Trước đó, tình trạng biểu tình và bạo động tại Nam Phi đã khiến hơn 70 người chết, hàng trăm doanh nghiệp và cửa hàng bị phá hủy và một nhà máy lọc dầu phải đóng cửa.
Việc cựu tổng thống Jacob Zuma bị giam vì không xuất hiện trong cuộc điều tra về tham nhũng vào tuần trước đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của một nhóm dân cư Nam Phi, dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo động, cướp bóc, hôi của. Người dân cũng bùng phát sự tức giận về tình trạng khó khăn và bất bình đẳng kéo dài 27 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc.
Ở một số thành phố, các trung tâm mua sắm và nhà kho đã bị lục lọi hoặc bị đốt cháy, chủ yếu là tại nhà của cựu tổng thống Zuma ở tỉnh KwaZulu-Natal đến thành phố Johannesburg và xung quanh khu vực Gauteng. Sau một đêm, tình trạng bạo lực và cướp bóc đã lan sang hai tỉnh khác - Mpumalanga, ngay phía đông Gauteng và Northern Cape, cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
Khung cảnh tan hoang của một trung tâm thương mại tại Durban, Nam Phi sau khi bị đập phá, cướp bóc (Ảnh: REUTERS). |
SAPREF - Nhà máy lọc dầu lớn nhất Nam Phi đóng ở Durban cũng đã thông báo tạm thời ngừng hoạt động do tình hình bất ổn diễn ra trong nước.
Đại diện Liên hợp quốc bày tỏ sự quan ngại về việc biểu tình và bạo lực đang làm ảnh hưởng đến quá trình chống dịch cũng như gây ra tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm khác, làm trầm trọng thêm những vấn đề về kinh tế xã hội của đất nước.
Binh sĩ quân đội Nam Phi đã xuống đường để hỗ trợ lực lượng cảnh sát quốc gia kiểm soát tình trạng bạo lực này. Bên cạnh đó, chính phủ Nam Phi cũng tuyên bố sẽ có hình thức trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ cướp bóc, phá hoại tài sản.