Ngày 21/2/2012, tức chỉ ba ngày trước phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện hành chính giữa nguyên đơn là Công ty TNHH xi măng Xuân Mai kiện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hoà Bình (KHĐT) đã có văn bản "hướng dẫn" các bên đương sự căn cứ vào kết quả xử án để giải quyết vụ tranh chấp tên doanh nghiệp. Trong khi đó, tại diễn biến phiên toà, dù thẩm phán chưa tuyên nhưng ai cũng có thể lờ mờ biết được phán quyết sẽ nghiêng về Cty Xuân Mai…
Thẩm phán chủ tọa phiên xử kiện Cục SHTT bị nghi ngờ về tính công tâm |
Trước đó, ngày 10/2/2012, Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh đã có công văn gửi Sở KHĐT đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên Xi măng Trung Sơn (thuộc sở hữu của Cty Bình Minh).
Tuy nhiên, đề nghị này ngay lập tức không được đáp ứng. Từ phía Sở KHĐT, trong công văn 176 (ngày 21/2/2012) của mình, Phó giám đốc Đinh Văn Vượng cho biết phải chờ kết quả phiên toà xử vụ tranh chấp thương hiệu mới tính đến chuyện đổi tên doanh nghiệp!.
Tại phần “giải thích” của mình, Sở KHĐT cho rằng, ngày 26/1/2011, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc sở này giải quyết cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lần thứ 9 của Công ty TNHH Xuân Mai (trong đó có nội dung đổi tên doanh nghiệp, tên thay đổi: Công ty TNHH Xi măng Trung Sơn). Công văn do Phó giám đốc Sở KHĐT Đinh Văn Vượng ký, khẳng định, “việc thay đổi tên doanh nghiệp là phù hợp với Luật Doanh nghiệp”. Theo đó, sự “phù hợp” như nhận định của Sở KHĐT Hoà Bình, là dựa vào một trong những căn cứ là văn bản số 300 (ngày 19/1/2012) của Bộ KHĐT gửi Công ty Xi măng Xuân Mai trước đó.
Trong khi đó, theo đại diện của Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh, Sở KHĐT tỉnh Hoà Bình đã cố ý làm sai Nghị định số 43 về đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ. Công ty này cho rằng, công văn số 300 của Bộ KHĐT gửi Công ty TNHH xi măng Xuân Mai (về hướng dẫn đăng ký đổi tên doanh nghiệp) ngày 19/1 là công văn hướng dẫn doanh nghiệp này đăng ký đổi tên theo Nghị định 43, trong đó có đề cập đến việc xử lý trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp.
Văn bản số 300 của Bộ KHĐT là “văn bản chỉ đạo làm cho đúng Luật Doanh nghiệp chứ không phải văn bản chấp nhận việc đổi tên doanh nghiệp” như các hiểu cuả Sở KHĐT Hoà Bình - đại diện Cty Bình Minh đặt cho biết. Cũng theo vị này, ngoài việc Sở KHĐT Hoà Bình cố ý làm sai Nghị định 43 về đăng ký doanh nghiệp, thì cũng phải xem xét trách nhiệm đối với sự không trung thực của Cty Xuân Mai khi cung cấp các thông tin sai lệch cho Sở KHĐT nhằm mục đích đổi được tên doanh nghiệp thành Cty Trung Sơn.
Cụ thể, Cty Xuân Mai không xin phép và không được UBND xã Trung Sơn và tỉnh Hoà Bình cho phép sử dụng tên “Trung Sơn” làm nhãn hiệu hoặc tên công ty. Trong khi đó, quyết định của Cục SHTT đã hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong giấy chứng nhận nhãn hiệu được cấp trước đó.
Trở lại sự việc, sau khi bị Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) ra quyết định huỷ từ “Trung Sơn” trong đăng ký nhãn hiệu của Công ty TNHH Xi măng Xuân Mai, thì ngay sau đó, doanh nghiệp này được sự “hỗ trợ” đắc lực của Phòng đăng ký kinh doanh Hoà Bình đổi tên Công ty TNHH Xi măng Xuân Mai thành Công ty TNHH Xi măng Trung Sơn.
Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh về một vụ “cướp” thương hiệu, bằng động thái “chữa cháy”, Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh này đã có văn bản rút lại tên “Công ty TNHH xi măng Trung Sơn” cấp đổi cho Công ty TNHH Xuân Mai trước đó. Thế nhưng, trong công văn trả lời Cty Bình Minh ngày 21/2, lãnh đạo Sở KHĐT tỉnh Hoà Bình vẫn khẳng định việc đổi tên từ “Xuân Mai” sang “Trung Sơn” là … phù hợp.
Có thể nói, cách trả lời của Sở KHĐT Hoà Bình tại công văn 176 được hiểu là “tiếp tay” cho Công ty Xuân Mai hiển nhiên sử dụng từ “Trung Sơn” trên thực tế. Theo chuyên gia pháp lý, với văn bản này, Sở KHĐT Hòa Bình cũng công khai thể hiện sự “lơ mơ” về pháp luật. Vì rằng, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình chưa phải là bản án có hiệu lực pháp lý cuối cùng.
Nhóm phóng viên