Rise of the planet of the Apes ra đời năm 2011 khiến người xem kinh ngạc nhờ kỹ xảo xuất sắc. Đây được xem là bộ phim đầu tiên của Hollywood sử dụng kỹ xảo công nghệ Motion picture-nghĩa là các con khỉ do người mô phỏng từng cử chỉ và chuyển động nhờ bộ quần áo có gắn thiết bị đặc biệt chứ không phải mặc bộ trang phục lông lá nặng nề như trước. Tập phim này và phần 2 Dawn of the planet of the Apes (2014) đều nhận được đề cử Oscar cho kỹ xảo điện ảnh.
Nâng tầm kỹ xảo
Đạo diễn Matt Reeves cho biết, so với hai phần trước ê kíp làm phim đưa vào nhiều công nghệ mới. Hơn 1.400 hình ảnh trong phim đều có sự can thiệp của hiệu ứng đặc biệt và phức tạp. Theo đó đây là phần phim có số lượng khỉ rất lớn, được đặc tả hình ảnh, tương tác hết sức chân thực trên màn ảnh.
Công ty Wetal Digital-ông hoàng trong lĩnh vực kỹ xảo- thừa nhận thách thức ban đầu khi các nhà làm phim để cho cả tá con khỉ trở thành nhân vật then chốt không những thoại đơn thuần mà còn đầy ẩn ý và hoa mỹ.
“Tạo ra những biểu cảm gương mặt và khẩu hình đồng bộ có tính thuyết phục khán giả cao không phải là điều dễ dàng. Việc này chỉ cần làm cho nhân vật chính thôi đã khó, đằng này phải chăm sóc cho hàng chục nhân vật. Vì vậy chúng tôi nâng cao biểu cảm gương mặt để khán giả có thể tin vào những gì họ nhìn thấy. Công việc của chúng tôi không chỉ cải thiện về mặt công nghệ và phải chú trọng cả khía cạnh nghệ thuật nữa”, chuyên gia giám sát kỹ xảo Dan Lemmon nói.
Bối cảnh kỳ công
Đại chiến hành tinh khỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Pierre Boulle, và là phần phim thứ chín lấy cảm hứng từ truyện này, bắt đầu từ tác phẩm chuyển thể năm 1968 của Franklin J.Schaffner. Đại chiến hành tinh khỉ tiếp nối sự kiến ở phần cuối phim Dawn of the planet the Apes (2014), Caeser (Andy Serkis) và loài khỉ buộc phải cầm vũ khí chống lại con người và nhất là thủ lĩnh đại tá tàn ác (Woody Harrelson) trong trận chiến sinh tử.
Trong phim có những cảnh quan trọng và cao trào nhất diễn ra ở nhà tù Tower Rock. Đây vốn là căn cứ quân sự được trưng dụng do Đại tá chỉ huy quân một tiểu đoàn. Đạo diễn nói rằng đây là bối cảnh phức tạp nhất bộ phim. Ê kíp thực hiện mất năm tháng để cải tạo và xây dựng nhà tù phức tạp này trong trường quay gần sông Fraser tại Richmond, ngoại ô Vancouver. Người phụ trách thiết kế sản xuất James Chinlund nói:
“Nhà tù là nơi lạnh lẽo và đơn điệu dường như chẳng có vai trò kích thích thị giác gì hết. Tuy nhiên chúng tôi muốn tạo ra một nơi trông có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi cũng cố gắng đưa ra bối cảnh để ê kíp quay phim có nhiều sáng tạo ở các góc quay hơn”. Phim quay ở các vùng trũng tại Vancouver, phía Đông Nam Canada, quận Kananaskis-khu vực thuộc tỉnh Alberta dưới chân dãy Rocky.
Cô bé Nova hiện diện như ranh giới mong manh giữa tính con người và loài khỉ trong phim |
“Khỉ” Andy Serkis
Nhân vật chính kỳ này vẫn là con khỉ Caeser do Andy Serkis thủ vai. Andy là diễn viên chuyên hóa thân thành quái thú trên màn ảnh. Năm 37 tuổi anh được biết tới với vai Gollum trong bộ ba Chúa tể của những chiếc nhẫn (2001-2003), sau đó là Kong trong King Kong của đạo diễn Peter Jackson.
Serkis cũng hóa thân thành trùm ác nhân, lãnh đạo tối cao phe Bóng tối Snoke trong bom tấn nổi tiếng mọi thời đại Star Wars. Nhưng có lẽ phải kỹ năng diễn xuất của anh ngày càng hoàn thiện hơn với vai con khỉ Caeser trong phần phim Rise of the planet of the Apes.
“Không nghi ngờ gì vai Caeser là thử thách lớn nhất kể từ khi tôi nhận lời tham gia vào hành trình phiêu lưu của nhân vật, nhất là ở khía cạnh biểu lộ cảm xúc. Nhưng không thể phủ nhận một điều là tôi rất thích vai diễn-chiếm vị trí đặc biệt trong tim tôi cho nên cũng có chút buồn khi phần ba này kết thúc”, Andy Serkis nói.
Caeser rõ ràng có sự tiến hóa không nhỏ qua ba phần, từ một con khỉ chịu tác động của vắc xin của loài người, đến thủ lĩnh dẫn đầu loài khỉ trong cuộc chiến chống lại loài người. Không kể về sự biến đổi thể xác, Andy Serkis nhận rõ sự biến đổi rõ rệt về cảm xúc ngày càng phức tạp hơn của Caeser. Nam diễn viên và biên đạo múa Terry Notary-người vào vai con khỉ Rocket- trước khi quay phim tổ chức cho cả nhóm diễn viên tham gia “hội trại khỉ”.
Theo đó các diễn viên được hòa mình trong thế giới của những con khỉ, học cách di chuyển, hành xử như giống loài này. Khóa trải nghiệm này dành cho mọi diễn viên, kể cả những người xuất hiện trong các phần trước.
Cuộc đối đầu gay cấn
Khác xa hai phần trước, Caeser trong phần Đại chiến hành tinh khỉ buộc phải từ bỏ lòng khoan dung và ý định dung hòa với loài người, bởi nỗi mất mát quá lớn khi vợ và con trai đều bị Đại tá giết hại. Mỗi bên đều có lí lẽ riêng, cuộc đối đầu không thể tránh khỏi.
Đại chiến hành tinh khỉ xây dựng cuộc đối đầu giữa loài người với vũ khí và lực lượng quân đội hùng mạnh, loài khỉ yếu thế hơn nhưng có trí thông minh vượt trội và đặc biệt là tình đồng loại, nhất là sự đoàn kết tạo nên sức mạnh không thể chối cãi. Đứng đầu hai pha là hai thủ lĩnh trái ngược nhau, phe con người do Đại tá hung hãn, hiếu chiến còn Caeser có được sự điềm tĩnh, lòng khoan dung đáng nể.
Đại chiến hành tinh khỉ ít thoại nhưng khá chất, âm hưởng bi chủ đạo nhưng có những điểm giãn nở vui vui khi một con khỉ sở thú xuất hiện. Khán giả có cảm giác “chất nhân văn” trong con khỉ Caeser rất lớn, thậm chí lấn át con người. Ở nó có đủ cung bậc của con người từ yêu thương, căm giận nhưng cũng không thiếu những giây phút đầy trắc ẩn. Phim khoa học viễn tưởng này cũng phảng phất âm hưởng chiến tranh của Apocalype now, tuy nhiên phần phim này đưa khán giả tới những khung cảnh chiến đấu bùng nổ, hoành tráng hơn và kỹ xảo mượt mà hơn.
Điều khiến nhiều người hụt hẫng là Đại tá Kurtz trong phim thiếu đi những thông tin sáng tỏ về thân thế, và tính cách. Ông ta chính là đối thủ khiến Caeser phải đánh đổi nhiều thứ quý giá, nhưng chỉ “hung hãn” qua lời kể của những chú khỉ và mặc định dán nhãn ác. Diễn viên Woody Harrelson thủ vai Đại tá này trần tình đó cũng là chủ đích của các nhà làm phim-ông ta trải qua những điều khủng khiếp nhất của chiến tranh, nhưng tình huống cực đoan đẩy ông ta tới hành động cực đoan.
Nam diễn viên Andy Serkis tiếp tục tỏa sáng trong vai Caeser |
“Những câu hỏi như ông ta là ai, đến từ đâu có thể không có lời đáp, duy có điều chắc chắn sự tàn ác của ông ta thể hiện qua một chi tiết khá đắt giá”, Woody nói. Phim gắn mác PG13 tại Bắc Mỹ, có lẽ vì thế nên sự giết chóc trực tiếp và ghê rợn được tiết chế nhiều.
Dù không phải không có những điều đáng tiếc, những đoạn hơi lê thê và tiết tấu hơi chậm, sự ôm đồm nhất định khi muốn tổng kết những thông điệp gửi gắm, tuy nhiên Đại chiến hành tinh khỉ xứng đáng là cái kết đẹp và hoàn hảo cho bộ ba tập phim này...