Từ một chàng trai phố cổ
Ông Nguyễn Đình Thêm, sinh ngày 5/7/1963 tại số 4, Hàng Trống, Hà Nội. Phố Hàng Trống, thẳng ra hồ Hoàn Kiếm những năm xưa vốn là con phố của các nhà may. Bố mẹ ông có hiệu may Thanh Bình chuyên comple nổi tiếng.
Thế nhưng, những năm chiến tranh rồi thời bao cấp vất vả, gia đình ông với 8 anh chị em đã không bảo bọc được nhau. Bố mẹ ông vì buồn phiền các con mà để nhà đó vào Nam dạy may. Ông Thêm là con út, không được học hành đến nơi đến chốn, lại bơ vơ giữa lòng phố những ngày tháng của tuổi mới lớn nên đã phạm phải những sai lầm không đáng có.
Và thế rồi, suốt 19 năm tuổi trẻ ông vướng vòng lao lý luẩn quẩn vì “đói làm liều” với những tội trộm cắp vặt dân sự “trời ơi”. Năm 1981, 17-18 tuổi ông nhập ngũ lên biên giới. Chưa kịp làm quen với cuộc đời người lính thì ông bị bệnh, người bong tróc, lở ngứa. Tuổi trẻ bồng bột, ông đào ngũ về quê mẹ ở Bắc Ninh, ở nhờ nhà người bác.
Trong thời gian đó, chàng trai trẻ không tiền, đói khổ nên đã sang nhà bà hàng xóm rút mấy bộ quần áo đang phơi, định bụng đem bán thì bị bắt. Cứ như vậy, ông ra rồi vào tù mỗi lần 5-6 tháng chỉ bởi tội ăn cắp vặt hoặc gây rối trật tự. Có lần thì ông bị vào tù bởi hồn nhiên cho một người bạn quen biết vào ở nhờ nhà. Sau đó, bạn bị bắt và ông bị đi tù bởi tội chứa chấp. Đến lần cuối cùng ông bị bắt lâu nhất là vào năm 1995-1999.
Vào năm 1995, khi đó vợ đang bầu, ông theo bạn xuống chợ Không quân mới mở làm ăn. Không có tiền, không có việc làm, bạn rủ đi làm quản lý cùng, có công việc ổn định lo cho vợ con thì mừng quá. Thế nhưng, một hôm, ông Thêm ra đến cửa chợ, bỗng có người gọi: “Thêm ơi, Thêm ra chị nhờ tí. Nhận hộ chị số này, chị bồi dưỡng hoa hồng. Tối có ai đến hỏi thì chú đưa, chị chuyên ghi số (số đề) nên nhận số không tiện”.
Có tiền, ông Thêm vui vẻ nhận lời. Đến tối quay kết quả, không ai đến. Chị gọi đưa 500 ngàn trước và nói vì làm ăn với người khác nữa nên phải ký giấy biên nhận: “Tôi nhận của chị Minh 500 ngàn đồng”... Thế rồi, ngay hôm sau ông Thêm bị bắt mà không biết mình tội gì! Bởi lô đề ông hoàn toàn không biết chơi. Nên những ngày đầu ông nhất định không nhận tội - ông bị quy vào tội chiếm đoạt tài sản! Về sau này, ông mới biết, mình bị gài bẫy giữa các nhóm “anh chị” do tranh giành chỗ làm ăn…
Chưa hết, ông từng có hai lần suýt chết nên giờ sức khỏe càng yếu. Lần thứ nhất vào năm 1986, từ Đình Ngang (Cửa Nam), ông nhảy lên tàu điện để về nhà đi bán hàng, ông bị ngã mạnh giữa hai tàu điện đang chéo nhau, do ai đó nghịch ác đã bôi trơn vào tay vịn lên tàu. Ông Thêm nằm li bì trong viện mấy tháng! Lúc gần khỏi thì nghe tin mẹ ông (năm 1987 bà thấy người yếu nên đã ra Hà Nội), đã mất đột ngột ở Bắc Ninh. Ông trốn viện cùng anh trai về Bắc Ninh lo tang mẹ.
Lần thứ hai, ông đang bán nước ở đầu Hàng Đào thì ông anh thứ hai từ đâu ra đâm ông mấy đòn chí mạng. Mà đến giờ ông cũng không hiểu vì sao. Vết thương khá nguy hiểm, gần tới phổi. Lần đó, ông cũng phải mổ xẻ và nằm viện Việt Đức mấy tháng. Ngày ấy, ông Thêm cũng xin bãi nại cho ông anh đâm mình chí chết, không bị truy tố…
Ông Thêm cho rằng, lý do mình bị đâm có lẽ bởi anh em ở chung nhà hiềm khích với nhau. Ngày đó, mỗi lần trả án trở về là ông lại xách nước ra bờ hồ bán. Lúc ấy, căn nhà số 4 Hàng Trống ba tầng, là ba gia đình anh em sinh sống. Thế nên, ông quây một túp lều trên tầng thượng làm chỗ ăn ngủ để không phiền đến ai. Tuy nhiên, đêm hôm ông đi bán hàng về trèo leo lịch kịch, vợ chồng các anh chị khó chịu.
Cho tới suýt soát tuổi 30, cuộc sống của ông có chút ngọt ngào khi năm 1992, ông Thêm gặp vợ ông bây giờ. Cô gái trẻ 18-19 tuổi bán hàng cùng mẹ trên phố đã một lòng thương ông từ ngày đó. Họ sống với nhau một thời gian thì ông Thêm bị bắt vào năm 1995, khi chưa kịp đón đứa con đầu lòng… Vợ con ông ở số 4 Hàng Trống đến năm 1997 thì bị người chị đã mua nhà đuổi khéo về nhà ngoại.
Và “người tốt, việc tốt” không hộ khẩu, không giấy tờ tùy thân
Khi ông Thêm trở về, năm 1999 - lần đầu tiên ông gặp con trai đã lên 4 tuổi. Sau 19 năm vào tù tới 6-7 lần vì những lý do không đáng thì cũng đã hết tuổi trẻ. Nhìn cậu con trai nhỏ, ông tự hứa sẽ không thể rời xa vợ con nữa. Ông túc tắc với nghề xe ôm. Và từ đó tới nay, ông không phạm phải sai lầm một lần nào nữa. Thậm chí, ông còn nhiều lần tham gia bắt trộm ở khu phố.
Lần đó, ông Thêm đang ngủ trên xe đợi khách ở vườn hoa Lý Thái Tổ thì phát hiện có vụ trộm cắp, ông xông vào túm cổ, đang định khống chế thì nghe tiếng “cắt”. Hóa ra VTV đang quay truyền hình thực tế “Người tốt, việc tốt”. Hôm đó ông Thêm vui lắm, ông được tuyên dương và được tặng bó hoa to tướng! Rồi suốt mấy năm liền, từ năm 2005, hình ảnh ông được phát đi phát lại trong chương trình này. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông cùng tổ dân phố đi cắm chốt trong những ngày tháng kỷ niệm hân hoan cờ hoa ấy…
Trở lại căn nhà số 4, phố Hàng Trống, chị gái ông Thêm đã thuyết phục được ông cụ để lại toàn bộ căn nhà gia đình đó với giá nội bộ! Và căn nhà đứng tên bà Nguyễn Thị Hải từ năm 1997 đến nay, cuốn sổ hộ khẩu cũ mà cha ông đứng tên trong đó có ông Thêm đã không còn.
Khi đó, ông bố chia tiền hết cho các con và dặn lại là mua cho Thêm ngôi nhà rẻ. Chị Hà (chị gái thứ hai) cầm 20 triệu đi mua căn gác này. Ông bố ngày ấy đã gần 80 tuổi vẫn đau đáu lo cho con trai út. Ông cụ viết thư nói: “Bố 8-9 người con, mà nay sống chỗ này, mai chỗ khác, không ai thực sự thương bố cả. Chị mua nhà xong bố không còn chỗ ở. Nay bố ở Bắc Ninh, thôi thì trời không phụ người như con, thôi thì con cố gắng”…
Từ 1999 đến nay, ông Thêm đã nhiều lần đi làm thủ tục nhập hộ khẩu về gốc cũ tại số 4 Hàng Trống, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm nhưng không được giải quyết. |
Thế nên, khi ông Thêm được mãn hạn tù thì lúc này nhà ở 4 Hàng Trống đã chuyển nhượng, bản thân ông đi tù đã bị cắt hộ khẩu treo. Ông trở về sinh sống tại nhà chị gái mua hộ ông ở 28-30 Hàng Thiếc từ năm 1999. Thế nhưng, bà Hà tiếp tục dùng dằng hơn 10 năm sau đó. Đến tận năm 2015, phải nhờ pháp luật, ông Thêm một lần nữa lại phải mua lại nhà của chính mình từ chị gái.
Thực tế từ 1999 đến nay, ông Thêm đã nhiều lần đi làm thủ tục nhập hộ khẩu về gốc cũ tại số 4 Hàng Trống, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm nhưng không được giải quyết. Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi sinh sống từ khi sinh ra ở đây nhưng không có quyền công dân: Không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào: CMND, hộ khẩu, bảo hiểm… Dù đã sống gần 20 năm, diện tích chỉ có 6,6m2 và 1 gác xép, nhà thuộc diện quản lý nhà nước, người đứng tên thuê trong hợp đồng là chị gái tôi. Sau khi thủ tục mua bán xong tôi đã nhiều lần chủ động đi làm giấy tờ sang tên hợp đồng thuê nhà thành tên tôi nhưng Xí nghiệp quản lý nhà Hoàn Kiếm không giải quyết chỉ vì tôi không có hộ khẩu và CMND. Trong khi đó, tôi đi làm thủ tục đăng kí hộ khẩu tại Công an quận Hoàn Kiếm thì được trả lời không giải quyết vì diện tích nhà không đảm bảo tiêu chuẩn 15m2 sàn/1 đầu người nên cũng không nhập được hộ khẩu về nhà tôi tại 28-30 Hàng Thiếc."
Một vòng luẩn quẩn mà ông cùng vợ và con không thể giải quyết được, đó là muốn sang tên hợp đồng thuê nhà thì cần phải có hộ khẩu và CMND, muốn nhập được hộ khẩu thì không đủ diện tích theo quy định.
Mặc dù phía công an quận, hội phụ nữ đã từng mời chị gái ông Thêm, là chủ hộ khẩu tại sổ hộ khẩu gốc của ông để vận động chị gái cho ông đăng ký hộ khẩu nhờ, sau một năm sẽ tách ra, để ông kịp làm các giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, chị gái ông là bà Hải nhất định không chịu!
Điều ông lo lắng nhất là giờ đây, phía trước cuộc đời, các con cháu ông sẽ ra sao khi ông không có hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân? Con trai ông, rồi giờ là cháu đích tôn cũng đều phải theo họ bên ngoại để làm giấy khai sinh, đi học trái tuyến, tốn kém… Chưa kể, dù đã 30 năm bên nhau nhưng không có giấy tờ nên ông cũng chưa thể đăng ký kết hôn. Làm người chủ gia đình mà không lo được những điều tối thiểu ấy, ông rất đau lòng…
Và nhà ngoại bên vợ ông ở Đường Thành đang định bán đi thì không biết hộ khẩu vợ con đi về đâu? Do đó, tâm nguyện đau đáu của ông là hệ thống chính sách có sự thay đổi phù hợp, để ông được định danh bởi cuốn sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân và quyền công dân của mình…
Bà Vũ Ngọc Hoa - Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI): Không có giấy tờ tùy thân, khiến họ dễ mắc vòng lao lý
Khi làm việc, chúng tôi nhận thấy các nhóm càng “lề hóa”, càng nghèo thì tỷ lệ không có giấy tờ tùy thân càng cao. Và tỷ lệ này còn cao hơn ở con em của họ, dẫn đến nhiều khó khăn khi đi học, khám chữa bệnh và có một công việc tử tế, chính thức và được pháp luật bảo vệ. Với nhiều người, việc không có giấy tờ tùy thân còn khiến họ dễ mắc vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật và nó như một vòng xoáy vô hình cuốn họ xuống đáy của cuộc đời.