố gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây là Mỹ nên cân nhắc việc rời khỏi tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Nhật Bản phải tự chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho mình bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân. 

Người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang Wisconsin vào ngày 5/4 tới sẽ giành được 42 suất đại biểu trong đại hội toàn quốc vào tháng 7. Nếu Ted Cruz giành chiến thắng, ông chắc chắn sẽ tạo bước đột phá trong cuộc chạy đua, song thực tế ứng cử viên này vẫn sẽ phải rất chật vật để giành được thêm các suất đại biểu khác.

Donald Trump đang giành được 739 suất đại biểu, Ted Cruz và John Kasich lần lượt giành được 460 và 145 suất. Để trở thành ứng cử viên đại diện Đảng trong cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng, mỗi ứng cử viên phải giành được tối thiểu 1.237 suất đại biểu.

Tại bang Bắc Dakota, đảng Cộng hòa sẽ có cuộc họp vào cuối tuần này để lựa chọn 25 trên tổng số 28 suất đại biểu. Tuy nhiên, không như hầu hết các bang khác, các đại biểu đại diện cho bang này không cam kết ủng hộ cụ thể một ứng cử viên nào trong đại hội vào tháng 7 tới. Ba suất đại biểu còn lại nghiễm nhiên thuộc về thành viên Ủy ban Trung ương đảng Cộng hòa (RNC).

Tổng số suất đại biểu của RNC tham dự đại hội là 168 người, tuy không lớn (chiếm khoảng 6,8%) song do không được phân bổ cho ứng cử viên cụ thể nào nên những người này vẫn có khả năng can thiệp và thay đổi kết quả, nếu tới cuối cùng có hai ứng cử viên có số suất đại biểu ngang bằng nhau hoặc không ứng cử viên hội đủ số suất quá bán.

Tỷ phú Donald Trump, một ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Tỷ phú Donald Trump, một ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Cựu Ngoại trưởng vào “cuộc đua”

Đối với bà Clinton, thất bại tại Wisconsin sẽ chỉ mang tính biểu tượng bởi số suất đại biểu của bang này được phân chia tỷ lệ theo kết quả cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, có một thực tế là trong 6 bang tổ chức bầu cử gần đây, bà đã để thua tại 5 bang trước ứng cử viên Bernie Sanders và hiện nhiều cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy ông Sanders sẽ về nhất tại Wisconsin.

Thượng nghị sỹ bang Vermont vừa giành chiến thắng tại hai bang láng giềng là Minnesota và Michigan, trong khi đó uy tín của ông Sanders tại nhiều thành phố của Wisconsin như Madison, nơi có đông sinh viên đại học là điều không thể phủ nhận.

Thượng nghị sỹ Sanders, người đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thành viên trẻ của đảng Dân chủ, đang nỗ lực để phá bỏ quan điểm cho rằng bà Clinton là ứng cử viên hàng đầu đủ sức đánh bại Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới.

Trong khi tỷ lệ ủng hộ giành cho ứng cử viên Sanders đang ngày càng tăng, căng thẳng giữa ông và bà Clinton cũng bắt đầu leo thang. Tuy nhiên, có một thực tế khó phủ nhận là dù gần đây liên tục giành chiến thắng song ông Sanders vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chạy đua giành suất đại biểu.

Bà Clinton hiện giành được 1.259 suất đại biểu, trong khi ông Sanders mới chỉ có được 1.020 suất đại biểu. Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ đã có được sự ủng hộ quan trọng của gần 500 “siêu đại biểu”, những người sẽ bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên trong đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, sự kiện sẽ diễn ra trong tháng 7 tới.

Để giành chiến thắng và trở thành người đại diện cho đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống, một ứng cử viên phải giành được tối thiểu 2.383 suất đại biểu.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ đã có được sự ủng hộ của gần 500 “siêu đại biểu”.

Cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ đã có được sự ủng hộ của gần 500 “siêu đại biểu”.

Lo mất tiền tài trợ?

Trong khi đó, tờ New York Times (Mỹ) đưa tin, một số công ty tên tuổi của Mỹ như Apple, Google và Walmart đang cân nhắc giảm bớt hoặc không rót tiền tài trợ cho Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa diễn ra từ ngày 18-21/7 tại Cleveland do có khả năng Đại hội sẽ đề cử ông Donald Trump, ứng cử viên đang gây phẫn nộ cho nhiều phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Latinh.

Trong nhiều thập niên qua, các công ty lớn ở Mỹ vẫn tài trợ tiền cho cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, năm nay, một loạt tổ chức dân sự đang mở chiến dịch gây áp lực để những công ty này từ chối tài trợ cho đại hội của đảng Cộng hòa. Carla Eudy, một chuyên gia tư vấn kỳ cựu về vấn đề gây quỹ của đảng Cộng hòa, cho biết: “Tôi đã tiếp xúc với một số lãnh đạo công ty và nhận được câu trả lời rằng tôi luôn luôn tham dự hội nghị của đảng, song năm nay chúng tôi không tài trợ cho sự kiện nào hết”.

Chẳng hạn như Walmart, Công ty đã đóng góp 150.000 USD cho đại hội của đảng Cộng hòa hồi năm 2012, chưa đưa ra cam kết tài trợ nào cho đại hội năm nay. Apple và Google từ chối bình luận về vấn đề này.

Còn Coca-Cola cho biết họ chỉ tài trợ 75.000 USD cho đại hội năm nay, thay vì 660.000 USD như hồi năm 2012. Kent Landers, người phát ngôn của Coca-Cola, từ chối giải thích lý do cắt giảm.

Tuy nhiên, các quan chức của Công ty đang tìm cách lặng lẽ tháo ngòi nổ một chiến dịch của Tổ chức nhân quyền Color of Change được cho là đã thu thập hơn 100.000 chữ ký vào thư thỉnh cầu Coca-Cola, Google, Xerox và một số công ty lớn khác từ chối tài trợ cho đại hội của đảng Cộng hòa. Bức thư thỉnh cầu khẳng định rằng việc tài trợ cho sự kiện vào tháng 7 tới đồng nghĩa với việc tán thành những “tuyên bố phát xít” của ông Trump.

Chiến dịch The Color of Change hiện nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức nhân quyền của phụ nữ, những người Mỹ gốc Latinh và người Hồi giáo. Mặc dù Coca-Cola là đối tượng chính của chiến dịch này, song các nhà tổ chức cũng đã tiếp xúc với Google, Cisco và AT&T, đồng thời cho biết sẽ gây áp lực lên những công ty này nếu họ tiếp tục đóng góp tài chính cho đại hội của đảng Cộng hòa. 

Trong quá khứ, The Color of Change đã nhiều lần thành công trong việc gây áp lực lên những công ty cần bảo vệ hình ảnh. Chẳng hạn như sau vụ thiếu niên da đen Trayvon Martin bị sát hại tại Florida năm 2012, The Color of Change đã gây áp lực buộc các công ty như Coke, McDonald’s và Pepsi phải rút khỏi Hội đồng Trao đổi Luật pháp Mỹ - một tổ chức bảo thủ cổ xúy luật sử dụng súng.

Trong bức thư gửi tới Coca-Cola vào tháng trước, The Color of Change khẩn cầu Công ty này rút lại số tiền đóng góp cho đại hội của đảng Cộng hòa. Hiện các quan chức điều hành đang lặng lẽ tiếp xúc với những người phụ trách The Color of Change để tìm cách xoa dịu tổ chức dân sự này.

Nhiều công ty khác cũng đang tìm cách tránh rắc rối từ chiến dịch tranh cử. Một số tổ chức thương mại, trong đó có những tổ chức đại diện cho các hãng hàng không và đài phát thanh truyền hình, cho biết họ dự định giảm bớt phần đóng góp cho cả hai đại hội của hai đảng.

Emily Lauer, người phát ngôn của Ủy ban tổ chức Đại hội Cleveland 2016, đã xoa dịu những mối quan ngại về vấn đề gây quỹ và cho biết các công ty và các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp 54 triệu USD trong tổng số 64 triệu USD cần thiết cho đại hội. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của đảng Cộng hòa trực tiếp nắm thông tin về vấn đề gây quỹ cho đại hội đã tiết lộ rằng nội bộ đảng Cộng hòa đang ngày càng lo ngại về khả năng các nhà tài trợ hủy bỏ cam kết nếu như ông Trump được đề cử. 

Các đại hội của đảng Cộng hòa thường xuyên bị lạm chi so với ngân sách. Năm 2012, ê kíp tài chính của ứng cử viên Mitt Romney đã đứng ra quyên tiền để trang trải chi phí cho đại hội của đảng Cộng hòa diễn ra tại Tampa, Florida. Trong khi đó, năm 2004, tỷ phú Michael R. Bloomberg, Thị trưởng New York lúc đó đã viết séc cá nhân để trang trải cho phần thiếu hụt của ngân sách đại hội diễn ra tại thành phố của ông.

Có thể nói, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra hết sức gay cấn, quyết liệt, trong đó hứa hẹn không ít những bất ngờ. Ai vượt qua thách thức, người ấy mới có thể chiếm được một vé đi tiếp trong “chặng đường” sau với độ khó không ai lường hết được...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.