Lô hàng 23 tấn vải lưu thông trong nội địa với đầy đủ giấy tờ, nhưng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Quảng Ninh vẫn quyết “giam” hàng. Khi kiểm đếm sau thời gian lưu kho, lô hàng bị hụt mất 2 tấn so với lúc “lên hàng” khiến doanh nghiệp không biết kêu ai….
Trụ sở PC 46 Công an tỉnh Quảng Ninh |
Ngày 4/11/2011, Chi nhánh Cty CP Đầu tư thiết bị điện tử viễn thông Việt Nam (CN Viễn thông) ký hợp đồng bán hàng cho Chi nhánh Cty TNHH MTV Thương mại Phương Vi (CN Phương Vi) 23 tấn vải may mặc các loại. Theo thỏa thuận của cả hai bên, CN Viễn thông thuê ông Vũ Đăng Chính vận chuyển số hàng trên và mang theo đầy đủ hóa đơn GTGT đến nơi tiếp nhận của CN Phương Vi.
Ngày 9/11/2011, xe hàng đang trên đường vận chuyển thì bị lực lượng Công an thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và giữ luôn hàng hóa trên xe dù chủ hàng đã gửi theo xe đầy đủ hóa đơn, chứng từ của số hàng. Bất thường hơn, việc kiểm tra, rồi giữ hàng xảy ra ngày 9/11/2011 nhưng đến ngày 19/11/2011 (tức là 10 ngày sau) PC46 mới ban hành Quyết định số 55 do Phó trưởng Phòng PC46 Nguyễn Xuân Quý ký “tạm giữ số hàng hóa trên”.
Như vậy, trong khoảng 10 ngày, số hàng trị giá hàng trăm triệu đồng của doanh nghiệp bị tạm giữ mà không có Quyết định, không được kiểm đếm. Ngay cả Quyết định số 55 về tạm giữ khối lượng tài sản lớn của doanh nghiệp nhưng vẫn không nêu ra lý do được tạm giữ…
“Thắc mắc” việc hàng của mình bị giữ vô lý, CN Viễn thông được đại diện PC46 trả lời rằng, doang nghiệp còn thiếu "Bản chính Tờ khai hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan và chứng từ nộp thuế" theo Khoản 2, Điều 5, Thông tư liên tịch (TTLT) số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA. Cho rằng bị áp dụng sai pháp luật để xử lý, CN Viễn thông tiếp tục khiếu nại.
Ngày 15/2/2012, Đại tá Nhâm Ngọc Tám, Phó Giams đốc Công an tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 112 “giải đáp” rằng: “Chủ lô hàng đã có vi phạm cần phải bị xử lý” vì “tại thời điểm kiểm tra (9/11/2011), lái xe Vũ Đăng Chính không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của số hàng hóa”
Nhưng thực tế, ngay tại "biên bản tạm giữ tài liệu" ngày 9/11/2011 cho thấy, khi bị kiểm tra phương tiện và hàng hóa, lái xe Chính đã xuất trình và giao nộp 2 hóa đơn GTGT bản chính cùng lệnh xuất kho, phiếu xuất kho của đơn vị trực tiếp bán hàng là CN Viễn thông. Những chứng từ đó là đầy đủ để cho lô hàng lưu thông trong nội địa theo quy định tại TTLT số 60.
Nhiều ý kiến cho rằng ở đây, cơ quan công an áp dụng Khoản 2 Điều 5 “quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá đang trên đường vận chuyển từ nơi làm thủ tục hải quan vào nội địa” để đòi hỏi “chứng từ gốc chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của số hàng” là không chính xác và làm khó doanh nghiệp vì CN Viễn thông không phải là “doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu”, không giữ và cũng không có trách nhiệm phải xuất trình “bản chính Tờ khai hải quan”
Nếu đúng, Chi nhánh Viễn thông không phải được coi là doanh nghiệp “không trực tiếp nhập khẩu” và lúc này phải áp dụng Khoản 2 Điều 6 “Quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa” bởi lô hàng này được CN Viễn thông mua của một doanh nghiệp trong nước khác.
Ngoài ra, văn bản số 112 của Công an tỉnh còn nêu: “Lái xe Vũ Đăng Chính (đồng thời là chủ xe) đã thừa nhận hành vi vi phạm và cùng người chứng kiến vụ việc ký xác nhận biên bản vi phạm". Thực ra, ông Chính chỉ là lái xe thuê, không phải là người của doanh nghiệp nên chỉ có thể “thừa nhận” về việc treo biển kiểm soát giả mà thôi, không liên quan đến lô hàng.
Không chấp nhận những “giải thích” của Công an tỉnh tại văn bản số 112 nêu trên, CN Viễn thông tiếp tục khiếu nại. Vừa qua, Đại tá Vũ Chí Thực - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã ký Quyết định số 372 giải quyết khiếu nại, kết luận rằng: “Nội dung khiếu nại của CN Viễn thông là khiếu nại sai”, đồng thời giữ nguyên kết luận như tại Công văn số 112. Quyết định này còn yêu cầu CN Viễn Thông "chấm dứt việc khiếu nại những nội dung nêu trong đơn đề tháng 3/2012 vì không có căn cứ".
Tiếng là “giải quyết khiếu nại” nhưng Quyết định 372 lại không trả lời nội dung khiếu nại của CN Viễn Thông về vi phạm trong quy trình nghiêp vụ của PC46 cũng như việc Công an tỉnh đã áp dụng sai điều khoản tại TTLT số 60 như đề cập ở trên. Ngoài ra, quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an tỉnh trong vụ việc này cũng chưa phải là văn bản quyết định giải quyết cuối cùng, tại sao lại yêu cầu "chấm dứt việc khiếu nại”?
Vụ việc này đã bị kéo dài hơn nửa năm, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng của Bộ Công an.
PV