Từ tranh chấp dân sự
Trước đó, bà Hoa khởi kiện “Tranh chấp hợp đồng dân sự” đối với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, trú tại 27K Thi Sách, phường 6, Đà Lạt số tiền 1.078.900.000 đồng được TAND TP.Đà Lạt thụ lý. Ngày 2/8/2013, bà Hoa có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) phong tỏa tài sản, cấm chuyển dịch, mua bán, cầm cố, thế chấp đối với nhà đất số 27K Thi Sách, phường 6, Đà Lạt của vợ chồng bà Trúc để đảm bảo việc thi hành án (THA) sau này.
Ngày 5/8/2013, Thẩm phán Huỳnh Châu Thạch ra Quyết định số 25 “Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm” yêu cầu bà Hoa nộp 50.000.000 đồng vào Vietcombank Chi nhánh Đà Lạt và bà Hoa chấp hành. Cùng ngày, Thẩm phán Thạch ra Quyết định “Phong tỏa một phần tài sản của người có nghĩa vụ” theo Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với một phần căn nhà và quyền sử dụng đất (giá trị tài sản còn lại sau khi đã bảo đảm tài sản thế chấp cho BIDV Chi nhánh Lâm Đồng – Phòng giao dịch Đà Lạt theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 78/2013/HĐTC ngày 26/6/2013 và Hợp đồng tín dụng số 78/2013/HĐTD ngày 26/6/2013) thửa số 280, tờ bản đồ số 19 (C69-IV-A-b) tọa lạc tại 27K, đường Thi Sách, phường 6, TP.Đà Lạt (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BE 956790 do Ủy ban nhân dân TP. Đà Lạt cấp ngày 21/10/2011)”, nhưng lại không tuyên nghĩa vụ cụ thể là để đảm bảo THA cho bà Hoa.
Sau đó, Thẩm phán Thạch ra Văn bản số 398 ngày 20/8/2013 gửi BIDV Chi nhánh Lâm Đồng có nội dung: “Tòa án chỉ phong tỏa phần giá trị còn lại sau khi ngân hàng bán phát mãi căn nhà và quyền sử dụng đất nói trên để thu hồi nợ trong trường hợp vợ chồng ông Quang, bà Trúc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, trong trường hợp Ngân hàng và vợ chồng ông Quang, bà Trúc thỏa thuận đưa tài sản thế chấp ra bán đấu giá công khai tại Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng thì sau khi trừ số tiền nợ của Ngân hàng và chi phí đấu giá theo quy định của pháp luật, đề nghị Ngân hàng phối hợp với Chi cục THADS TP.Đà Lạt tạm giữ phần tiền còn thừa để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ THA của bà Trúc sau này (số tiền này đề nghị nộp cho Chi cục THADS TP. Đà Lạt”(?!).
Ngày 29/8/2013, BIDV, vợ chồng bà Trúc và Trung tâm bán đấu giá đưa tài sản nhà đất trên ra bán với giá 805.000.000 đồng. Sau khi trừ các khoản phí, nợ Ngân hàng, họ nộp lại cho Chi cục THADS TP.Đà Lạt 265.014.000 đồng.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là 15 ngày sau, ngày 11/09/2013, Thẩm phán Thạch lại ra Quyết định số 85 “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”, vợ chồng ông Quang, bà Trúc thỏa thuận trả cho bà Hoa 1.087.900.000 đồng; đồng thời “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời số 25/2013/QĐ-BPKCTT ngày 05/8/2013 của TAND TP.Đà Lạt đối với một phần căn nhà và đất thuộc thửa số 280, tờ bản đồ số 19 (C69-IV-A-b) tọa lạc tại 27K, đường Thi Sách, phường 6, TP.Đà Lạt (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BE 956790 do UBND TP.Đà Lạt cấp ngày 21/10/2011)”(!?).
Đến khi bà Hoa yêu cầu THA mới té ngửa vì được Chi cục THADS TP.Đà Lạt cho biết do Quyết định áp dụng BPKCTT số 25 ngày 05/8/2013 và Quyết định số 85 ngày 11/09/2013 của TAND TP. Đà Lạt không tuyên cụ thể nghĩa vụ áp dụng BPKCTT để đảm bảo THA cho bà Hoa, nên theo luật định, cơ quan THA phải đem chia đều cho các quyết định THA có yêu cầu mà không thể ưu tiên cho bà Hoa, nên bà Hoa chỉ nhận được số tiền như các “khổ chủ” khác là 43.618.487 đồng!
Cơ quan chức năng nói gì?
Bà Hoa làm đơn tố cáo việc Thẩm phán Thạch ban hành Văn bản số 398 ngày 20/8/2013 cho phép BIDV và vợ chồng bà Trúc được bán tài sản đang bị Tòa án ra quyết định phong tỏa là cố ý làm trái điểm b Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS). Bởi bà Hoa không có đơn đề nghị hủy bỏ, người phải thi hành Quyết định áp dụng BPKCTT là vợ chồng bà Trúc, ông Quang không nộp tài sản hoặc chưa có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên yêu cầu.
Đặc biệt, Luật quy định khi hủy bỏ Quyết định áp dụng BPKCTT thì phải ban hành Quyết định, nhưng Thẩm phán Thạch đã “lách luật” bằng cách ra công văn. Mặt khác, bà Hoa cho rằng Thẩm phán Thạch đã cố ý làm trái Khoản 2 Điều 112 Bộ luật TTDS khi không đồng thời cho bà Hoa được nhận lại số tiền 50.000.000 đồng bảo đảm đã nộp tại Ngân hàng ngay khi hủy bỏ Quyết định áp dụng BPKCTT nói trên.
Trước khiếu nại của bà Hoa, ngày 7/4/2014, TAND TP.Đà Lạt ra Văn bản số 05 trả lời: “Nội dung đơn khiếu nại và đơn tố cáo của bà không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.Đà Lạt” và ngày 30/6/2014, TAND TP.Đà Lạt ra Văn bản số 02 cho rằng: “Toàn bộ nội dung đơn tố cáo trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND TP.Đà Lạt mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND tỉnh Lâm Đồng”.
Ngày 27/6/2014, TAND tỉnh Lâm Đồng ra Văn bản số 187 trả lời bà Hoa: “Tuy đơn ghi tiêu đề “Đơn tố cáo” nhưng nội dung là khiếu nại Quyết định áp dụng BPKCTT của TAND TP.Đà Lạt không ghi cụm từ “để đảm bảo thi hành án cho bà Trần Thị Hoa” nên thuộc trường hợp khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự” nhưng lại không giải quyết việc bà Hoa tố cáo Thẩm phán Thạch cố ý làm trái là đúng hay sai.
Được biết, hiện bà Hoa đang tiếp tục gửi đơn đến TANDTC và VKSNDTC về sự việc nói trên. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức trách Trung ương cần vào cuộc làm sáng tỏ.
PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc./.