Từ Đồng Bàu Bèo, Truông Bồng Bông… đến Thành phố mới
Theo KLĐT 39/KLĐT-CSKT(P10) và KLĐT bổ sung 54/KLĐT-CSKT(P10) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CA), tài sản Nhà nước bị thất thoát lãng phí trong vụ án này là một phần giá trị hai khu đất (43 và 145 ha) nằm cạnh nhau tại trung tâm Thành phố mới.
Cả hai khu đất trên được TCty 3/2 giao nhận đất với Bình Dương theo cơ chế “không giống ai”. Với khu đất 43 ha, sau đó ông Nguyễn Văn Minh (TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT TCty 3/2) đã chỉ đạo chuyển nhượng dự án trên đất cho Cty tư nhân. Với dự án trên khu đất 145 ha, ông Minh đã chỉ đạo đưa vào góp vốn tại DN khác mà không định giá, không đưa vào xác định giá trị DN khi cổ phần hóa.
Với nhóm cán bộ địa phương, lẽ ra khi ra quyết định bàn giao đất cho TCty 3/2 vào năm 2012, phải lấy giá đất thời điểm ra quyết định để tính tiền sử dụng đất, nhưng lại sử dụng giá đất của 2006, là thời điểm TCty nhận mốc ranh.
Vụ án trên đã không xảy ra, nếu như 6 năm sau ngày tách tỉnh Sông Bé, khi Bình Dương còn “chưa tên tuổi gì” trong lĩnh vực đô thị - công nghiệp, trung tâm tỉnh chỉ là dăm con đường nhỏ hẹp nhà cửa xác xơ; và 2003, Bình Dương quyết định “xé rào”, thực hiện Khu Liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (KLH).
Diện tích KLH hiện nay nằm trong khu vực Thành phố mới, diện tích nhiều ngàn ha, giờ đây khang trang lộng lẫy, đường sá thênh thang, giá đất tăng vọt; nhưng vào những năm 2000 chỉ là những cái tên Đồng Bàu Bèo, Truông Bồng Bông… đất nông nghiệp khô cằn “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Trụ sở các cơ quan hành chính Bình Dương. |
Vấn đề nằm ở chỗ với khát vọng phát triển, Bình Dương đã “xé rào”. Theo KLTT 2623/KL-KLTT ngày 26/11/2008 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), thì đề án KLH chỉ mới được lãnh đạo Chính phủ “chấp thuận về chủ trương” tại Văn bản 295/CB-CN ngày 19/3/2003. Thế nhưng ngay sau đó Bình Dương đã triển khai đền bù giải tỏa. Ngày 10/10/2004, Phó Thủ tướng Thường trực (sau này là Thủ tướng) Nguyễn Tấn Dũng có kết luận về dự án KLH, đồng ý ủy quyền cho Bình Dương thực hiện một số việc thẩm quyền của Thủ tướng, đồng ý cho Bình Dương giao đất làm khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch, ủy quyền cho Chủ tịch UBND Bình Dương thành lập các KCN trong KLH… Và mãi tới ngày 1/9/2005, đề án tổng thể đầu tư và phát triển KLH được Thủ tướng chính thức phê duyệt theo Quyết định 912/QĐ-TTg.
KLTT 2623 khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện dự án KLH, “UBND tỉnh, các cơ quan liên quan tỉnh Bình Dương đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý, dẫn đến một số vi phạm”. Một trong những sai sót đó là Bình Dương giao đất cho một số “nhà đầu tư” như TCty 3/2 sau khi ký hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” và chưa có quyết định giao đất nhưng đã bàn giao đất trên thực địa. Rồi TCty 3/2 dùng hơn 145 ha đất tại đây để góp vốn lập dự án Tân Thành.
Tuy nhiên, nhìn nhận sự việc ở khía cạnh tích cực, TTCP lại đánh giá “việc hình thành phát triển KLH là cần thiết, đúng đắn, tạo nguồn lực phát triển KTXH của Bình Dương nói riêng, góp phần vào phát triển KTXH vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và cả nước nói chung. Mặc dù mô hình quản lý KLH còn mới, chưa có tiền lệ, nhưng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực cố gắng của UBND tỉnh và các sở, ban ngành, DN có liên quan, dự án đã được triển khai tích cực và đã đạt được một số kết quả”.
Ngày 9/1/2009, Văn phòng Chính phủ ra Văn bản 213/VPCP-KNTN, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về KLTT2623: “Yêu cầu UBND Bình Dương căn cứ KLTT, khẩn trương thực hiện xử lý triệt để về kinh tế; chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, tài chính và đầu tư xây dựng tại địa phương; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật với tập thể, cá nhân có sai phạm; đồng thời xử lý việc các nhà đầu tư chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi chưa đủ điều kiện theo quy định, chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đã góp vốn kinh doanh bằng QSDĐ…”.
Thực tế cho thấy, sau khi có KLTT trên, dự án KLH, trong đó có TCty 3/2 được đánh giá là “nhà đầu tư” tham gia, vẫn tiếp tục thực hiện, thương vụ góp 145 ha đất vào dự án Tân Thành vẫn triển khai.
Những năm 2000, nơi đây chỉ là những cánh đồng khô cằn Đồng Bàu Bèo, Truông Bồng Bông… |
Hệ lụy của “xé rào”
Với TCty 3/2, ngày 8/6/2004, ngay sau khi Bình Dương “xé rào” để thực hiện KLH, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho DN này nhận đất. Ngày 24/11/2004, TCty 3/2 ký hợp đồng “đền bù đất đai” với Ban Quản lý KLH (BQL). TCty 3/2 phải tự bỏ kinh phí hoàn trả tiền đền bù cho BQL để được nhận đất. Ngày 7/4/2005, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương giao đất cho TCty 3/2. Ngày 1/6/2006, BQL và TCty 3/2 bàn giao mốc ranh.
Sáu tháng sau đó, trong thông báo Kết luận cuộc họp của UBND tỉnh số 294/TB.UB ngày 26/12/2006, xác định với diện tích đất này, “tiền bồi thường đất đai đã được TCty 3/2 nộp đủ theo hợp đồng đã ký với BQL KLH”. Nhưng “do còn một vài vướng mắc trong hồ sơ, UBND tỉnh chấp thuận cho TCty 3/2 tạm nộp nghĩa vụ tài chính của diện tích đất”. Đó chính là lý do dẫn đến việc dù đã được giao nhận, quản lý, sử dụng khu đất từ 2006, nhưng đến 2012 khu đất mới được tỉnh ra Quyết định giao đất cho TCty 3/2.
Hệ lụy rắc rối từ việc “xé rào” thực hiện KLH mãi sau này cơ quan thẩm quyền Bình Dương mới “ngấm”. Mãi tới 2008, khi KLH bị thanh tra, Bình Dương mới “khó xử” với chuyện “thời điểm xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất”. Ngày 19/9/2008, UBND tỉnh có Văn bản 2710/UBND-SX gửi Bộ Tài chính xin ý kiến với các dự án KCN, khu dân cư quy mô diện tích lớn, thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài nhiều năm, có nhiều đợt giao đất theo tiến độ thu hồi đất.
Bình Dương nêu ý kiến nếu áp dụng giá đất theo từng quyết định giao đất, thì trên cùng một dự án có nhiều mức giá khác nhau; sẽ dẫn đến một số khó khăn. Thứ nhất, chủ đầu tư (CĐT) không thể lập kế hoạch sản xuất kinh doanh làm cơ sở vay vốn. Thứ hai, với CĐT đã chuyển tiền bồi thường GPMB, thì CĐT sẽ khiếu nại vì lỗi không đến từ CĐT. Bình Dương hỏi “trường hợp này có thể áp dụng giá đất thống nhất cho cả dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào thời điểm CĐT chuyển đủ tiền bồi thường GPMB hay không?”.
Câu hỏi thứ hai, Bình Dương đề nghị giải thích rõ hơn khái niệm “thời điểm bàn giao đất thực tế” tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Bình Dương cho rằng theo cơ quan TN&MT thì thời điểm này được tiến hành sau khi có quyết định giao đất. Nhưng theo khiếu nại của các CĐT thì thời gian giao đất thực tế là thời điểm người dân trong vùng quy hoạch đã nhận đủ tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho CĐT với sự xác nhận của chính quyền cấp xã.
Gần nửa năm sau đó, UBND Bình Dương tiếp tục có Văn bản 416/UBND-SX ngày 26/2/2009 gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, TN&MT, xin ý kiến chỉ đạo vấn đề “thời điểm xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất”. Bình Dương đề nghị với các dự án đầu tư quy mô diện tích đất lớn như KCN, khu dân cư, khu đô thị… “đề nghị cho phép áp dụng giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất tại thời điểm cơ quan thẩm quyền phê duyệt phương án tổng thể bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Vì nhà đầu tư cần biết trước các chi phí nghĩa vụ tài chính về đất để đánh giá hiệu quả, trên cơ sở đó quyết định đầu tư hay không”.
Sau khi “xé rào” thực hiện KLH, Bình Dương nhiều lần có văn bản hỏi Chính phủ và bộ, ngành về vấn đề giá đất. |
Hồi đáp văn bản này, Bộ TN&MT có Văn bản 851/BTNMT-TCQLĐĐ, trả lời “về thời điểm xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất”, “quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 84/2007/NĐ-CP”. Và hơn 2 tháng sau khi Bình Dương có văn bản, ngày 4/5/2009, Bộ Tài chính mới có Văn bản 6276/BTC-QLCS trả lời cũng với nội dung “quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 84/2007/NĐ-CP”.
Sau khi các Bộ có văn bản trả lời này, một số cán bộ Bình Dương khi ra quyết định bàn giao đất cho TCty 3/2 vào năm 2012, đã sử dụng giá đất của năm 2006 để tính tiền sử dụng đất.
Nỗi tiếc nuối giá như ngày ấy Bình Dương xin cơ chế riêng
Một điều bất ngờ khác, là việc xác định tư cách của TCty 3/2 trong việc được giao nhận đất tại KLH. Ở giai đoạn ban đầu, trong một số văn bản, DN này (thuộc sở hữu của Đảng) được xác định là “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư”. Năm 2011, Bình Dương có văn bản cho biết địa phương vẫn đang “chờ các Bộ, ngành của TW nghiên cứu cơ chế chính sách, quy định cụ thể với hoạt động của DN thuộc sở hữu của Đảng” (Văn bản 343/UBND-KTTH ngày 22/2/2011 của UBND tỉnh).
VPCP truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ với một số KLTT tại Bình Dương. |
Ngày 6/5/2014, Sở Tài chính có Công văn 743/STC-TCDN đề nghị hướng dẫn quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động với DN thuộc sở hữu của Đảng. Ngày 29/5/2014, Bộ Tài chính có Văn bản 7057/BTC-TCDN có ý kiến: “Những vấn đề liên quan công tác quản lý, giám sát với DN thuộc sở hữu của Tỉnh ủy Bình Dương thì do Tỉnh ủy Bình Dương quyết định. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Bình Dương có thể vận dụng những quy định về cơ chế, chính sách quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động với DN do Đảng làm chủ sở hữu”.
Cũng theo Bộ Tài chính: “Việc Tỉnh ủy Bình Dương giao cơ quan chức năng UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý, giám sát với DN của Tỉnh ủy thuộc thẩm quyền Tỉnh ủy và UBND Bình Dương quyết định”.
Những vấn đề trên cho thấy sau khi nhận thức được nguy cơ hệ lụy “xé rào” với KLH, trong sự việc liên quan KLH, TCty 3/2… Bình Dương đều đã chủ động xin ý kiến; nhưng trả lời của cơ quan chức năng có lúc còn chung chung, chưa thực sự cụ thể.
Bất ngờ hơn nữa, năm 2014, TTCP tiếp tục thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý sử dụng đất trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2006-2011. Trong KLTT 1249/KL-TTCP ngày 30/5/2014, kết luận “công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lý sử dụng đất tại Bình Dương bộc lộ một số yếu kém và vi phạm”. Thế nhưng, KLTT cũng nêu rõ: “Trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, UBND Bình Dương đã vận dụng quy định của pháp luật và tùy theo tình hình thực tế tại địa phương ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách về đất đai có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc cải cách thủ tục hành chính, giải quyết được tình trạng tồn đọng hồ sơ, rút ngắn quá trình giao, cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất; góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển KTXH địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước”.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét: “Vì sao sự việc vi phạm tại TCty 3/2 kéo dài nhiều năm mà mãi sau này mới bị xử lý? Tôi cho rằng về phía TCty 3/2, ban đầu được đánh giá “chủ đầu tư”, “nhà đầu tư”, tự xoay xở tiền để trả cho tỉnh Bình Dương rồi nhận đất, mà có lúc nhầm tưởng áp dụng sai pháp luật, quyết định sai lầm với tài sản đó? Về phía cán bộ tỉnh, sau khi “xé rào” nhưng được “châm chước”, có lúc lại được đánh giá “vận dụng quy định pháp luật và tùy theo tình hình thực tế tại địa phương ban hành và thực hiện một số cơ chế, chính sách về đất đai có hiệu quả”; rồi lại bị các “nhà đầu tư” đã nhận đất gây áp lực; rồi cơ quan thẩm quyền không hướng dẫn rõ ràng, nên lúng túng. Điều này dẫn đến việc Bình Dương vừa không hướng dẫn được các DN mình quản lý như TCty 3/2 đi đúng đường, mà bản thân cán bộ chức năng Bình Dương cũng tính giá đất sai”.
Vẫn theo LS trên: “Vi phạm của các đối tượng trong đại án TCty 3/2 đã diễn ra, nhưng cũng không thể phủ nhận hết hiệu quả của KLH. Tôi chỉ tiếc rằng giá như ngày đó Bình Dương xin Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ thực hiện cơ chế đặc thù để thực hiện dự án KLH, được áp dụng một số cơ chế chính sách riêng thì đã không có vụ án đáng tiếc ngày hôm nay”.