Theo cơ quan chức năng, những thông tin trên đều là giả mạo, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự cá nhân.
Qua làm việc trực tiếp, các đối tượng đăng tải, bình luận và chia sẻ thông tin cho biết nhận thức giản đơn chỉ đăng lên để câu view và gây sự chú ý của cộng đồng mạng, không nhận thức được hành động của mình đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp của người dân trong việc chung tay khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
"Việc điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội trong việc chung tay loại bỏ những thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích", Đại úy Lê Văn Thanh - Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Thọ Xuân nói.
Đội An ninh, Công an huyện Thọ Xuân đã nhắc nhở, yêu cầu 2 trường hợp gỡ bỏ thông tin sai sự thật, đồng thời tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ, xử lý nghiêm vi phạm khác.
Trong đó, có trường hợp L.T.M (huyện Thọ Xuân), một facebooker bán hàng trên mạng. Ngày 12/5, khi thấy tài khoản facebook Thảo Teresa đăng tải một dòng thông tin “Vương quốc Thanh Hóa ép dân ký vào đơn không nhận hỗ trợ dịch Covid...” kèm bức ảnh lá đơn tự nguyện của người dân, M lập tức chia sẻ lên trang facebook của mình, không kiểm tra nội dung này đúng hay sai mà.
Khi được Công an huyện Thọ Xuân triệu tập, M mới biết hành vi của mình đã tiếp tay cho việc lan truyền những thông tin xấu, độc, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân.
"Do nhận thức pháp luật hạn chế nên khi thấy thông tin như vậy thì rất lấy làm lạ và bất bình. Ở nhà tôi còn thấy nhiều người sau khi nhận được tiền hỗ trợ còn mang lên xã để ủng hộ lại cho những người khó khăn hơn, nên tôi đã chia sẻ với mục đích để xã làm rõ xem đó có phải sự thật không. Biết mình vi phạm pháp luật, chắc từ nay tôi không dám chia sẻ lung tung nữa", M nói.
Thông tin thất thiệt trên mạng xã hội khiến người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ rất buồn.
Là gia đình cận nghèo, có 4 khẩu được nhận số tiền gần 4 triệu đồng hỗ trợ của Chính phủ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng sau khi được nhận tiền, chị Đỗ Thị Ngọc (thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) đã tự nguyện nhường lại một suất để hỗ trợ những người còn khó khăn hơn mình.
Chị Đỗ Thị Ngọc (ngoài cùng bên trái). |
"Thấy một số cụ bà gần 90 tuổi rồi vẫn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho người khác, nghĩ mình còn sức khỏe, còn có thể lao động sao không làm theo để noi gương cho con cháu, chứ thực sự không bị ai ép buộc, hay gợi ý gì cả. Còn về việc viết đơn thì do mắt kém, cũng không biết viết như thế nào, có muốn viết thì cũng nhờ người khác viết hộ, nên có mẫu đơn viết sẵn thì cũng tiện cho chúng tôi", chị Ngọc chia sẻ.
Trước đó, nhiều cá nhân, gia đình ở tỉnh Thanh Hóa đã làm xin đơn không nhận tiền từ gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. Chỉ riêng huyện Thọ Xuân đã có hơn 2.400 người thuộc gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo không nhận tiền (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, những người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ là lao động nghèo, những người yếu thế trong xã hội, có người tuổi cao, mắt kém, thậm chí còn đọc chưa thông, viết chưa thạo, việc tự tay viết một lá đơn là hết sức khó khăn, nên nhờ cán bộ xã soạn sẵn mẫu đơn để tự nguyện ký vào, chứ không có chuyện địa phương làm đơn sẵn rồi bắt các hộ dân ký nhận.