Chủ mưu lừa đảo bị đề nghị án chung thân
Ngày 9/10, phiên tòa xét xử cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Mở đầu phần này, đại diện VKSND phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Theo đó, việc huy động tiền của khách hàng trong Dự án B5 Cầu Diễn rồi dùng một phần để đầu tư vào các dự án khác là trái luật. Bởi theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án chỉ được sử dụng tiền huy động vốn của khách hàng vào việc thực hiện dự án. Ngoài việc sử dụng số tiền huy động của khách hàng vào đầu tư, bà Nga còn sử dụng hơn 157 tỷ đồng vào mục đích cá nhân khác mà không có hóa đơn, chứng từ nên phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Trong vụ án này, bị cáo Nga được xác định là chủ mưu, được hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng. Các bị cáo còn lại, theo nhận định của VKSND, là đồng phạm giúp sức bị cáo Nga thực hiện hành vi lừa đảo theo quy kết. Hành vi nêu trên của các bị cáo đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vậy, đại diện VKSND giữ nguyên cáo trạng truy tố đối với các bị cáo trong vụ án này.
Cụ thể, Châu Thị Thu Nga bị đề nghị án chung thân. 5 cựu Phó Tổng Giám đốc của Công ty Housing Group là Nguyễn Trường Sơn, Lê Hồng Cương, Nguyễn Vũ Hùng, Đinh Phúc Tiếu và Phan Thanh Tuyên bị đề nghị mức án thấp nhất từ 30 tháng đến 36 tháng tù, cao nhất là 7-8 năm tù; 2 cựu Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Housing là Nguyễn Thị Tình (57 tuổi) và Lưu Thị Thúy (34 tuổi) lần lượt bị đề nghị ở mức án 8-9 năm tù và 4-5 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga, các luật sư của cựu ĐBQH cho rằng, những hợp đồng, thỏa thuận mà phía Công ty Housing Group ký với khách hàng đều mang tính chất dân sự, nhưng CQĐT đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Sau đó, các luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra, xác minh làm rõ các quan hệ pháp luật để vụ án được khách quan, công tâm. Đây cũng là mong muốn của cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga. Theo lời nữ bị cáo này, bản thân bà không lừa đảo, bà Nga cảm thấy thực sự oan ức. Bà Nga khẳng định Dự án B5 Cầu Diễn là có thật, đồng thời đề nghị HĐXX trả hồ sơ để xem xét các bị cáo ở đây có giúp sức bà lừa đảo hay không…
Bị cáo cũng là bị hại!
Đến phần bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Cương, Luật sư Phan Thị Lam Hồng cho rằng, không đủ căn cứ buộc bị cáo Cương phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm. “Thứ nhất, ông Cương không biết và không được Châu Thị Thu Nga bàn bạc, trao đổi và thống nhất về hành vi phạm tội. Ông Cương cũng không hề biết các nội dung mà cựu ĐBQH này đã cam kết với khách hàng. Hoàn toàn không có sự bàn bạc, thống nhất giữa ông Cương và bà Nga” - Luật sư Hồng nói. CQĐT đã xác minh làm rõ việc ông Cương chỉ là người làm thuê hưởng lương, không được bà Nga chia hưởng lợi số tiền đã chiếm đoạt.
Tiếp lời, Luật sư Hồng khẳng định quá trình điều tra, truy tố Cơ quan CSĐT và VKS kết luận hành vi của ông Cương phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò giúp sức cho Châu Thị Thu Nga là hoàn toàn không có căn cứ, thiếu khách quan. Bởi việc bị cáo này ký Biên bản nghiệm thu và bàn giao sản phẩm mô hình dự án B5 Cầu Diễn từ Công ty CP mô hình và kiến trúc 4D Việt Nam là nhân danh Công ty ký Biên bản nghiệm thu chứ không phải cá nhân ông Cương. Về mặt pháp lý thì pháp luật không cấm các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư không được thiết kế các mô hình của dự án doanh nghiệp có kế hoạch hoặc đang thực hiện đầu tư.
“Cuối tháng 11/2010, mô hình này được bà Nga chỉ đạo nhân viên mang về trưng bày ở trụ sở. Sau đó 1 tháng 2 ngày, bị cáo Nga chỉ đạo Cương ký nghiệm thu mô hình. Đây hoàn toàn là thủ tục hành chính, sao lại hình sự hóa thủ tục hành chính? Ngoài ra, một số lời khai của bị hại liên quan tới việc lập mô hình còn thiếu chính xác nhưng CQĐT chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại để quy kết là chưa thuyết phục, cần điều tra làm rõ” - Luật sư Hồng phân tích.
Trong quá trình điều tra, không có bất cứ một bút lục nào thể hiện bị cáo Cương chỉ đạo người khác thi công khoan cọc nhồi, chỉ đạo như thế nào… hay bị cáo chỉ là người làm theo mệnh lệnh của Châu Thị Thu Nga ký kết hợp đồng thi công cọc khoan nhồi với Công ty CP Licogi 12, nhưng lại vội quy kết bị cáo có hành vi tổ chức, chỉ đạo thi công cọc khoan nhồi theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký. Do đó, luật sư Hồng yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung những điều chưa thể và không thể làm rõ tại tòa.
Đến lượt mình nêu ý kiến, bị cáo Cương cho biết bản thân sinh ra trong gia đình gia giáo, từng trải qua quân ngũ luôn tuân thủ pháp luật, không có động cơ cũng như mục đích đồng phạm với bà Nga phạm tội. Sau đó, bị cáo Cương khẳng định việc khách hàng nói là nhìn thấy cọc khoan nhồi là hoàn toàn nhầm lẫn vì phương pháp thi công cọc khoan nhồi khác với phương pháp ép cọc. Khoan cọc nhồi xong thì cọc khoan nhồi chìm sâu dưới mặt đất đến 2m, khách hàng không thể nhìn thấy.
Cũng theo lời bị cáo Cương, trong vụ án này Cương chỉ là nạn nhân khi làm việc cho Housing Group mà không được nhận lương, chỉ được tạm ứng, đi làm xa, vất vả, nhưng bị cáo vẫn phải cố vì miếng cơm manh áo. Tương tự, trong phiên làm việc hôm nay, hầu hết bị cáo đều nói mình chỉ là người làm công ăn lương, không có sự bàn bạc, giúp sức cho bà Nga chiếm đoạt tiền. Họ kính mong HĐXX xem xét cho mình./.