1.456 câu thơ về Bác
Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Trần Văn Cao đã thấy ở nhà mình cha mẹ treo rất nhiều ảnh Bác. Ngày ngày ngắm nhìn Bác, nghe những câu chuyện về Bác từ cha mẹ, không biết tự lúc nào mà chú bé Cao, rồi anh thanh niên Cao sau này luôn nghĩ về Bác, luôn dành cho Bác một tình cảm sâu nặng. Để rồi từ đó trong suốt cả cuộc đời, kể cả khi đã thành ông lão râu tóc bạc phơ, trong mỗi suy nghĩ và hành động của mình, ông Trần Văn Cao vẫn đều cố gắng học và làm theo tấm gương của Bác.
Không chỉ nghĩ về Bác, ông Cao còn làm thơ về Bác. Mọi lúc, mọi nơi, lúc đang làm việc ngoài đồng hay ở nhà và kể cả lúc nghỉ ngơi, đi chơi, làm được đoạn thơ nào ông đọc đi, đọc lại cho thuộc lòng rồi tối về chép vào sổ, cứ thế, cứ thế trong suốt gần 10 năm trời ông đã cho ra đời bản sử ca dài tới 1.456 câu thơ lục bát về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác từ khi Bác rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 đến những năm tháng cuối đời của Người.
Toàn bộ 1.456 câu thơ được ông Cao đọc thuộc lòng và ông luôn mong muốn được đọc bản sử ca đó cho mọi người cùng nghe. Những câu thơ của ông đã khắc họa lên một chân dung sáng ngời, vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi, thân thương và xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh cao lý tưởng Bác Hồ/Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam/Lời nói cũng như việc làm/Con người phúc hậu dân càng mến thương/Tài năng đức độ phi thường/Giúp dân cứu nước chặng đường chông gai…”.
Theo lời ông kể, trong 10 năm qua, cứ mỗi ngày ông viết một ít. Hoàn thành phần một của cuốn sử ca gồm 1.456 câu thơ, ông chuyển sang phần hai viết bằng văn xuôi. Phần này ông Cao tập trung viết về 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phần ba của cuốn sử ca được ông kể bằng những bức ảnh về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam.
Phòng lưu niệm đặc biệt
Không chỉ làm thơ về Bác, ông Trần Văn Cao còn dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để xây dựng một phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ trong chính căn nhà của mình.
Phòng lưu niệm đặc biệt ấy rộng hơn 20m2 được đặt trang trọng trên tầng 3 của căn nhà, trưng bày hơn 300 bức ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, mà ông Cao đã dày công đi nhiều nơi, tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu để sưu tầm được. Về chặng đường 30 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ, lão nông Trần Văn Cao kể rằng ông đi đến đâu, từ nhà anh em, bạn bè, cứ thấy ảnh Bác Hồ là xin, xin không được thì mượn để chụp lại.
Hầu hết mọi người đều thấy ông tâm huyết nên đều giúp đỡ. Rồi bất kỳ lúc nào có thời gian là ông lại tìm đọc báo, xem trên internet để sưu tầm ảnh và tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Mỗi bức ảnh sưu tầm ông đều tìm hiểu rõ nội dung, thời gian, hoạt động của Bác trong bức ảnh.
Các bức ảnh ông Cao sưu tầm tại phòng lưu niệm đều là ảnh đen trắng và được bài trí theo từng chủ đề, tạo ra một câu chuyện kể hoàn chỉnh: Bác Hồ với gia đình, Bác Hồ khi ra đi tìm đường cứu nước, những năm Bác hoạt động ở nước ngoài, khi Bác về nước lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, Bác Hồ trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Bác Hồ trong công tác ngoại giao… Số lượng ảnh tương đối phong phú nhưng ông Cao vẫn chưa hài lòng, vẫn nung nấu sưu tầm những bức ảnh về tuổi ấu thơ của Bác Hồ.
Để có tiền làm khung ảnh và trang trí phòng lưu niệm, ông Trần Văn Cao đã dành gần 12 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm ít ỏi của mình, nhưng với ông điều đó có thấm gì so với niềm kính yêu ông dành cho Bác và niềm tự hào khi phòng lưu niệm Bác Hồ của gia đình ông đã trở thành niềm tự hào của cả người dân xã Đại Yên.
Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa huyện Chương Mỹ, từ đầu năm 2020, khi phòng lưu niệm Bác Hồ được hoàn thành, nhà riêng của ông Cao luôn tấp nập người dân trong làng, các đoàn thể trong xã và trong cả huyện Chương Mỹ về tham quan.
Đặc biệt, các em học sinh trên địa bàn xã thường đến thăm và nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ do chính ông kể và giới thiệu với niềm say mê, hứng khởi. Khi có khách đến thăm, ông Trần Văn Cao trở thành thuyết minh viên, kể từng dấu mốc, ý nghĩa và những câu chuyện của bức ảnh đó. Trong lời thuyết minh, ai cũng cảm nhận được cảm xúc, tấm lòng của ông với Bác.
Nói về ông Cao, Bí thư Đảng ủy xã Đại Yên Đặng Tiến Hoàng cho biết, Đảng ủy, chính quyền xã Đại Yên rất trân trọng việc làm đầy ý nghĩa của ông Cao và coi đó là một công trình quý hiếm của địa phương để giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ông Cao thực sự là một tấm gương điển hình về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ và nhân dân xã Đại Yên.
Ông Trần Văn Cao là một trong 130 cá nhân tiêu biểu được lựa chọn để tôn vinh tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.