Tại một số khu vực, đặc biệt là thành phố Durban, tình trạng đập phá, cướp bóc và căng thẳng chủng tộc vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, tại thành phố Johannesburg - trung tâm thương mại của Nam Phi - người dân đang bắt đầu dọn dẹp “chiến trường” và đánh giá thiệt hại sau những cuộc bạo động.
Người dân và tình nguyện viên Nam Phi dọn dẹp "chiến trường" sau bạo loạn (Ảnh: Reuters) |
Việc cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma bị bỏ tù vào tuần trước cùng với tình trạng khó khăn và sự bất bình đẳng kéo dài đã dẫn đến bạo loạn và nhanh chóng trở thành nạn cướp bóc, tàn phá, hôi của,... Quân đội đã huy động tất cả lực lượng dự bị để kiềm chế tình trạng bất ổn.
Quyền Bộ trưởng phụ trách văn phòng Tổng thống Cyril Ramaphosa, ông Khumbudzo Ntshavheni, cho biết, lực lượng quân đội đã tăng gấp đôi, lên đến 10.000 người. Ông cũng cho biết đã có tổng cộng 117 người thiệt mạng, chủ yếu là ở KwaZulu-Natal, quê nhà của cựu Tổng thống Zuma. Tổng cộng có 2.203 vụ bắt giữ đã được thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor cũng đã bày tỏ "lo lắng về bản chất của tình trạng bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến”. Bà cũng cho hay, nền kinh tế Nam Phi đang trong quá trình hồi phục sau những tổn hại nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra và tình trạng bạo động hiện tại sẽ làm nền kinh tế tiếp tục suy sụp.
Tình trạng căng thẳng chủng tộc cũng tiếp tục leo thang, khi có nhiều xung đột diễn ra giữa chính quyền địa phương với những người dân Nam Phi gốc Ấn tại khu phố Phoenix, thành phố Durban. Bên cạnh đó, tình trạng đói nghèo tại Nam Phi cũng ngày càng nghiêm trọng hơn và tình hình càng trở nên tuyệt vọng hơn khi hàng trăm cửa hàng quần áo, thực phẩm và nhu yếu phẩm, trạm xăng dầu trung tâm thương mại và cả các cây ATM đều bị phá hủy, cướp bóc hoặc buộc phải đóng cửa. Một nửa dân số Nam Phi ở dưới mức nghèo mà chính phủ ban hành, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức cao kỷ lục - 32,6% trong ba tháng đầu năm 2021. Đói nghèo và tuyệt vọng đã thúc đẩy nhiều người tham gia vào cuộc bạo loạn.
Tình trạng bất ổn tại Nam Phi cũng khiến các bệnh viện phải vật lộn để đối phó với đợt bùng dịch COVID-19 thứ ba tại đất nước này. Các bệnh viện đều bị thiếu hụt oxy và và thuốc - vốn được nhập khẩu qua thành phố Durban. Một số trung tâm tiêm chủng đã buộc phải đóng cửa.