Cuộc đời như một đồ thị hình sin…
13 tuổi Huyền đã mất mẹ, cô bé ngơ ngác vào đời, cùng với bố miệt mài làm đủ mọi nghề để kiếm sống, kể cả đi bán hoa quả rong cho tới khi "bập" vào nghiệp xe đạp. Bước vào đam mê này, chị đã vươn tới đỉnh cao đáng mơ ước của mọi cua rơ Đông Nam Á với một hành trình hanh thông đáng kinh ngạc. Cảm giác như chị sinh ra là để cho đường đua và mọi đường đua đều đặc biệt… ưu ái Huyền.
Trong làng xe đạp Việt Nam, chị đang giữ kỷ lục 4 lần vô địch SEA Games, 1 lần vô địch châu Á. Trong đó, kỳ tích giành Huy chương Vàng với chiếc xe đạp đi mượn của chị vẫn được nhắc đến như một câu chuyện huyền thoại và là một chiến công kinh điển của thể thao Việt Nam. Đến giờ, Huyền vẫn là nữ tuyển thủ duy nhất của Việt Nam được tôn vinh ở “Giải thưởng phụ nữ ấn tượng châu Á” tiêu biểu năm 2002.
Xe đạp đưa chị lên đỉnh cao thi đấu. Cũng chính xe đạp đã làm cầu nối để Huyền tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình. Đó là mối tình với bác sĩ Nguyễn Hữu Tuyển, vốn là bác sĩ của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia 2. Hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười với Huyền khi chị chuyển vào Nam đầu quân cho đội đua Cấp thoát nước môi trường Bình Dương, cùng chồng vun đắp cho tổ ấm riêng. Cuộc đời đang mỉm cười với chị, với niềm vui làm mẹ, được gần gũi chồng con sau bao ngày phải diễn cảnh “ông Ngâu bà Ngâu” bởi những kỳ tập trung đội tuyển thì đột nhiên chồng chị qua đời.
Một cú sốc quá lớn đối với một người vừa mới chính thức chuyển môi trường sinh sống. Một cú sốc quá lớn khi chị vẫn đang ở trên đỉnh cao với nghiệp đua xe, được ưu đãi và trọng dụng khi quyết tâm vào Nam lập nghiệp. Và một cú sốc với một người vợ đang phải nuôi 2 con thơ, đứa lớn mới 4 tuổi, còn đứa nhỏ mới chỉ 8 tháng. Huyền đã suy sụp, tưởng như không thể gượng dậy được, thậm chí nghĩ nhiều khiến chị như phát điên lên bởi mọi chuyện sao lại khắc nghiệt với cuộc đời mình như vậy.
Trong những ngày vùi chôn mình trong phòng kín, hình ảnh 2 đứa con ngơ ngác khi không nhìn thấy mẹ khiến Huyền chợt tỉnh giấc. Không có gì khác hơn là phải đối mặt với cuộc sống này. Thanh Huyền đã xác định bước vào một cuộc “chiến đấu” mới, gian khó hơn nhiều, trong nỗi đau mất chồng và bơ vơ nơi đất khách quê người. Nhưng chính trong nghịch cảnh này, ý chí, sức chiến đấu bền bỉ đến khó tin của cựu cua-rơ nữ số 1 châu Á được phát tiết mạnh mẽ.
Một mình chị vừa nuôi 2 đứa con, vừa tham gia công tác huấn luyện xe đạp vừa theo học ĐH Thể dục thể thao và Khoa Báo chí, ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Chúng tôi không hiểu con người tưởng như yếu đuối ấy lấy đâu ra sức mạnh, nghị lực để vượt qua giai đoạn bất hạnh nhất cuộc đời với một thành tích phi thường như thế, “bung sức” còn hơn cả những ngày ở đỉnh cao của cuộc đời VĐV xe đạp.
Huyền vẫn nhớ đường đua, vẫn tham dự đua xe mỗi khi có dịp |
Cuộc đua mới với cuộc đời…
Nhắc lại những tháng ngày đã qua, với Huyền, có lẽ vẫn như một giấc mộng dài. Chị bảo chị rất may mắn được cá nhân lãnh đạo Trường Đại học Thể dục thể thao TP HCM quan tâm. Chị tâm sự: “Đó cũng là mọi người tự nguyện chứ chưa có chính sách gì của ngành để căn cứ vào đó hỗ trợ vận động viên (VĐV) đỉnh cao khi nghỉ thi đấu. Cho đến thời điểm này thì chú Lê Quý Phượng là lãnh đạo tốt nhất đối với các cựu VĐV mà tôi đã gặp. Tôi còn nhớ chú nói rằng “các cháu đã cống hiến, hy sinh nhiều, giờ phải cố gắng tạo điều kiện cho các cháu được ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển".
Mới đây, với những cống hiến của mình cho thành tích của nước nhà, với những nỗ lực không mệt mỏi và cả sự quan tâm của một lãnh đạo ngành, Huyền đã chính thức trở thành giảng viên biên chế của ĐH Thể dục thể thao trong bộ môn thể dục - thể hình - khiêu vũ thể thao. Phải từ bỏ nghiệp huấn luyện xe đạp là một khó khăn lớn với chị nhưng vì chị không thể bỏ mặc 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học để chuyên tâm vào xe đạp nên đành rẽ ngang...
Chuyển qua công việc khác trái chuyên môn cũng là một khó khăn lớn mà Huyền đã phải trải qua. Chị tâm sự, chắc hẳn ai cũng hình dung được việc bắt đầu đi tìm sự nghiệp ở cái tuổi ngoài 30, học hành tu dưỡng chuyên môn lại từ đầu khó khăn như thế nào. Nhưng cũng có một điều may mắn là Huyền cũng đã học 6 năm chuyên ngành thể dục rồi nên cũng còn có cơ sở để phấn đấu.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với bản thân là chị luôn tâm niệm, muốn làm tốt công việc hiện nay như lúc trẻ, làm tốt công tác giảng dạy như thời còn là VĐV.
Chị tâm sự, có lẽ chị cũng gặp may bởi ngoài người lãnh đạo ngành quan tâm, chị cũng được trưởng bộ môn và các giảng viên trong bộ môn hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện để chị hoàn thành tốt công việc của mình.
Nghe thấy nụ cười của chị cảm giác rằng cuộc sống của chị cũng đã ổn định sau quá nhiều biến cố. Tự nhiên tôi nhớ tới lời tâm sự của chị khi chị ở tuổi 27 “một tuổi vừa, vừa cho tất cả”. Còn bây giờ, khi đã ở tuổi 40, đáng lẽ cuộc sống của chị phải rất thịnh vượng, đàng hoàng thì chị vẫn đang loay hoay với công việc, gia đình, nhưng chị vẫn cười lạc quan chắc rằng mọi thứ sẽ vào quỹ đạo trong 2 năm tới.
Tạm biệt chị trong tiếng cười đùa lao xao, chúng tôi tin rằng, con người đầy ý chí, bản lĩnh, đã vượt qua được chặng đường khó khăn nhất cuộc đời rồi sẽ lèo lái được con thuyền của cuộc đời mình đi đúng hướng. Rồi chúng ta sẽ gặp lại một giảng viên thể dục nghệ thuật đầy tâm huyết với định hướng phát triển phong trào và tuyến trẻ như chị đã từng đam mê với xe đạp. Bởi khí chất của Huyền có lẽ sẽ được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.