Chỉ muốn gặp bị can tại nhà tạm giữ nhưng luật sư bị buộc phải có lệnh trích xuất của tòa án giống như đưa bị can ra tòa.
Theo phản ánh của nhiều luật sư, thời gian qua, hiện còn có rất nhiều vụ việc “làm khó” người bào chữa, trong đó có quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, tạm giữ. Thực tế, đa số các trại tạm giữ, tạm giam đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để người bào chữa thực hiện tốt quyền này, nhưng một số trường hợp do nhiều lý do khác nhau mà người bào chữa vẫn bị “hành”.
Điển hình là vụ việc Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội đưa ra yêu sách đối với luật sư muốn gặp bị cáo đang bị tạm giam trong nhà tạm giữ của Công an huyện là phải xuất trình “Lệnh trích xuất” của Tòa án.
Điều này được phản ánh trong đơn ngày 30/11/2012 của ông Bùi Đăng Tước, trú tại Thôn Đìa, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội, tố cáo về việc “có dấu hiệu cho thấy công an huyện Thanh Oai cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án để bắt con, cháu ông phải đi tù oan về tội hủy hoại tài sản, sau đó bưng bít sự việc bằng cách không cho luật sư gặp các bị cáo đang bị tạm giam”.
Về sự việc này, Luật sư Nguyễn Quang Anh, Trưởng Văn phòng Luật sư Sao Việt, Đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho 3 bị cáo Sơn, Hải, Hoàn trong vụ án này cũng cho biết: “Nhằm mục đích xác minh sự thật khách quan của vụ án Hủy hoại tài sản trên, tôi đã đến gặp ông Nguyễn Hồng Ky – Trưởng nhà tạm giữ công an huyện Thanh Oai đồng thời là Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT phụ trách điều tra vụ án này để đề nghị được gặp các bị cáo Sơn, Hải, Hoàn với đầy đủ giấy tờ cần thiết, trong đó có giấy chứng nhận người bào chữa. Nhưng ông Ky không cho tôi gặp các bị cáo mà yêu cầu tôi phải xin lệnh trích xuất của TAND huyện Thanh Oai (cơ quan đang thụ lý vụ án) thì mới giải quyết.
Giải thích cho yêu cầu của mình, ông Ky viện dẫn Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam.”
Tuy nhiên, theo quy định mà ông phụ trách nhà tạm giữ viện dẫn thì chỉ khi đưa bị cáo ra khỏi nơi giam, giữ mới cần có lệnh trích xuất bằng văn bản của cơ quan thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Còn trong trường hợp luật sư đề nghị được gặp bị cáo đang bị tạm giam trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam để tìm hiểu nội dung vụ án thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam căn cứ vào văn bản đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án cho luật sư tiếp xúc với bị cáo để quyết định đưa bị cáo đang bị tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ.
Khi đó, Giấy chứng nhận người bào chữa chính là văn bản mà cơ quan tiến hành tố tụng cấp cho luật sư để xác định tư cách tham gia tố tụng của họ, cũng là văn bản thể hiện sự đồng ý của cơ quan tiến hành tố tụng cho luật sư được thực hiện các quyền của người bào chữa trong đó có quyền gặp bị cáo đang bị tạm giam theo khoản 2 Điều 58 bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Quang Anh, việc làm này là cố tình gây khó khăn cho người bào chữa của bị cáo. Vì, với vai trò là Trưởng nhà tạm giữ công an huyện Thanh Oai, đồng thời là Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra và với bề dày công tác thì ông Nguyễn Hồng Ky không thể không biết rõ các quy định trên về việc gặp bị can, bị cáo trong nhà tạm giữ khác với việc trích xuất các bị can, bị cáo để đưa đến Tòa án.
Việc đưa ra lý do “phải có lệnh trích xuất của Tòa án” là cách giải thích không đúng pháp luật để cố tình tìm cách gây khó khăn cho luật sư trong quá trình tiếp xúc với bị cáo để tìm hiểu sự thật của vụ án.
Việc bắt buộc luật sư phải có có lệnh trích xuất hay quyết định cho gặp của cơ quan tiến hành tố tụng rõ ràng là gây khó khăn, mất thời gian cho cả phía người bào chữa và cả cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Nếu việc đòi hỏi như vậy là do không hiểu đúng pháp luật thì cần phải xem xét lại năng lực của Giám thị trại giam hay Trưởng nhà tạm giữ. Tuy nhiên, nếu nó bắt nguồn từ nguyên nhân “tế nhị” khác thì hành vi của các cá nhân đó cũng phải bị xem xét và xử lý nghiêm túc.
Để làm rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục gặp bị can đang bị tạm giam, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng VPLS Khánh Hưng về việc này. Thưa Luật sư, trong quá trình làm việc với các bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong các trại tạm giam, ông có bị đòi “lệnh trích xuất” của Tòa án không? - Thực tế, tôi đã tham gia tố tụng nhiều vụ án có bị can, bị cáo bị giam giữ. Chúng tôi nhiều lần phải làm việc với bị can, bị cao trong trại tạm giam nhưng trong quá trình làm việc với bị can, bị cáo đang bị giam giữ, tôi chưa bao giờ phải xuất trình lệnh trích xuất bị can của Tòa án. Hiện nay, các trại tạm giam của Công an các tỉnh, TP hay cả các trại tạm giam của Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trại tạm giam của Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng cũng không bao giờ đòi hỏi vô lý như trên. Khi vào trại giam làm việc với bị can, bị cáo, tùy từng giai đoạn tố tụng để “đòi” giấy tờ. Nếu trong giai đoạn điều tra thì thông thường, luật sư không bao giờ được gặp riêng bị can mà phải cùng làm việc với điều tra viên. Sau khi hồ sơ chuyển sang VKS và Tòa án thì luật sư có thể gặp riêng bị can. Khi đó, luật sư chỉ phải xuất trình giấy chứng nhận bào chữa và thẻ luật sư mà không bị “yêu cầu” thêm bất cứ một giấy tờ nào khác. Ông có thể giải thích tại sao các trại tạm giam lại không yêu cầu “lệnh trích xuất” của Tòa án như trường hợp xảy ra tại nhà tạm giữ được phản ánh như trên? - Theo quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP thì việc trích xuất bị can, bị cáo bị tạm giam để thực hiện các hoạt động tố tụng như gặp điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư nhưng trong phạm vi trại tạm giam, nơi tạm giữ thì người phụ trách ký lệnh trích xuất. Trường hợp Tòa án yêu cầu trích xuất bị cáo ra Tòa để xét xử thì Tòa có lệnh trích xuất hoặc yêu cầu trích xuất gửi đến trại tạm giam để người phụ trách ký lệnh trích xuất và giao cho lực lượng dẫn giải, bảo vệ đưa bị cao ra khỏi nơi giam để thực hiện các hoạt động tố tụng. Vì thế, khi các luật sư hay điều tra viên, kiểm sát viên đến gặp bị can trong các giai đoạn tố tụng không bao giờ bị đòi “lệnh trích xuất” của Tòa án hoặc các cơ quan tố tụng khác. Xin cảm ơn ông! Bình Minh (thực hiện) |
Dương Kim