Bất ngờ nhận được điện thoại của một người tự xưng giám đốc công ty lớn ngỏ ý đặt mua vải với số lượng lớn, anh Nguyễn Thế Cần (SN 1974, ngụ khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) mừng thầm “thần tài gõ cửa”. Nhưng chỉ sau vài tháng hợp tác, vị giám đốc luôn hết cớ này cớ khác trì hoãn trả tiền hàng rồi bỏ mất dạng. Nạn nhân đành nuốt “quả đắng” "ôm" khoản nợ hơn trăm triệu đồng.
Tin hợp đồng dấu đỏ, ôm nợ hàng trăm triệu
Vụ việc xảy ra đã hơn năm nay nhưng anh Cần vẫn chưa hết ấm ức chuyện khiến gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Anh cho biết, mình là công nhân bốc xếp lâu năm cho một cửa hàng vải tại chợ Tân Bình. Nhờ thâm niên làm việc cộng với tính thật thà, chịu khó nên anh được chủ cửa hàng tạo điều kiện lấy vải mẫu đi chào hàng bán ngoài giờ, cải thiện thu nhập.
Người bốc vác khốn khổ chẳng biết làm bao lâu nữa mới kiếm nổi số tiền bị "siêu lừa" chiếm đoạt. |
Lợi nhuận thu được từ việc bán thêm vải chỉ vài trăm ngàn mỗi tháng, nhưng với những người lao động chân tay như anh Cần, cũng đỡ đần phần nào chi phí gia đình.
Khoảng giữa tháng 8/2011, anh thợ bốc xếp bất ngờ nhận được cuộc điện thoại lạ từ một người giới thiệu tên Thái, giám đốc công ty TNHH sản xuất -thương mại xuất nhập khẩu Ngân Mỹ có trụ sở tại Quận 12. Qua điện thoại, người này giới thiệu công ty mình chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc và ngỏ ý muốn hợp tác làm ăn với anh Cần.
“Ông ta nói được đối tác giới thiệu, cho số điện thoại của tôi. Ngay bữa gặp mặt đầu tiên, ổng đề nghị mua hai cây vải, tổng trị giá 10 triệu đồng”, anh Cần trình bày.
Ấn tượng đầu tiên khiến anh tin tưởng là vị giám đốc thanh toán tiền bạc rất sòng phẳng. Đúng một tháng sau, người này lại gọi điện yêu cầu cung cấp đơn hàng vải trị giá hơn 12 triệu đồng, chỉ thiếu lại vài trăm ngàn gọi là “làm tin”. Nhớ lại từng giai đoạn “dính bẫy”, anh Cần nghiệm ra rằng chính hai lần mua hàng trả “tiền tươi” đó đã chiếm được lòng tin của anh.
Mặt khác, lúc anh Cần đến giao vải, đã tận mắt nhìn thấy trụ sở “hoành tráng” của công ty Ngân Mỹ đóng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, kế bên là khu nhà xưởng với gần 20 nhân công miệt mài làm việc.
Việc mua bán có giấy tờ đàng hoàng, phía mua hàng là công ty Ngân Mỹ, đóng dấu ký tên giám đốc Nguyễn Đức Thái. Anh Cần mừng thầm bởi từ trước đến nay, đây là khách hàng lớn nhất anh hợp tác làm ăn. Hơn nữa, thi thoảng vị giám đốc lại gọi điện động viên: “Dạo này hàng hoá bán chạy, vải của em đạt chất lượng cao nên thời gian tới đối tác của anh sẽ đặt thêm hàng”.
Vài ngày sau anh lại nhận được điện thoại đề nghị mua 9 cây vải, tổng trị giá xấp xỉ 52 triệu đồng. Tuy nhiên, khác với những lần trước, ông Thái hẹn hôm sau sẽ giao tiền bởi không chuẩn bị kịp tiền mặt. Hôm sau rồi hôm sau nữa, anh Cần vẫn chẳng thấy đối tác đề cập chuyện tiền nong: “Hôm thì ổng bảo Chủ nhật ngân hàng nghỉ nên không rút được tiền, hôm khác ông ấy viện cớ đang đi công tác ở xa”.
Vừa cần tiền, nhưng lại không muốn gây phật lòng đối tác, anh nhỏ nhẹ hối thúc, chỉ nhận được những lời hứa: “Em cứ yên tâm, vài ngày nữa anh thanh toán hết”.
“Cú đánh quyết định” là cuối tháng 11/2011, viên giám đốc gọi điện tiếp tục đặt mua 10 cuộn vải trị giá hơn 37 triệu. Anh Cần thú thực tuy có phần lưỡng lự trước khi giao hàng nhưng do được hứa chở vải đến nơi sẽ thanh toán luôn cả khoản nợ trước đó nên hồ hởi lên đường.
Khi đến xưởng may, Thái lại không trực tiếp nhận hàng, tiếp tục hứa: “Anh đang đi công chuyện, em cứ giao hàng cho quản đốc rồi sáng mai lên lấy tiền nhé”. Người bán miễn cưỡng quay về, hôm sau tiếp tục chở đến một kiện hàng nữa trị giá 51,4 triệu đồng. Tổng cộng 3 lần giao vải, số tiền 139 triệu đồng anh Cần vẫn chưa lấy được.
Em trộm con dấu, mạo chữ ký của anh trai?
Thấy đối tác hứa hẹn mãi nhưng không chịu thanh toán nợ, vợ chồng anh Cần bắt đầu lo lắng. Hơn nữa, thời điểm tháng 12/2011 cận kề tết Nguyên đán, chủ cửa hàng vải liên tục thúc giục thanh toán. Sau nhiều lần bị thất hứa, vợ chồng quyết định tìm đến trụ sở công ty Ngân Mỹ đòi nợ.
Lúc này vợ chồng anh công nhân bốc xếp mới "té ngửa" khi biết người mua vải của mình lâu nay không phải là giám đốc Thái. “Tôi lên công ty thì một người tiếp chuyện nói rằng anh ta mới là Nguyễn Đức Thái, giám đốc công ty. Tôi đưa số giấy tờ có đóng dấu đơn vị này ra thì ông ta chỉ xem thoáng qua rồi bảo có lẽ đứa em lấy trộm con dấu đem đóng lung tung, rồi bảo tôi tìm người mua hàng mà đòi nợ, công ty Ngân Mỹ không liên quan”, anh Cần kể lại.
Giải thích tại sao lại bị “hớ” đến 3 lần “tự nguyện” giao hàng, nạn nhân thanh minh cứ mỗi lần khất nợ, kẻ mạo danh lại sẵn sàng viết giấy nợ, đóng dấu đỏ choét nên anh tin tưởng. Không chỉ vậy, nhiều lần đến giao hàng, anh hỏi thăm “giám đốc Thái” ở đâu đều được một số người ở đó dẫn vào phòng gặp kẻ mạo danh. Phải chăng một số người làm việc tại đây đã nói dối, tiếp tay cho hành vi lừa đảo của “em trai” giám đốc thật?.
Nạn nhân thậm chí còn nhận định vị “giám đốc rởm” đã cấu kết với công ty Ngân Mỹ giăng bẫy mình. Khi phát hiện bị lừa, anh gọi điện cho “giám đốc rởm” thì người này điềm tĩnh giải thích rằng “mượn tên anh trai cho đúng thủ tục pháp lý”.
Đòi nợ, “giám đốc rởm” thản nhiên: “Khách hàng bên ngoài Hà Nội đang nợ anh hơn tỉ đồng, ít bữa nữa họ chuyển tiền, anh sẽ thanh toán ngay cả 3 đợt hàng”.
Nhưng chỉ vài ngày sau đó điện thoại người này rơi vào trạng thái không liên lạc được. Tìm đến công ty hỏi cho ra lẽ thì nạn nhân thêm phen hoảng hốt bởi bảng hiệu đều đã được tháo dỡ, xưởng may trống trơn, chỉ còn lại dàn máy cũ kỹ.
Cuối tháng 6/2012, nạn nhân làm đơn tố cáo gửi đến công an Quận 12 nhờ can thiệp. Danh tính kẻ tự xưng giám đốc được xác định tên Nguyễn Đức Nguyên, em trai ông Nguyễn Đức Thái, giám đốc công ty TNHH Ngân Mỹ.
Đúng một tuần sau, công an Quận 12 thông báo Nguyên sẽ thanh lý dàn máy trả nợ cho nạn nhân, đồng thời cung cấp số điện thoại mới của Nguyên cho người tố cáo.
Qua điện thoại, Nguyên cam kết tới ngày 20/7/2012 sẽ trả hết nợ, nhưng sau đó đã rời khỏi địa phương. Anh Cần được người dân sống cạnh công ty Ngân Mỹ cho biết khuya một ngày cuối tháng 7/2012, họ nhìn thấy hai xe tải đến vận chuyển tài sản công ty trên đi nơi khác. Người lái xe tải cung cấp thêm, ông được thuê chở máy móc, vật dụng về Long An nhưng lại trả hàng giữa cánh đồng hoang.
Tường trình đầu đuôi sự việc, nạn nhân tự nhận do quá tin người, lại bị “loè” bởi con dấu đỏ nên mới bị lừa ngoạn mục. May mắn chủ cửa hàng vải đồng cảm nên chấp nhận cho vợ chồng anh Cần trả nợ dần.
“Cứ ngỡ may mắn gặp được đối tác lớn, uy tín, nào ngờ gặp phải kẻ lừa đảo. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm phút chốc trôi ra biển. Gia đình hiện vẫn nợ chủ hàng hơn 70 triệu. Bây giờ chỉ biết cố gắng làm việc kiếm tiền trả nợ, hy vọng mọi người lấy trường hợp của tôi làm bài học, tránh rơi vào cảnh ngộ tương tự”, nạn nhân chia sẻ.
Theo Xa lộ pháp luật