Chiều nào cũng vậy, một bà lão tóc bạc trắng đến Hồ Gươm với khoảng 4, 5 túi nilon bánh mỳ để cho cá Hồ Gươm ăn... Xin bánh mỳ về cho cá hồ Gươm ăn, đấy là công việc hằng ngày của bà Quách Thị Gái (ở số 48, ngõ Phát Lộc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bà nhẩm tính: “Cái việc… nuôi cá hồ Gươm này, tôi đã làm được hơn 20 năm có lẻ rồi”.“Bà này bị điên đấy” Bà Quách Thị Gái chỉ nhớ mang máng, năm nay mình 88 tuổi. Ngày nào cũng vậy, cứ độ 5 giờ chiều, bà lại mang bánh mỳ, cơm nguội ra hồ Gươm cho cá ăn. “Tôi làm việc này xem như thú vui tuổi về giá, chứ chẳng có ý định, hay suy tính gì cao siêu cả”. Bà biện minh cho việc làm của mình, tay vẫn đều đều ném bánh mỳ, cơm nguội xuống hồ. Mắt bà rạng vẻ vui mừng khi thấy nước hồ bắt đầu động. “Chúng nó lên ăn rồi đấy” bà thì thầm.
Cụ Quách Thị Gái khệ nệ xách từng túng thức ăn ra cho cá hồ Gươm. (Ảnh: LV) |
Thức ăn bà vừa được thả xuống nước, mặt hồ đang yên tĩnh bỗng chuyển động, mỗi lúc một mạnh, rồi phát ra những tiếng động như trận mưa rào. Không chỉ có cá, mà tôm mà cả cua rùa… trú ngụ trong hồ kéo hết về phía bà. Tự bao giờ, dưới bóng cây phượng bên bờ hồ này, đã trở thành "bến kiếm ăn" của các loài tôm, cá trong hồ. Bà kể, ngày xưa khi còn khỏe bà thường mua chè, cốm về đi bán rong quanh khu bờ hồ. Lúc đầu, bà tình cơ làm rơi một miếng bánh mỳ xuống hồ, lát sau thấy cá tập trung lại xâu xé, ăn ngon lành. Vậy là bà nảy ra ý định, "sao mình không kiếm ít bánh mỳ cho chúng nó ăn?". Vậy là, từ chỗ chỉ một vài cái, rồi nhiều dần. Theo thời gian, giờ mỗi ngày bà phải cho chúng ăn đến 3, 4 kg bánh mỳ. Xin được bao nhiêu là cho bấy nhiêu. Ban đầu, thấy bà cho cá hồ ăn, cũng không ít lời dị nghị, người cho rằng bà "bị hâm", "già rồi, sinh lẩm cẩm mới đi làm cái việc trời ơi đấy". Thậm chí họ còn cay độc "bà này bị điên ấy mà, kể làm gì?"... Nhưng bà mặc, hằng ngày vẫn âm thầm làm cái việc mình cho là “nhân đức” này.Người Việt Nam thật kỳ lạ! "Thời gian gần đây sức khỏe của tôi không được tốt, con cháu cũng phản đối ghê lắm. Giờ chúng nó thành đạt hết rồi, muốn tôi ở nhà nghỉ ngơi, vui vầy con cháu. Chúng sợ tôi đi lại nhiều, mắt mờ chân chậm nhỡ may có chuyện gì... Nhưng, ngày nào không ra cho chúng nó ăn (cá hồ Gươm - PV) tôi lại thấy bứt rứt khó ở. Thương con, yêu cháu, nhưng cũng nhớ lũ cá lắm" bà Gái đưa tay áo lau từng giọt mồ hôi trên mặt, rồi đưa vội qua hai mắt, như sợ người ta thấy mình khóc, giọng bà nghẹn lại.
Từng nắm bánh mỳ được bà thả xuống hồ Gươm cho cá.(Ảnh: LV) |
Khi bà Gái xuất hiện ở bờ hồ và cho cá ăn, mọi người - đặc biệt là khách du lịch cả trong và ngoài nước tỏ ra khá hiếu kỳ. Ai cũng ngạc nhiên về việc bà làm. Ông Mr Jack, du khách Mỹ, khi thấy bà cho cá ăn cũng tỏ ra khá tò mò. Khi được chúng tối giới thiệu về bà, ông không khỏi ngạc nhiên: “Người Việt Nam các bạn thật kỳ lạ. Bà cụ đây có hành động thật cao quý và đáng trân trọng”. Nói xong ông không quên chụp chung một tấm hình với bà, để khi hồi hương sẽ giới thiệu mọi người.Đi xin bánh mỳ lúc 0 giờ Để có thức ăn cho cá, từ đêm hôm trước bà Gái phải rong ruổi đến các nhà hàng, lò bánh để xin bánh mỳ, cơm thừa về cho cá. "Vì mình đi xin bánh mỳ thừa của họ, nên không thể đi vào ban ngày được, lúc đó họ đang bán hàng làm gì có thừa. Mình phải đi vào khoảng 9, 10 giờ đêm, lúc này khách không còn nữa, họ thu dọn mới có bánh mỳ thừa cho mình xin" bà chia sẻ. Vậy là, ngày nào cũng khoảng giờ đấy bà xách túi ra khỏi nhà, đêm đông cũng như đêm hè. Tạnh ráo, hay mưa dầm bà không từ. Mỗi đêm như vậy bà cuốc bộ đến cả chục cây số. Khi trời đã bước sang giờ Tý, bà mới quay trở về, tay khệ nệ xách từng bịch "chiến lợi phẩm" của một đêm “hành khất”.
Sang ngày mới, bà bắt đầu bằng việc kiểm tra các thứ đã xin được. Rồi bà tỉ mẩn phân loại riêng từng thứ, cơm ra cơm, bánh mỳ để riêng phần bánh mỳ. Những bánh mỳ nào còn nguyên chiếc, bà phải cho ra thái lại, băm nhỏ, để cá ăn dễ hơn. Không thừa lại, lãng phí còn gây ô nhiễm cho hồ. Bà tâm sự: “Nhiều lần đến các nhà hàng, lò bánh... họ thấy mình già, tay cầm túi họ tưởng tôi là ăn xin, nên không ít lần họ xua đi. Lúc đầu tôi bỏ tiền ra mua. Lâu rồi họ cũng biết, giờ thì họ chẳng lạ gì tôi nữa, chỉ cần thấy mình là họ đem cho. Thậm chí, nhiều nhân viên còn gói ghém cẩn thận vào bọc nilon, chỉ đợi mình đến”. Cứ thế, ngày qua ngày, bà Gái âm thầm làm công việc nuôi cá Hồ Gươm ngót nghét 22 năm, theo trí nhớ của bà. Bà chỉ bắt buộc phải để lũ cá nhịn ăn khi bà ốm liệt giường. Khi chúng tôi hỏi, bà có bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ từ bỏ công việc này, một vẻ thoáng buồn lướt qua mắt bà, rồi bà lại vui vẻ "chỉ khi nào tôi chết thôi chú ạ".
Theo Thu Trang - Lê Việt
Khoa học Đời sống online
Khoa học Đời sống online