Theo ghi nhận, tại thôn Quan Nam 2, nước ngập đến đầu gối, không di chuyển bằng xe máy được buộc người dân phải lội nước cuốc bộ.
Tại thôn Trung Sơn, có khoảng 100 hộ dân đã bị chia cắt vì ngập nước nặng do mưa lớn, thậm chí có nơi ngập đến 1,5 mét. Từ hôm qua, người dân đã kê đồ đạc, tài sản lên cao để tránh hư hỏng.
Tình cảnh ngập sâu thế này mỗi khi có mưa lớn đã kéo dài nhiều năm qua, bởi nơi đây là khu dân cư nằm trong dự án treo, địa hình thấp trũng, đến hiện tại vẫn chưa được chính quyền bố trí đất tái định cư. Một người dân chia sẻ thêm: “Hôm qua nước đã ngập sâu, chúng tôi phải sơ tán đồ đạc lên cao, các cháu nhỏ thì phải đưa đi gửi nhà bà con. Cứ mùa mưa như thế này cuộc sống chúng tôi bị đảo lộn”.
Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho ha,y sáng nay, chính quyền quận cùng với lãnh đạo xã Hòa Liên đã đi kiểm tra thực tế tại các khu vực bị ngập úng ở xã Hòa Liên và sẽ di dời đối với các hộ bị ngập nặng đến nơi an toàn.
Tại thôn Trung Sơn (huyện Hoà Vang) có nơi nước ngập sâu đến 1,5m. |
Người dân đã kê đồ đạc, tài sản lên cao để tránh hư hỏng. |
Sáng 8/10, UBND TP Đà Nẵng đã ra công điện về công tác phòng, chống mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT chỉ đạo, tổ chức chốt chặn ở những vị trí ngập sâu trên các tuyến đường lớn, tổ chức sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đổ trên quốc lộ 1A đảm bảo an toàn và an ninh; tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán đi và đến.
Đồng thời, UBND TP Đà Nẵng cũng giao các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Các sở ngành, địa phương phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.