Mỗi một mùa giáp Tết, với chị Lê Thị Mai Hoa, ngụ Huỳnh Văn Nghệ, Gò Vấp, TP HCM đều là thời điểm mà chị sợ hãi nhất trong năm. Công việc trên công ty ùn ùn kéo đến, phải tập trung giải quyết dứt điểm trước Tết. Trong khi đó, việc nhà cũng bủa vây tứ phía: nhà cửa bề bộn cần dọn dẹp, trang hoàng lại, rồi sắm sanh ăn Tết, con lại được nghỉ học sớm, tìm mãi không có người trông.
Tất cả những việc ấy hầu như chỉ có mình chị xoay xở. Ông chồng ngoại giao rộng rãi đang mải bận “chạy show” hết đám tất niên này đến tiệc họp mặt nọ, việc nhà chị phân công thì khất lần khất lữa, hẹn từ ngày này sang ngày khác, để rồi cả cái cánh cửa tróc sơn chị nhờ chồng, hẹn mãi đến tối 30 thì anh xỉn “quắc cần câu”, chị đành ôm hộp sơn ra sơn lại.
Cực như vậy nên Tết nào chị cũng sụt mất vài cân. Tết năm ngoái, trước giao thừa chị còn phải ra trạm y tế phường truyền 2 chai nước biển, lòng than thở: “Giá mà đừng đến, Tết ơi”.
Thời điểm này, mạng xã hội đang xuất hiện những cuộc tranh cãi liên quan đến trách nhiệm của đàn ông Việt dịp Tết xuất phát từ bài viết của một nữ nhà văn, trong đó chỉ ra những thói tật xấu của cánh đàn ông như lười biếng, ỉ lại, thiếu trách nhiệm và ham hưởng thụ. Tất nhiên, đó không phải đại đa số, nhưng sự thật đáng buồn là bài viết đã nhận được không ít đồng cảm từ phụ nữ.
Rất nhiều chị em chia sẻ đó là hoàn cảnh mình đang gặp phải, vì thế họ chả mong mỏi gì Tết cả, Tết chỉ càng nhân lên nỗi đơn độc, vất vả của họ mà thôi.
Cũng có chị, chồng mang về tài chính kha khá thay cho việc xắn tay vào làm phụ giúp vợ. Có anh cũng “có lời có lẽ” để “chuyển giao” việc chuẩn bị Tết nhất cho vợ, như: “Anh phải ráng cày hết công suất, mùa Tết là mùa làm ăn mà, nên em thông cảm nhé, có mệt thì thuê người về giúp.
Trong muôn kiểu ngán Tết, cũng có kiểu ngán... cả nhà, như trường hợp gia đình chị Trương Thị Lan Quyên, ngụ Ung Văn Khiên, Bình Thạnh, TP HCM. Hai vợ chồng cùng làm ở ngân hàng nên dịp gần Tết việc bận đến ngợp người, có khi phải tăng ca cuối tuần hay tối muộn mới về nhà. Mệt mỏi quá nên vợ chồng chả buồn lo Tết nhất gì cả.
Việc dọn nhà giao cho ô sin và dịch vụ, việc mua sắm Tết thì tranh thủ đặt hàng qua mạng lúc trên công ty, thậm chí cúng đưa ông Táo, cúng tất niên cũng nhờ dịch vụ nấu cỗ nốt. Tết đến, hai vợ chồng nhận số tiền thưởng kha khá, nằm ôm nhau ngủ bù qua ba ngày xuân.
Tất nhiên, không phải ai cũng ôm nỗi ngán ngẩm với Tết. Giáp Tết, tất bật thì người nào cũng có, nhưng nhiều gia đình vẫn tìm ra được cách hưởng thụ sự ấm áp, sum vầy đón xuân. Như gia đình anh Minh Tiến, chị Kim Ly, ngụ Phú Nhuận, TP HCM. Chồng làm công ty in ấn, vợ làm sự kiện, túi bụi nhưng vợ chồng chị đã thỏa thuận với nhau, dù bận rộn cách mấy thì có những điều luôn phải cùng nhau thực hiện: mua sắm đồ trang trí rồi cả nhà, vợ chồng con cái cùng nhau trang trí nhà cửa; cùng chọn hoa cảnh chưng Tết và cùng nhau đi mua quà biếu hai bên gia đình.
Một bữa tất niên tươm tất mời bạn bè, người thân là điều không thể thiếu… Vì thế, dù giáp Tết bận thế nào, gia đình chị vẫn luôn có không khí rộn ràng rất “xuân”.
Còn chị Quỳnh Lan, ngụ quận 10, TP HCM thì mới bắt đầu biết cách “ăn Tết” vào dịp Bính Thân này. Hai vợ chồng mở doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trang trí nhà, nên Tết là dịp ăn nên làm ra nhất. Năm nào hai vợ chồng cũng bở hơi tai đến đêm 30, rồi ba ngày Tết đóng cửa nghỉ xả hơi.
Năm ngoái, chị tình cờ đến nhà người bạn đang sử dụng dịch vụ trang trí nhà cửa của mình. Đập vào mắt chị là một khung cảnh rất ấm cúng: bố chồng tỉa cây, thay chậu ngoài sân, chồng sửa sang điện nước trong nhà, vợ kho thịt, làm mứt, còn mấy đứa con chạy lăng xăng phụ mẹ, phụ cha, cả nhà lúc nào cũng vang tiếng nói cười rộn rã. Và tự dưng chị chạnh nghĩ về gia đình mình, chưa có cái Tết nào như thế. Các con chị được anh chị cho tiền thoải mái sắm Tết và đi chơi, vợ chồng quần quật làm rồi ngủ nghỉ, chả biết Tết có vị thế nào...