Điều đáng lo ngại là hiện tượng này đã lan đến địa bàn các huyện vùng cao, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là những khu vực mà từ trước đến nay được xác định là khó tìm nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Huyện biên giới Kỳ Sơn là địa phương có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất với trên 500 người; tiếp đó là huyện Quế Phong với 408 người và huyện Tương Dương có trên 300 người. Điều đáng nói là 40 người được cử đi học theo diện cử tuyển ở huyện Tương Dương vẫn chưa được bố trí vị trí công tác.
Chị Vi Thị Ánh (dân tộc Poọng, ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) là một trong số đó. Năm 2007, chị được địa phương cử đi học ngành sư phạm Sinh học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, sau 3 năm đèn sách, chị tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Thế nhưng, khi trở về quê hương thì không được bố trí việc làm như định hướng ban đầu.
Gần như năm nào, chị cũng nộp hồ sơ xin việc nhưng đều không được chấp nhận vì lý do không có chỉ tiêu. Đến nay thì “cô giáo” Ánh đã lấy chồng và chấp nhận bám nương rẫy để nuôi sống gia đình.
Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) với học lực khá, Lô Thị Thúy Hằng (dân tộc Thái, trú tại bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn) tự thi tuyển và đậu vào ngành sư phạm địa lý thuộc Đại học Vinh (Nghệ An). Mặc dù hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng gia đình đã cố gắng chu cấp để Hằng về thành phố theo học.
Sau 4 năm đèn sách, cô đã tốt nghiệp trở về quê với hy vọng sớm được đứng trên bục giảng làm cô giáo. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm ra trường, Hằng vẫn không thực hiện được ước mơ và chấp nhận “gác” bằng đại học để tập trung chăn nuôi, trồng trọt, trả số tiền vay mượn chi phí trong quá trình học tập.
Việc thừa lao động qua đào tạo ở vùng cao Nghệ An đang gây ra những tác động đáng lo ngại đến tư tưởng của người dân. Theo tính toán, mỗi gia đình vùng cao phải chi phí khoảng 200 triệu đồng cho con em họ sau 4 năm học đại học xa nhà. Số tiền này là một thách thức lớn đối với không ít gia đình, bởi thu nhập của người dân nơi đây không mấy khá giả. Nhiều gia đình gặp phải “khó khăn kép” khi con em họ đang chịu cảnh thất nghiệp, thì gia đình lại phải chật vật trả khoản nợ chi phí cho con cái học hành trước đó.
Một điều xót xa nữa, đó là những cử nhân, giáo viên… vốn được đào tạo cơ bản 3-4 năm trên ghế nhà trường lại phải quay về tiếp tục bám nương rẫy sản xuất nông nghiệp. Có rất nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp không có việc làm, sinh ra chán nản, ăn chơi lêu lổng dẫn đến nghiện ngập, thậm chí vi phạm pháp luật. Còn với bậc phụ huynh khi nhìn vào thực tế, họ cho rằng, con em có đi học, ra trường cũng không tìm được việc làm hẳn hoi, rồi cũng về làm rẫy nên không còn mặn mà với việc học tập của con em mình.
Một thầy giáo có nhiều năm công tác tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương cho biết một thực trạng buồn: Trong những năm gần đây, một số gia đình trên địa bàn không cho con em mình đi học lên Trung học cơ sở (THCS), THPT dù thành tích học tập xếp loại khá. Khi nhà trường đến vận động thì họ cho rằng, con cái đi học xa nhà rất tốn kém, có đi học về cũng không tìm được việc làm.
Không chỉ vậy, thất nghiệp ở vùng cao cũng được xác định là một trong những yếu tố tác động đến tình trạng di cư tự do. Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ ở các huyện vùng cao của Nghệ An sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trở về quê không có việc làm đã sang Lào mưu sinh. Sau đó, họ tìm cách đưa cả gia đình di cư trái phép sang nước bạn sinh sống lâu dài. Điều này đang tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự ở khu vực biên giới, vùng cao Nghệ An.
Hiện các huyện vùng cao của Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức trong nhân dân. Bên cạnh đó, chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề ngay từ các bậc học THCS, THPT; đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho công tác đào tạo nghề cũng như thu hút các dự án đầu tư, tạo công ăn việc làm. Trong lúc những giải pháp này chưa phát huy tính hiệu quả, thì hàng nghìn bạn trẻ ở các huyện vùng cao Nghệ An vẫn đang chịu cảnh thất nghiệp.